Những khu vực nào của Hà Nội có nguy cơ ngập khi nước sông Hồng dâng cao?

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên nhanh, đạt mức báo động 1 trong 12 giờ tới; sau đó có thể đạt mức báo động 2 trong 24 giờ tới, nhiều khu vực của Hà Nội có nguy cơ ngập úng do nước sông dâng cao.

Nguy cơ ngập úng ở Hà Nội rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7h sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội 9,02m, dưới báo động 1 0,48m. Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 1. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 2.

Cơ quan khí tượng cho biết, cảnh báo ngập do nước sông Hồng lên báo động 1 và trên báo động 1 là các khu vực bãi Phúc Tân (Phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), bãi Phúc Xá (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), Phường Tứ Liên, Quảng Bá, Phú Thượng (Quận Tây Hồ)....

Nước sông Hồng dâng rất cao gây ngập lụt nhiều nơi.

Nước sông Hồng dâng rất cao gây ngập lụt nhiều nơi.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, mực nước trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy sẽ tiếp tục lên trong hôm nay (10/9). Đỉnh lũ trên sông Đà ở mức dưới báo động 1; sông Hồng, sông Đuống ở mức báo động 1; sông Đáy ở mức báo động 2.

Lũ trên các sông lên cao sẽ gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, các bãi nổi, uy hiếp các tuyến đê thuộc quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn…

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai đưa ra khuyến cáo, với diễn biến nước lũ lên rất nhanh, bà con ở các vùng thấp trũng, khu vực ngoài đê sông Hồng khu vực Tứ Liên và Ngọc Lâm, Gia Lâm, vùng ven sông, vùng thấp trũng Chương Mỹ lưu ý nước sẽ lên trong ngày và đêm nay 10/9.

"Mọi người ở vùng thấp trũng ở Hà Nội nên kê cao đồ đạc, đưa xe ô tô lên chỗ cao. Mưa kết hợp lũ sẽ khiến nước dâng. Đêm qua mưa lan rộng ra hầu khắp 17 tỉnh thành ở miền Bắc, nguy cơ ngập lụt diện rộng và ngập lụt cục bộ nhiều nơi. Hôm nay mưa tiếp tục lớn và diễn ra trên diện rộng. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội nước đã lên 30-50cm và dự báo tiếp tục lên nữa trong hôm nay", TS Huy khuyến cáo.

Từ đêm qua 9/9, người dân ở ven sông trên địa bàn TP Hà Nội đã hối hả chạy lũ sông Hồng khi nước dâng lên cao. Một số vùng dân cư ven sông Hồng tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, như phố Chương Dương Độ, nước sông ngày một dâng cao trong đêm khiến người dân không khỏi lo lắng.

Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, gây nguy cơ ngập lụt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã sẵn sàng sơ tán người dân sống tại khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận:Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...

Số người chết và mất tích không ngừng tăng do mưa lũ

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo cập nhật thiệt hại do mưa lũ. 3. Tính đến 8h sáng nay (10/9), mưa lũ khiến 104 người chết, mất tích (65 người chết, 39 người mất tích) gồm Cao Bằng 33 người (17 người chết, 16 người mất tích), Lào Cai: 30 người (19 người chết, 11 người mất tích), Yên Bái: 9 người do sạt lở đất (7 người chết, 2 người mất tích), Quảng Ninh: 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người), Hải Phòng 2 người chết do bão....

Tại một số địa bàn đã ghi nhận ảnh hưởng bước đầu của lũ lụt. Tại Yên Bái chiều qua (9/9), nước sông Hồng dâng cao trên báo động 3 đã gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình tại TP Yên Bái. Đến 13h30, các khu vực ven sông Hồng thuộc TP Yên Bái đang bị ngập sâu trong nước, 3.500 hộ gia đình phải di dời.

Mưa lũ cũng khiến hơn 5.687 nhà tại các huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ bị sập đổ, hư hỏng, ngập úng

Tại địa bàn TP Thái Nguyên, trong chiều tối qua khoảng 3.000 hộ dân thuộc 22 phường, xã đã bị ngập úng, gần 600 hộ phải di dời người và tài sản. Trên toàn TP Thái Nguyên có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 850 ha lúa và hoa màu bị đổ rạp; gần 10 ha trồng keo bị gẫy; 200.000 con gia cầm bị chết và 0,4 ha ao cá bị lũ cuốn trôi…

Tại Lào Cai, theo thống kê từ các địa phương, ngày 9/9 toàn tỉnh đã có 1.109 nhà dân bị ngập nước, sạt lở và lũ cuốn trôi. Một số điểm cầu, tràn,... bị ngập; một cầu dân sinh (cầu gỗ) bị nước lũ cuốn trôi tại huyện Văn Bàn; 9 công trình thủy lợi bị hư hại. Ước tính thiệt hại ban đầu của tỉnh Lào Cai là trên 100 tỷ đồng.

Hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng, Lào Cai,…). Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hạ du hệ thống sông Hồng – Thái Bình.

Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học. Dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão...

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-khu-vuc-nao-cua-ha-noi-co-nguy-co-ngap-khi-nuoc-song-hong-dang-cao-16924091010133266.htm