Những khu vườn kinh tế tạo cảnh quan sinh thái từ cau
Từ xa xưa, cây cau đã được trồng tại hầu khắp các làng quê xứ Thanh, tuy nhiên đa phần quy mô nhỏ lẻ trong các hộ gia đình kiểu tự cung, tự cấp. Hiện nay, một số chủ vườn trên địa bàn tỉnh đã phát triển thành những vườn cây trồng hàng hóa với phương pháp canh tác khoa học, năng suất cao. Nhiều vườn cau mang về thu nhập khá cao đã trở thành gợi ý cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay trong các vườn nhà hay trang trại bởi đầu ra của trái cau hiện cũng khá rộng mở.
Vườn cau xen cây ăn quả của ông Nguyễn Xuân Miên ở xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, được nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ven dòng kênh cấp nước thủy lợi của Trạm bơm Hoằng Khánh, khu vườn của gia đình ông Nguyễn Xuân Miên thuộc thôn Đại Điền, xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) luôn tốt tươi tràn đầy sức sống. Từ xa, dễ dàng nhận thấy những tán cau lớn nhỏ vươn cao hẳn so với những cây ăn quả tầm thấp, tạo nên cảnh quan không khác một tiểu khu sinh thái. Giữa khu vườn là ngôi nhà ở của gia chủ thấp thoáng dưới những tán cây và nhiều hàng cau xung quanh. Vui vẻ dẫn khách đi thăm vườn cây, ông chủ vườn sinh năm 1957, phân tích: Cau là loại cây ít tỏa tán, ít khả năng gây rợp nên có thể trồng dày. Tán cau cao, bên dưới có thể trồng cây ăn quả bởi vẫn có đủ ánh sáng để quang hợp.
Với diện tích vườn nhà hơn 1.200 m2, ông Nguyễn Xuân Miên đã sớm có ý thức cải tạp vườn tạp để trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi nông hộ từ năm 2010. Tuy nhiên, ban đầu thu nhập còn thấp do vườn chưa được quy hoạch thiết kế khoa học và đồng bộ. Khoảng từ năm 2015, ông được đi thăm một số mô hình vườn kinh tế ở nhiều tỉnh, và quyết định trồng cau. Giống được du nhập về trồng là cau tứ quý ra quả quanh năm ông mua từ một trại giống ở tỉnh Thái Bình. Những lứa cau đầu tiên cho quả, bán dễ, nên những năm gần đây ông tiếp tục phát triển thêm lên tổng gần 200 cây. Đến nay, ½ số cau trong vườn nhà ông đã ra quả với sản lượng trung bình hơn 1 tấn quả mỗi năm. Với giá bán cho các thương lái thu gom tận vườn từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi năm gia chủ có thu nhập gần 50 triệu đồng, trong ít năm tới sản lượng sẽ tiếp tục tăng lên.
Qua tìm hiểu nhiều nơi, việc trồng cau ở đây được áp dụng các tiến bộ trồng trọt, trái ngược với cách trồng quảng canh gần như không chăm sóc trong dân gian. Cau được bón phân chuồng như chuyên canh nhiều cây ăn quả khác, có hệ thống tưới nước phun mưa làm ẩm khắp khu vườn. Để tránh tình trạng ngập úng nếu mưa bão dài ngày, hệ thống rãnh bê tông rộng 25 cm, sâu 35 cm được xây dựng xung quanh và ngang dọc trong vườn. Các hố ga được bố trí ở những điểm giao nhau tại hệ thống rãnh, thu nước đưa ra ngoài qua hệ thống ống nhựa phi 100 mm chôn ngầm. Để tiết kiệm đất, phía trên rãnh thoát nước được lát các tấm bê tông làm hệ thống đường đi trong vườn.
Ngoài cau, gia đình ông Miên còn trồng các hàng đinh lăng, nhãn chín sớm, bưởi ruột đỏ, đồng thời thả gà và chăn nuôi nông hộ lấy phân bón cho cau. Các đàn ong đặt trong vườn vừa có tác dụng thụ phấn cho cây trồng, vừa giúp gia chủ có thêm thu nhập. “Trong các năm 2021 và 2022 tổng thu nhập từ cau và các sản phẩm trong vườn nhà sau khi trừ chi phí vẫn còn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Vườn gia đình tôi còn được coi là khu vườn mẫu theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới, có hiệu quả bậc nhất trong huyện Hoằng Hóa”, ông Miên chia sẻ.
Tại huyện ven biển Nga Sơn, nhiều mô hình trồng cau kết hợp cây ăn quả khác cũng được nhiều chủ vườn, chủ trang trại triển khai hiệu quả. Trong khu vườn đa canh với nhiều loại cây trồng của ông Vũ Văn Phượng ở thôn 5, xã Nga Liên hiện 500 cây cau đã được trồng xen trong các năm qua. Đến nay đã có 150 cây cho quả, mỗi năm ra 2 đến 4 buồng, nhiều buồng tới 200 - 300 quả. Theo hạch toán của gia chủ, mỗi cây cau cho thu hoạch trung bình 550.000 đồng/vụ. Chỉ 2 đến 3 năm cau cho thu hoạch, nên khi cả 500 cây cau cho quả, thu nhập sẽ nâng lên hàng trăm triệu đồng/năm. Từ nhiều mô hình trồng cau hiệu quả trên địa bàn trong và ngoài huyện gần đây, ông Mai Văn Hào ở thôn Hồ Đông, xã Nga Thành cũng mới phát triển hàng cau dọc ngõ đi và trong vườn. Hiện cau chưa ra quả, nhưng đã góp phần tạo nên cảnh quan sinh thái cho vùng quê nông thôn mới.
Thông tin từ Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, trên địa bàn toàn tỉnh hiện chưa có thống kê tổng diện tích cau nhưng xuất hiện nhiều mô hình cau xen các cây trồng ở các trang trại, các vườn rừng ở miền núi cho hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm cau ngoài bán cho thương lái đưa đi chợ đầu mối hoặc các cơ sở trong tỉnh, cau còn được nhiều người thu gom xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc với số lượng lớn. Nếu làm tốt công tác cung cầu, có thể hình thành những khu vườn chuyên canh cau gắn với đầu ra bền vững. Một lợi thế khác là cau rất dễ trồng và chăm sóc, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại các vùng quê trong tỉnh. Trước đó, trên cả nước, cũng có nhiều vùng trồng cau xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất kẹo cau, điển hình nhất là huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã phát triển vùng cau ra toàn huyện. Tại TP Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cũng xác định cau là sản phẩm xuất khẩu quan trọng, được hàng chục nghìn hộ tham gia canh tác theo hướng thâm canh.