1. Tọa lạc tại xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, cột đá chùa Dạm có từ thế kỷ 11, được coi là một tuyệt tác điêu khắc không chỉ của nhà Lý mà của cả lịch sử nền mỹ thuật Việt.
Phần đỉnh cột được chạm nổi đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu”. Đầu rồng nhô cao chầu nhau, miệng ngậm ngọc, được chạm khắc với những hoa văn vô cùng tinh xảo. Chân trước cặp rồng chụm lại dâng một viên ngọc cùng cỡ với viên ngọc ngậm ở miệng.
Toàn thân rồng có vẩy khép, uốn lượn nhịp nhàng, mềm mại. Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chim. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, uốn quanh thân cột. Các khe trống được trám chi tiết hoa văn cúc dây rất hài hòa, sinh động.
Theo các nhà nghiên cứu, việc nghiên cứu cột đá chùa Dạm dưới góc độ mỹ thuật sẽ cho ta hiểu được sâu sắc nghệ thuật Phật giáo thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
2. Tượng A Di Đà chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có từ thời Lý, năm 1057, được coi là một trong những pho tượng Phật cổ xưa bằng đá đẹp nhất Việt Nam.
Tượng được tạc với thế ngồi thiền, hơi rướn mình ra phía trước, hai tay đặt ngửa trong lòng kết ấn với tay trái đặt trên tay phải, chân ngồi xếp bằng tròn. Tượng ngồi trên tòa sen hình bán cầu dẹp trang trí bằng những cánh hoa sen, mỗi cánh lại tạc hình rồng cuốn.
Bức tượng cùng các hoa văn trang trí tiêu biểu cho sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động, đây là một tượng Phật mẫu mực, một kiệt tác mỹ thuật thời Lý để lại cho muôn đời sau.
Đáng tiếc rằng vào thập niên 1940, làng Phật Tích bị giặc Pháp chiếm đóng. Quân Pháp đã đem tượng A Di Đà dùng làm bia để tập bắn khiến đầu tượng đã bị gãy rời, thân tượng nham nhở vết đạn...
3. Cũng nằm ở chùa Phật Tích, bộ tượng 10 linh thú gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau, được đặt phía trước hành lang tòa Tam bảo. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, không tìm thấy tác phẩm tương tự ở bất cứ đâu.
9 trong 10 được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối, trừ một tượng trâu được ghép từ hai khối đá. Các bức tượng được tạo hình trong tư thế phủ phục với những đường nét khỏe khoắn và rất sinh động. Mỗi linh thú được đặt trên một bệ đá, mặt trên của bệ đá tạc nổi hình cánh hoa sen cách điệu.
Các linh thú này đều có trong điển tích nhà Phật, mang ý nghĩa bảo vệ và quy y Phật pháp. Cụ thể, sư tử biểu tượng của sức mạnh bảo hộ Phật pháp. Voi là sức mạnh thể chất và tâm thức. Tê giác là sự kiên trì của người tu hành...
Theo các nhà nghiên cứu, các hiện vật này đã cho thấy sự phong phú về đề tài cũng như chủ đề sáng tác trong mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng, lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam nói chung.
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Quốc Lê