Những kim loại chị em của vàng và bạc đáng để giới đầu tư quan tâm
Trong kỳ trước, chúng ta đã nói đến giá trị của bạc so với vàng trong các giao dịch quốc tế. Kỳ này chúng ta sẽ đề cập đến 2 kim loại quý khác là platin và palladi.
Giá trị của bạch kim (platin)
Vào năm 2024, giá bạch kim trên thị trường thế giới được ước tính sẽ dao động quanh mức 800 đến 1.000 USD mỗi ounce. Nhu cầu bạch kim đang tăng lên và có thể còn tăng hơn nữa. Động lực chính của sự tăng trưởng này do gia tăng nhu cầu ô tô vào năm 2023 và xu thế đó có thể tiếp tục trong năm 2024. Mối quan tâm đầu tư vào bạch kim được dự báo sẽ vẫn tích cực vào năm 2024.
Một báo cáo của CNBC cho thấy nhu cầu bạch kim toàn cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung được dự đoán sẽ giảm 1%. Sự mất cân bằng cung - cầu này sẽ gây ra sự tăng giá.
Tầm quan trọng của bạch kim được thừa nhận trong lĩnh vực ô tô. Các nhà sản xuất sử dụng nó để chế tạo bộ chuyển đổi xúc tác. Thành phần này giúp giảm lượng khí thải độc hại của xe.
Bạch kim cũng được sử dụng đáng kể trong ngành hóa chất như một chất xúc tác để sản xuất các chất thiết yếu như axit nitric, silicone và benzen...
Ứng dụng của bạch kim còn mở rộng sang lĩnh vực y tế khi nó có mặt trong công cụ điều trị ung thư và góp phần sản xuất các thiết bị y tế khác nhau.
Gần đây, đặc tính độc đáo của bạch kim khiến nó trở nên quan trọng trong pin nhiên liệu, nâng cao hiệu quả của chúng trong lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử cho ổ đĩa cứng và các thành phần quan trọng khác.
Đồng xu bạch kim là kênh phù hợp nhất cho các nhà đầu tư mới làm quen với kim loại quý hoặc những người có nguồn vốn hạn chế. Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc mua cổ phiếu của các công ty liên quan đến khai thác hoặc chế biến bạch kim có thể hấp dẫn. Chiến lược này phù hợp với những người quen thuộc với thị trường chứng khoán và mong muốn lợi nhuận tiềm năng cao hơn. Tuy nhiên, điều này đi kèm với rủi ro lớn hơn so với việc sở hữu bạch kim vật lý.
Giá trị của palladi
Giá trị hiện tại của palladi là hơn 900 USD/ounce. Xin lưu ý rằng giá trị này dao động liên tục theo những thay đổi trên thị trường, các sự kiện toàn cầu và nhiều yếu tố ảnh hưởng khác.
Bạc và bạch kim chúng ta ít nhiều được nghe tới nhưng với palladi thì hẳn xa lạ với nhiều người.
Trước hết là so với vàng. Palladi và vàng đều là kim loại quý, được đánh giá cao về giá trị kinh tế. Đôi khi, palladi còn đắt hơn vàng, phần lớn là do nhu cầu về kim loại này trong ngành công nghiệp ô tô.
Trong khi cả vàng và palladi đều được sử dụng trong điện tử và trang sức, vàng vẫn là lựa chọn truyền thống cho các khoản đầu tư và hàng hóa xa xỉ. Điều này chủ yếu là nhờ tính dễ uốn và mức độ phản ứng hóa học thấp hơn.
Còn so với bạc thì sao? Palladi hiếm hơn nhiều so với bạc, góp phần khiến giá của palladi thường cao hơn. Mặc dù cả hai kim loại này đều quan trọng về mặt công nghiệp, nhưng nhờ điểm nóng chảy cao hơn, palladi phù hợp hơn cho một số ứng dụng nhất định.
Vậy palladi và bạch kim thì sao? Giống như hai chị em song sinh. Palladi và bạch kim có chung đặc tính vì chúng thuộc cùng một nhóm kim loại trên bảng tuần hoàn. Tuy nhiên, palladi nhẹ hơn và có điểm nóng chảy thấp hơn.
Bạch kim là sự lựa chọn phổ biến hơn cho đồ trang sức cao cấp do trọng lượng và uy tín của nó. Tuy nhiên, palladi lại thường đắt hơn một chút so với bạch kim. Chính xác là trong 5 năm qua, palladi thường có giá cao hơn bạch kim và phải mãi tới tháng trước, bạch kim mới lần đầu vượt giá hơn palladi.
Vì sao giới đầu tư quốc tế chọn cả bạc, bạch kim và palladi chứ không chỉ dồn hết vào vàng?
Vàng tỏ ra là một kênh an toàn trước lạm phát và những thay đổi lớn trên thế giới. Sự phổ biến của vàng là một bảo chứng cho giá trị của nó như một khoản tích lũy.
Bạc không chỉ sáng bóng để làm trang sức; nó hữu ích trong các thiết bị công nghiệp và có thể còn có giá trị hơn vào cuối năm 2024. Đối với bạch kim và palladi, việc sử dụng chúng trong ô tô và ngành y tế giúp nâng cao giá trị tài chính của chúng.
Các kim loại hiếm như vàng hiếm, bạc, bạch kim, palladi và các kim loại quý khác là những bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ danh mục đầu tư nào. Nói chung, giới đầu tư khôn ngoan không bao giờ bỏ hết trứng vào một giỏ kể cả là cái giỏ làm bằng vàng. Do vậy, đầu tư vào hỗn hợp các kim loại khác nhau có thể làm giảm rủi ro. Chiến lược này đảm bảo rằng việc giảm giá của một kim loại sẽ không gây hại cho kế hoạch đầu tư.