Những kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm thanh, thiếu niên

Tội phạm đường phố hiện nay đang có những dấu hiệu diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn. Đáng chú ý, số đối tượng vi phạm lại đa phần tập trung vào độ tuổi thanh, thiếu niên.

Bằng kinh nghiệm và sự chủ động, trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã quyết liệt đấu tranh, chặn đứng cũng như xử lý nghiêm với những vi phạm này, góp phần bảo đảm bình yên trên địa bàn Thủ đô.

Những con số buốt lòng

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng vũ khí, hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng không phải là hiện tượng mới. Thực trạng này đã được Công an TP Hà Nội nhận diện từ sớm. Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, ngay từ tháng 6/2021, Công an TP đã ban hành Chuyên đề "Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội", để tập trung phòng ngừa, đấu tranh. Đến tháng 5/2024, để đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này trong tình hình mới, Công an TP Hà Nội đã nâng lên thành lĩnh vực điều tra cơ bản "Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật gây rối trật tự công cộng".

Nhiều đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật bị Công an TP Hà Nội xử lý.

Nhiều đối tượng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật bị Công an TP Hà Nội xử lý.

Là đơn vị mũi nhọn của Công an Thủ đô trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) trong thời gian qua đã triển khai xây dựng và thực hiện nhiều chuyên đề liên quan đến phòng ngừa tội phạm thanh, thiếu niên, tội phạm đường phố. Khi nhắc đến tội phạm thanh, thiếu niên, tội phạm đường phố, Thượng tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội không khỏi bức xúc, lo lắng bởi tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng gây án trong thời gian qua ngày càng có những biểu hiện, hành vi manh động, phức tạp. Điều nguy hiểm nhất đó là, phần nhiều trong số những đối tượng gây án trên đường phố lại đang ở lứa tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi vi phạm này không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì tương lai của một thanh, thiếu niên tưởng chừng đẹp đẽ ở phía trước có lẽ sẽ là những ngày tháng mịt mù, tăm tối sa lầy vào các hành vi phạm pháp khác.

Thống kê của Công an TP Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 53 vụ việc do các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên có hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật trên đường phố. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, lực lượng CSHS Công an Thủ đô đã điều tra, khám phá 53 vụ (chiếm 100%) làm rõ 889 đối tượng, trong đó đã xử lý hình sự 579 đối tượng (chiếm 65%), xử phạt hành chính 134 đối tượng (chiếm 15%).

Vẫn còn 176 đối tượng vi phạm nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Điều đáng nói là tuổi đời của nhiều đối tượng còn rất trẻ, có em dưới 15 tuổi. Do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình hoặc có em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên các em nhanh chóng theo nhóm bạn xấu, tụ tập điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí đuổi đánh nhau; rủ nhau đi cưỡng đoạt, cướp giật tài sản. Trong 53 vụ trên có 40 vụ gây rối gây rối trật tự công cộng. Những đối tượng này có hành vi tụ tập điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí diễu hành ngoài đường. Cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố 4 vụ gây rối trật tự công cộng và giết người; 9 vụ gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.

Nhận diện từ sớm, xử lý từ xa

Có thể khẳng định, Công an TP Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đường phố, tội phạm thanh, thiếu niên gây án. Những kết quả này đã được Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cũng như lãnh đạo Cục CSHS ghi nhận, biểu dương tại Hội nghị Hội ý nghiệp vụ phòng, chống băng nhóm thanh, thiếu niên sử dụng vũ khí, hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng vừa được Bộ Công an tổ chức mới đây.

Đánh giá về những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, đồng bộ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" từ thành phố đến cấp xã. Trong thời gian qua, Công an TP đã giao Phòng CSHS là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP về kết quả công tác này. Quá trình thực hiện, các đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi hội ý nghiệp vụ để đánh giá, phân tích, làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đề ra giải pháp, biện pháp khắc phục ngay. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, xem xét xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, có sai phạm trong công tác quản lý địa bàn, đối tượng để xảy ra các vụ việc liên quan đến loại tội phạm nêu trên.

Muốn phòng, chống hiệu quả tội phạm thanh, thiếu niên, tội phạm đường phố thì phải "kéo" cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công an TP Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 138 thành phố, tham mưu huy động tối đa sự tham gia có trách nhiệm của các sở, ngành, Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này. Công an TP thường xuyên gửi danh sách các đối tượng vi phạm đến chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục nơi đối tượng cư trú, học tập để phối hợp quản lý, giáo dục, phòng ngừa; đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, một trong những biện pháp được Công an TP Hà Nội triển khai hiệu quả, đó là tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thực chất các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, trọng tâm là công tác điều tra cơ bản. Hàng chục tuyến đường đã được Công an TP Hà Nội rà soát, lên phương án phòng ngừa tội phạm đường phố. Cùng với đó, Công an các quận, huyện, thị xã đã tổ chức ký cam kết đối với 1.283 cơ sở gia công cơ khí, 1161 cơ sở sửa chữa, độ chế xe máy, 959 cơ sở kinh doanh dịch vụ game, internet cũng như đưa hàng nghìn đối tượng vào diện quản lý. Đơn vị cũng nâng tầm nhận diện, nắm bắt từ sớm, từ xa những "đốm lửa" manh nha bùng cháy trên mạng xã hội nhằm tụ tập nhau đi gây án, qua đó có biện pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh cụ thể đối với từng đối tượng. Qua công tác điều tra cơ bản trên không gian mạng đã phát hiện, ngăn chặn 2 hội, nhóm đối tượng thách thức, hẹn đánh nhau giải quyết mâu thuẫn.

Công an TP Hà Nội cũng đổi mới, nâng cao hiệu quả của các mô hình tuần tra, kiểm soát lưu động và cắm chốt phù hợp với từng địa bàn và diễn biến tình hình thực tế. Các tổ công tác 141, tổ công tác liên quân, đặc biệt có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị, lực lượng tuần tra kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các tuyến đường, tuyến phố nơi mà các đối tượng thường xuyên tụ tập, hoạt động, các ngày cuối tuần, ngày lễ, các khung giờ đối tượng thường xuyên hoạt động. Chỉ đạo Công an các quận, huyện giáp ranh, thường xuyên xảy ra các vụ việc nêu trên phối hợp, xây dựng phương án bố trí các chốt kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, từ cơ sở. Thống kê, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Công an TP Hà Nội đã ngăn chặn 5 vụ, bắt giữ 61 đối tượng có hành vi mang theo hung khí.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, việc tiếp nhận, xử lý thông tin về các nhóm thanh, thiếu niên sử dụng vũ khí, hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng được tiến hành đồng bộ, khẩn trương, nhanh chóng. Ngay khi tiếp nhận được thông tin đã kịp thời huy động các lực lượng có liên quan để ngăn chặn, bắt giữ, giải tán ngay từ khi đối tượng mới có dấu hiệu tụ tập.

Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các ngành nội chính cùng cấp trong công tác điều tra, xử lý với tinh thần quyết liệt, triệt để đối với toàn bộ số đối tượng vi phạm, kể cả số đối tượng đã thực hiện hành vi nhưng chưa gây hậu quả; tập trung thu thập tài liệu cá thể hóa vi phạm của từng đối tượng, khai thác mở rộng đối tượng để không bỏ lọt tội phạm; cương quyết áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam đối với số đối tượng cầm đầu, hoạt động tích cực, lựa chọn các vụ án điểm để tổ chức tuyên truyền kết quả điều tra, đưa ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/nhung-kinh-nghiem-trong-phong-chong-toi-pham-thanh-thieu-nien-i740322/