Những kỹ năng phòng vệ cần trang bị cho trẻ trước nạn bắt cóc

Các nhà giáo dục, gia đình và cộng đồng cần nỗ lực tuyên truyền, rèn luyện kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ và cả người lớn trước nạn bắt cóc.

Phòng chống bắt cóc trẻ em cần nhiều kỹ năng của cả người lớn và trẻ em. Ảnh minh họa.

Phòng chống bắt cóc trẻ em cần nhiều kỹ năng của cả người lớn và trẻ em. Ảnh minh họa.

Tăng khả năng phòng vệ

Tháng 8 vừa qua, vụ bắt cóc cháu bé 7 tuổi xảy ra ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Cháu bé đạp xe đi quanh đường nội đô dãy biệt thự liền kề, khi cháu dừng xe thì chiếc ô tô Kia Morning đỗ bên cạnh, tài xế - người đàn ông đeo khẩu trang hỏi chuyện vài câu rồi bước xuống bế cháu bé vào xe chạy đi.

Tên bắt cóc đòi gia đình cháu bé trả 15 tỷ đồng tiền chuộc. Công an suốt đêm truy đuổi kẻ bắt cóc ở nhiều địa phương và đến 5 giờ ngày 15/8 thì bắt giữ được gã đàn ông kia.

Khi vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi chưa lắng xuống thì đến ngày 19/9, Công an TP Hà Nội nhận đơn trình báo của chị M.T.H (33 tuổi, trú xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) về việc con ruột mình là bé N.H.T (21 tháng tuổi) bị Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, trú xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang; là người đưa đón cháu T) bắt cóc, đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng, nếu không sẽ giết cháu T.

Vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Nội xác định chiều 19/9, sau khi đón bé T từ trường mầm non, Trang chở nạn nhân xuống thẳng địa phận tỉnh Hưng Yên và liên tục di chuyển lòng vòng qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Mỹ Hào.

Trên đường đi, bé T mệt, quấy khóc, Trang sợ lộ, sợ bị công an bắt nên đã ra tay sát hại nạn nhân để xóa dấu vết và bịt đầu mối. Sau khi gây án, biết không thể trốn thoát, Trang đã nhảy cầu tự tử.

Dù nghi phạm đã tự tử, song Công an TP Hà Nội vẫn mở rộng điều tra vụ án xem có dấu hiệu đồng phạm hay không? Đặc biệt, ở Long An đã xảy ra vụ việc bé gái 3 tuổi bị bắt cóc tại trường mầm non khu dân cư Kiến Phát, phường 6, TP Tân An vào chiều 2/10.

Chưa hết, một học sinh lớp 3 (Mỹ Đức, Hà Nội) trên đường đi học về bị 2 kẻ lạ mặt theo sát phía sau. Tới khi vào lối rẽ nhỏ trong thôn để về nhà, một người tiến gần đến và định đưa khăn mặt bịt vào miệng em thì học sinh này nhanh chóng né người sang một bên.

Khi bị kẻ xấu túm áo định bế đi, em đã cắn mạnh vào tay, giật tóc khiến kẻ xấu buông tay, đồng thời chạy được vào nhà dân gần đó và hét lớn khiến đối tượng bắt cóc bỏ cuộc.

Sự việc này sau đó được chia sẻ rộng rãi để cảnh báo rằng, kẻ xấu có thể xuất hiện bất cứ đâu. Đồng thời, kỹ năng của em bé lớp 3 chính là bài học cho nhiều trẻ em khác về cách xử lý tình huống khẩn cấp.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cần hướng dẫn trẻ cách phòng chống bắt cóc càng sớm càng tốt.

Trong trường hợp trẻ bị bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh tìm cách xử trí. Tâm lý tội phạm đối với các đối tượng bắt trẻ em là sợ bị bắt, phát hiện, bất an, hành vi rất manh động, thủ đoạn tinh vi. Nhưng chúng luôn lo lắng nên chỉ cần có những tác động bên ngoài là đối tượng có thể có hành vi mất kiểm soát như tiếng khóc, la hét của trẻ hoặc sự từ chối đáp ứng mong muốn từ phía gia đình trẻ…

Nếu không may phụ huynh rơi vào hoàn cảnh này, quan trọng nhất là giữ bình tĩnh nhất có thể, phán đoán thông tin sự việc như cái gì cho thấy con mình thực sự bị bắt cóc, khi bị bắt cóc rồi thì đối tượng muốn điều gì, đòi tiền chuộc hay trả thù…

Thông thường, nên chấp nhận việc đáp ứng như đưa tiền, chuẩn bị tiền để đảm bảo an toàn cho con tin, kéo dài thời gian báo cho cơ quan công an. Bởi người dân không có kỹ năng đối phó với tội phạm, cơ quan công an sẽ có kinh nghiệm, có phương án để tìm ra hung thủ và giải thoát con tin sớm.

Khi xác nhận trẻ có khả năng lớn hoặc chắc chắn bị bắt cóc, hãy trình báo cơ quan chức năng, công an địa phương gần nhất. Có thể nhờ đến sự giúp đỡ của những người bình tĩnh hơn, có kỹ năng tốt hơn và sáng suốt hơn. Tránh loan truyền thông tin chưa rõ ràng khiến mọi việc rối ren hoặc bế tắc hơn.

Gia đình và các bên liên quan cần có tiếng nói chung, thống nhất trong phương án, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng để hành động tìm kiếm, cứu nạn sớm có kết quả.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần giải pháp đồng bộ

Ngoài cha mẹ, theo TS Đặng Văn Cường, trẻ cũng rất cần được trang bị kỹ năng để phòng chống bắt cóc, xâm hại, thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Bỏ chạy đến nơi an toàn như nơi đông người, trường học, nhà ở, nhà dân, siêu thị, quán ăn… để ẩn náu hoặc kêu cứu.

Khi rơi vào tình huống cấp bách, bị kẻ xấu khống chế hoặc tấn công, trẻ cần biết phản ứng, phòng vệ và tấn công ngược lại vào các điểm yếu của đối tượng để giành được thế chủ động và thoát thân càng nhanh, càng tốt.

Nhiều trẻ do lo lắng mà nghe lời người xấu “phải giữ bí mật”. Do vậy, luôn dạy con rằng phải kể lại những gì khiến con sợ hãi, khó chịu về lời nói, hành động của ai đó. Phải nói với ba mẹ khi bị tấn công, dụ dỗ hoặc hăm dọa…

Ngoài các tiết học chính khóa, giáo dục kỹ năng sống, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn/hỗ trợ tâm lý học đường nhằm kịp thời hỗ trợ giáo viên, phụ huynh và học sinh các phương pháp phòng chống bắt cóc.

Những tình huống giả định sẽ giúp trẻ làm quen và vận dụng kiến thức được học từng bước một, giúp trẻ ngày càng phản xạ nhanh hơn, hiệu quả hơn trước các tình huống nguy cơ. Chuyên viên tâm lý/giáo viên hỗ trợ tâm lý học đường sẽ đảm nhiệm tốt nhất vai trò này.

Các tổ chức phụ nữ, trẻ em, các chuyên gia tâm lý, giáo dục… hỗ trợ phương pháp giúp phụ huynh ứng phó với nạn bắt cóc, kết nối hoặc xử lý vấn đề trước, trong và sau vụ bắt cóc nhằm giảm thiểu mất mát/tổn thương tâm lý cho các gia đình nạn nhân.

Ngoài ra, lựa chọn người giúp việc là nhu cầu lớn của rất nhiều gia đình, do đó, cần phải có nguyên tắc.

Qua nhiều sự việc, TS Đặng Văn Cường đưa ra lời khuyên, có thể chọn người thân quen ở cùng địa phương, biết rõ về lý lịch tiểu sử của họ. Nếu không, hãy chọn qua các cơ sở cung cấp dịch vụ việc làm, bởi họ đã lựa chọn tuyển chọn và chịu trách nhiệm.

Khi nhận giúp việc, hãy hỏi chuyện, tiếp xúc nhiều để cảm nhận được họ có trung thực hay không, quan điểm sống có lệch lạc, có bệnh lý hay tâm lý bất ổn không, nợ nần hay cùng quẫn hay không…

“Khó có cha mẹ nào bình tĩnh khi nghe tin con mình bị bắt cóc nhưng cần sáng suốt để cứu được trẻ. Hãy thu thập càng đầy đủ thông tin càng rõ ràng phương hướng hành động như trẻ bị bắt cóc ở đâu? Bao lâu rồi? Trước đó trẻ đã ở với những ai? Trẻ có thường xuyên được chỉ dạy cách xử lý khi bị bắt cóc hoặc gặp tình huống nguy hiểm hay chưa? Thông tin được cung cấp về vụ bắt cóc từ ai, có đáng tin cậy không”, TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-ky-nang-phong-ve-can-trang-bi-cho-tre-truoc-nan-bat-coc-post657802.html