Những kỷ niệm ít biết về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - 'cha đẻ' của ca khúc 'Người đi xây hồ Kẻ Gỗ'

Có thời gian dài được sống, làm việc cùng cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, nhạc sỹ Lê Hàm (Trưởng đoàn Ca múa Nghệ - Tĩnh thời đó) luôn coi ông là người thầy trong âm nhạc. Trong cuộc sống, 'cha đẻ' của ca khúc 'Người đi xây hồ Kẻ Gỗ' là người giản dị, say mê làm việc và không thích ai chiều chuộng mình.

Người thầy, người anh trong cuộc sống cũng như sự nghiệp

Nghe tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý mất, giới nhạc sỹ và người yêu âm nhạc ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hụt hẫng vì mất đi một nhạc sỹ tài năng dù mọi người biết được sức khỏe của người ra đi yếu xuống vài năm gần đây. Qua nhiều cuộc điện thoại để tìm hiểu hơn về cố nhạc sỹ tài hoa Nguyễn Văn Tý, PV báo Gia đình và Xã hội may mắn gặp nhạc sỹ Lê Hàm, trú tại TP Vinh, Nghệ An là người được sống, làm việc cùng ông.

Nhạc sỹ Lê Hàm chia sẻ về quãng thời gian được làm việc cùng Cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Nhạc sỹ Lê Hàm chia sẻ về quãng thời gian được làm việc cùng Cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Vừa nhâm nhi ly nước chè, nhạc sĩ Lê Hàm nhớ lại: "Lần đầu tiên gặp cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là hồi kháng chiến chống Pháp. Năm đó tôi đang ở Trung đoàn 44, đóng quân ở Thanh Chương - Nghệ Tĩnh. Lần ấy, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cùng đoàn về phổ biến và dạy cho anh em binh lính những ca khúc về thời kỳ kháng chiến".

Dù đã nghe tin nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý từ lâu nhưng khi nghe tin được ông về dạy nhạc, hàng trăm người lính tập trung say sưa tập luyện, giao lưu. "Anh ấy hát rất hay và truyền cảm. Đôi mắt "biết nói" tạo cho mọi người có cảm giác rất gần gũi". Dù không được trực tiếp nói chuyện với cố nhạc sỹ nhưng kỷ niệm về lần gặp ấy tôi không bao giờ quên được", nhạc sỹ Lê Hàm kể.

Trong kháng chiến chống Mỹ, là quãng thời gian nhạc sỹ Lê Hàm được làm việc và sống cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý nhiều nhất. Sau khi hòa bình lập lại, cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý được mời ra Hà Tĩnh để sáng tác một bài hát về Hà Tĩnh. Thời điểm đó, nhạc sỹ Lê Hàm được giao trọng trách lo chỗ ăn, ở cho nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Không những thế, ông còn được trải nghiệm và học hỏi từ người thầy của mình trong quá trình sáng tác. Thời điểm đó, một số ca khúc như: "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", "Tấm áo mẹ vá năm xưa", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ"… ra đời.

Nói về bài hát "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", nhạc sỹ Lê Hàm cho biết, ông vinh dự là người được cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đi trải nghiệm thực tế từ vùng núi cho đến đồng quê để ông cho ra đời tác phẩm để đời ấy.

Lần đó ông về Hà Tĩnh, chính đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ đó đề nghị sáng tác một ca khúc viết về Hà Tĩnh. Sau hơn 2 tháng trời rong ruổi khắp mảnh đất Hà Tĩnh, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cho ra đời tác phẩm "Một khúc tâm tình về người Hà Tĩnh".

Nhớ về hoàn cảnh ra đời tác phẩm đó, nhạc sỹ Lê Hàm nhớ lại: "Bài hát ra đời đã gây được tiếng vang lớn, từ già tới trẻ nhỏ đều biết và hát bài hát của anh ấy. Với câu từ gần gũi, sử dụng nhiều thổ ngữ cùng làn điệu dân ca đã đánh trúng được lòng mến mộ của thính giả yêu nhạc".

Nhạc sỹ Lê Hàm kể về kỷ niệm những lần gặp gỡ với cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Nhạc sỹ Lê Hàm kể về kỷ niệm những lần gặp gỡ với cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.

Cũng trong thời gian này, nhạc sỹ Lê Hàm may mắn được nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý chỉ dạy, hướng dẫn rất tận tình. "Mỗi lần chỉnh sửa về tác phẩm của tôi anh ấy đều hỏi như thế này đã được chưa chú? Sự tận tình của anh ấy khiến tôi hết sức nể phục và ghi lòng tạc dạ" – nhạc sỹ Lê Hàm nhớ lại.

Lần cuối cùng nhạc sỹ Lê Hàm được gặp cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là mùa thu năm 2002. Hồi đó, nhạc sỹ Lê Hàm dự trại sáng tác của Hội Nghệ sỹ Việt Nam tại Vũng Tàu. Kết thúc chương trình đó, nhạc sỹ Lê Hàm ghé qua Thành phố Hồ Chí Minh để thăm người thầy, người anh của mình.

"Năm đó anh ấy đã yếu, tôi bước vào căn nhà nhỏ của anh khi anh đang bệnh, không thể nói nhiều. Anh ôm lấy tôi và hỏi thăm sức khỏe anh em nghệ sỹ nhiều lắm" – nhạc sỹ Lê Hàm kể.

Là người không màng công danh

Trong tâm trí của nhạc sỹ Lê Hàm, cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý là người giản dị, miệt mài vì công việc và không màng công danh. "Anh ấy không thích ai chiều chuộng mình, mỗi lần làm gì hay đi đâu anh ấy đều chủ động tự làm và phương án tối giản nhất có thể. Ông luôn tâm niệm là hãy để người ta thương, đừng để người ta chiều" – nhạc sỹ Lê Hàm cho biết.

Để cho ra đời một tác phẩm, Cố nhạc sỹ bỏ nhiều công sức để đến nhiều địa phương. Tuy nhiên chưa bao giờ nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý làm phiền với lãnh đạo địa phương mà mình tới.

"Ông đề nghị không gọi cho địa phương, hai anh em chúng tôi tự lo về nơi ăn, chốn nghỉ. Anh ấy không tham gia vào những cuộc ăn uống sang trọng mà chỉ vào ăn những quán ăn bình dân bên đường. Dù đi công tác hay ở thành phố, ông đều chọn cho mình những căn phòng nhỏ, vừa đủ, không thích nơi xa hoa lộng lẫy" - nhạc sỹ Lê Hàm kể.

Những bài hát cùng lời chỉ dạy của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã giúp nhạc sỹ Lê Hàm trưởng thành lên trong sự nghiệp.

Những bài hát cùng lời chỉ dạy của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã giúp nhạc sỹ Lê Hàm trưởng thành lên trong sự nghiệp.

Theo đánh giá của mọi người, cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý lao động không biết mệt mỏi, sáng tác rất khỏe với đủ các thể loại, từ nhạc thiếu nhi cho đến dòng nhạc quê hương với những câu chữ, ca từ mộc mạc, sử dụng đậm chất trữ tình.

"Anh ấy từng nói, lương của anh không cao nên phải viết nhiều, lao động với niềm say mê, nhiệt huyết để kiếm sống. Dù là người nổi tiếng nhưng anh ấy không hề màng đến công danh, không thích nhờ cậy đến các mối quan hệ để tiến thân" - nhạc sỹ Lê Hàm nói.

Chính vì cuộc sống giản dị và niềm say mệ công việc nên câu từ trong những tác phẩm của ông cũng rất gần gũi và chất phát. Những sáng tác về tình yêu quê hương, đất nước của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý mang đậm âm âm hưởng của miền quê đầy nắng và gió.

"Sự ra đi của anh ấy là quy luật của cuộc sống "sinh lão bệnh tử", ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Anh ấy đã ra đi thanh thản, thân thể của ông ấy có thể đã chết đi nhưng con người ấy, hình ảnh anh ấy và cả những bài hát của anh ấy thì vẫn sống mãi trong tôi" – nhạc sỹ Lê Hàm trải lòng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1924 tại Nghệ An. Ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như "Dư âm", "Mẹ yêu con", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Dáng đứng Bến Tre"... Trong đó, "Dư âm" được xem là ca khúc nhạc tiền chiến duy nhất của ông.

Ông còn viết một số ca khúc thiếu nhi như "Màu áo chú bộ đội", "Tôi là gà trống", "Gà mái mơ", "Út cưng"... Ông viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: Đảo nổi, Sông Hồng (1967), Nguyễn Viết Xuân (1968). Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Hồ Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhung-ky-niem-it-biet-ve-nhac-si-nguyen-van-ty-cha-de-cua-ca-khuc-nguoi-di-xay-ho-ke-go-20191229144452713.htm