Những ký ức không bao giờ phai về Cuba
Sách 'Ký ức Cuba - Memorias' là 87 câu chuyện về kỷ niệm xoay quanh những năm tháng không thể nào quên khi được sống và học tập trên mảnh đất Cuba tươi đẹp.
Sau gần 13 tháng ấm ủ và ươm mầm, cuốn sách Ký ức Cuba - Memorias của Hội Cựu du học sinh Việt Nam tại Cuba ra mắt cuối năm 2020.
Với hơn 500 trang gồm hồi ký, thơ, văn, ảnh, Ký ức Cuba - Memorias chính là những mảnh ghép của một hành trình tuyệt đẹp về thời thanh niên sôi nổi của nhiều thế hệ Việt Nam đeo balo giã từ đất mẹ để lên đường học chữ bên Tây bán cầu.
Theo lời Ban biên tập, “đứa con tinh thần” ấy là kết quả của nỗ lực sưu tầm tài liệu, triển khai viết lách, biên tập, in ấn, xuất bản... từ nhiều người đã hoặc đang học tập, công tác tại Cuba từ những năm tháng của thập kỷ 1960, khi Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao, cho đến nay.
Họ, từ những nhà báo, người yêu văn thơ, đến những người học khối tự nhiên xa lạ với con chữ, tất cả đều viết và kể về mảnh ký ức thanh xuân tươi đẹp của mình bằng tất cả tình yêu son sắt với mảnh đất mà họ luôn gọi là chốn quê nhà thứ hai: Cuba.
Nửa vòng trái đất đến Cuba
Cuốn sách bắt đầu bằng tên gọi “Nửa vòng trái đất đến Cuba”. Giữa những năm tháng chiến tranh leo thang khốc liệt, những đợt ném bom, bắn phá ồ ạt của Mỹ diễn ra liên tiếp tại các tỉnh miền Bắc, có một đoàn thanh niên bừng bừng sức trẻ phải ngậm ngùi chôn chặt nỗi niềm xót xa trước cảnh quê nhà đang gồng mình chống giặc, để nhận quyết định “đi Tây học”.
Gọi là “đoàn thanh niên” bởi chẳng có số liệu nào thống kê cụ thể đến nay đã có bao nhiêu lớp sinh viên Việt Nam rời xa Tổ quốc để “nhập ngũ trên giảng đường Tây”. Năm 1961 ấy một đoàn, và những năm sau đó, cứ thế, từ nhóm này đến tốp kia.
Có lẽ, phải sống trong những tháng năm bom rơi lửa đạn ấy thì mới hiểu được nỗi trăn trở của gia đình họ, và đôi khi là của chính bản thân những chàng trai, cô gái, những người con mang trên mình trọng trách cao cả chẳng kém phần những chiến sĩ xung phong ra trận.
Không có những cái ôm đưa tiễn, cũng chẳng có bất kỳ buổi tiệc chia tay nào như người ta vẫn thường thấy trước mỗi chuyến đi. Đoàn thanh niên hơn trăm người năm ấy nhận quyết định, leo lên các thùng xe tải lắc, xóc nảy người, để rồi chuyển tàu ra khơi vượt đại dương hơn chục vạn dặm.
9 câu chuyện trong "Chương I" là 9 mảnh ký ức mà nhóm tác giả - cựu sinh viên du học tại Cuba kể về chuyến đi nửa vòng trái đất của mình để tới chốn đảo xanh, cát trắng, xa cách nghìn trùng. Nếu như nói “cuộc đời là những chuyến đi” thì chuyến đi Cuba của đoàn thanh niên nam, nữ Việt Nam những năm tháng bấy giờ chẳng khác nào một hành trình lịch sử xuyên không gian.
Đời sinh viên, một thời để nhớ
Hành trang mang theo chỉ được xếp vỏn vẹn với vài bộ quần áo và chút đồ dùng cá nhân, nhưng ngày trở về, chất trên vai họ là cả một bầu trời thương nhớ.
"Chương II: Đời sinh viên, một thời để nhớ” có lẽ là nơi tập hợp nhiều mảnh ghép ký ức của thế hệ cựu du học sinh Việt Nam tại Cuba. 44 tác phẩm là hội tụ của 44 câu chuyện, hồi ký, văn, thơ của những người con mang trong tim hai từ Tổ quốc.
Dù không sang cùng năm, cũng chẳng học cùng một địa điểm, dường như cái gọi là “một thời để nhớ” của tất cả cây bút không chuyên ấy đều có chung một điểm: Miền ký ức đẹp của một thời thanh niên sôi nổi vừa học, vừa sống một cuộc đời theo đúng nghĩa “ở phương trời Tây”.
Họ kể về những kỷ niệm nơi hòn đảo sóng mênh mông bốn bề; những cô gái Cuba ngực căng sức trẻ trong điệu nhảy salsa bốc lửa, mê đắm tình người; với âm thanh đường phố rộn ràng, tấp nập người bán kẻ mua; với những chiều thong dong trên cánh đồng mía, xì gà; với những đêm ê a học chữ, đặt câu, đánh vần; hay với những cuối tuần hò hẹn cine...
Những năm tháng ấy, Cuba qua ký ức của các tác giả là một bức tranh sống động và nhiều màu sắc. Hừng hực sức trẻ, họ vượt trùng dương từ Đông sang Tây bán cầu để học hỏi và sống hết mình với một nền văn hóa mới.
Đọc cuốn hồi ức, độc giả có thể cảm nhận được những phút giây thú vị, nhẹ nhàng với câu chuyện kể về mối “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, một vài chuyện tình đẹp đi đến hồi kết và cũng có cả những mối quan hệ bắt đầu vụng trộm, kết thúc dở dang.
Nhiều địa danh cũng trở thành cái nôi chung của miền ký ức mang tên Cuba. Một cách vô tình nào đó, những cái tên Siboney, La Habana, Oriente, quán kem Coppelia, nhà Quốc hội Capitolio, pháo đài Morro, bãi biển Varadero, hay Santa María đều được lặp lại rất nhiều ở những câu chuyện khác nhau.
Rong ruổi với từng câu chữ, độc giả có thể hình dung và đắm mình với những miền ký ức gợi nhớ về những hàng dài người mua vé mùa liên hoan phim; những chiều hẹn hò trên bờ Malecón; những đêm chờ xem balet của nghệ sĩ huyền thoại Alicia Alonso hay đêm nhạc Cabaret, Tropicana.
Những ly coctail trứ danh tại quán bar yêu thích của nhà văn Hemingway; những điếu xì gà đậm vị ngâm nghê bên ly rượu rum cay nồng; những điệu nhảy salsa, casino hay âm nhạc reguetón không thể nóng bỏng hơn; và cả những nét ẩm thực nồng nàn vị biển nhiệt đới, đậm chất Caribe... hiện lên sống động qua trang hồi ức các du học sinh.
Nếu như ở những chương trước, người đọc chỉ cảm nhận được cảnh vật và lối sống ở xứ trời Tây thì đến chương này, độc giả Việt Nam còn hiểu hơn về tình người Cuba.
Nhiều câu chuyện gắn với những tên tuổi nổi tiếng được hồi tưởng lại như câu chuyện về Nữ anh hùng Cuba Melba Hernández, nhà cách mạng - thuyết gia quân sự Che Guevara, anh hùng dân tộc José Martí, và đặc biệt là những buổi gặp mặt với nhà lãnh đạo Cuba - Fidel Castro.
Chương cuối khép lại với Những bức ảnh đi cùng năm tháng (do cựu du học sinh Nguyễn Thanh Hải đảm nhiệm lọc, tìm ảnh và ghi chú thích)như một minh chứng hùng hồn và đầy thuyết phục cho mảnh ghép hoàn hảo cuối cùng của miền ký ức mang tên “Cuba”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ky-uc-khong-bao-gio-phai-ve-cuba-post1193198.html