Những ký ức không thể quên

Những ngày Tháng Bảy, người viết đã đi tìm gặp những con người của chiến tranh. Họ may mắn được trở về sau cuộc chiến, dẫu rằng với một thân hình không còn trọn vẹn, thậm chí 'chỉ còn một nửa' so với lúc ra đi. Hơn 40 năm sống với mảnh bom đạn trong đầu, với những khiếm khuyết của cơ thể, đôi khi vẫn hoảng loạn giữa đêm khuya bởi nỗi ám ảnh máy bay Mỹ quần thảo trên đầu. Nhưng có những đoạn trích trong cuộc đời mà họ không thể quên. Người viết đã ghi chép lại, theo lời kể của nhân vật để có thêm nhiều người nữa, nhất là những người trẻ, biết đến nhiều hơn về một thế hệ như thế.

Chiếc ăng gô là kỷ vật chiến tranh được thương binh Dương Văn Hộ nâng niu, gìn giữ.

Chiếc ăng gô là kỷ vật chiến tranh được thương binh Dương Văn Hộ nâng niu, gìn giữ.

Sống để kể lại!

Trầm ngâm thật lâu, thương binh 81% Dương Văn Hộ ở xã Khánh An (huyện Yên Khánh) mới chịu kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tham gia chiến đấu của ông. Thương binh Hộ nói rằng, mỗi người lính là một cuộc đời. Nhưng cuộc đời của người lính lại khá giống nhau, đều là sự hăm hở, là khát vọng cống hiến, là những công sự, là hỏa lực, là bom, đạn, là cái chết…. Vì vậy, tôi sẽ kể về cuộc đời tôi như một cách để tưởng nhớ về những người đồng đội.

"Năm 1972, tôi xuất ngũ trở về quê nhà xã Gia Thủy (huyện Nho Quan). Đón tôi là đứa em gái nhỏ. Bố mẹ tôi đã chết. Hai anh trai tôi cũng trở thành liệt sỹ. 4 người thân ra đi, chỉ trong vòng 6 năm tôi vắng nhà. Sự khốc liệt của chiến tranh là ở đó, chứ không phải ở cơ thể khiếm khuyết vì bom đạn này. Trước khi bước vào cuộc chiến, tôi biết có thể mình sẽ không trở về. Tôi dặn bố mẹ, con sẽ không viết thư. Nếu con không về nghĩa là con đã hi sinh. Vậy mà khi tôi trở về thì bố mẹ không còn nữa. Đến lúc mất, họ cũng không biết là tôi còn hay đã chết.

Tôi sinh năm 1949. Tôi nhập ngũ khi vừa bước vào tuổi 17. Chờ đợi tôi ở phía trước là cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn còn thấy rõ cảm xúc tự hào, lâng lâng khi được đứng trong hàng ngũ tân binh ngày ấy. Tạm biệt gia đình gồm bố mẹ, hai anh trai và cô em gái út mới tròn tuổi, tôi hăm hở bước vào chiến trường như thế. Cùng đi với tôi đợt đó, có 15 người ở cùng xã, trong đó có Nuôi là người bạn thân nhất. Còn Thửng là người ở xã Gia Sơn, chúng tôi quen nhau trên đường hành quân. Hành quân vào đến nơi huấn luyện ở huyện Thiệu Sơn (Thanh Hóa), tôi được phát bộ quân phục số 3. Đã là bộ quân phục bé nhất nhưng vẫn rộng thùng thình so với một thân hình hơn 40kg của tôi. Tôi kéo quần cao lên… tận ngực, lấy dây lưng thắt lại. Vậy mà tôi vẫn thấy sao mà đẹp, mà chững chạc, mà tự hào đến thế.

Tôi được phân công về đại đội hỏa lực. Nhiệm vụ chính của tôi ở chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), đó là pháo thủ số 2 trong một khẩu đội pháo gồm 3 pháo thủ, một quan trắc. Chúng tôi chiến đấu ở chốt cao điểm 845. Ở trên chốt, địch đánh lên thì chúng tôi đánh bật xuống. Cuộc giằng co với địch như thế kéo dài, có thời điểm mình giữ vững thế trận trong 3 tháng liên tục. Khi lực lượng quá mỏng, chúng tôi buộc phải rút về để củng cố lực lượng. Phía sau lưng chúng tôi là bom, đạn quân thù dội theo. Chừng 15-20 ngày sau, chúng tôi lại tiếp tục hành quân đánh ngược lên chiếm lại chốt. Sau mỗi trận giằng co với địch, lại có thêm đồng đội của chúng tôi hi sinh.

Thửng, một người bạn mà tôi đã giới thiệu ở trên, ở cùng đơn vị với tôi, nhưng khác khẩu đội. Những phút giây rảnh rỗi, Thửng hỏi tôi hết chiến tranh thì sẽ làm gì? Làm gì nhỉ, tôi đã không thể nghĩ ra. Còn Thửng, cậu ta bảo sẽ về quê, lấy vợ, sinh con đẻ cái, nuôi thật nhiều trâu để làm giàu. Nhưng ước mơ ấy của Thửng đã nằm lại Khe Sanh. Thửng đã hi sinh, một cái chết đầy khốc liệt ngay trước mắt tôi. Một mảnh bom đã cắt lìa chỏm đầu của Thửng. Tôi không thể nói một lời nào. Tôi không sợ, tôi chỉ thấy căm thù. Hôm nay là đồng đội, ngày mai sẽ là mình. Không quyết định được mình còn tham gia được bao nhiêu trận đánh. Thế nên đánh trận nào thì tôi dồn cả nỗi căm thù vào đó, như thể đó là trận đánh cuối cùng.

Ngày 8/2/1968, tôi ở trên chốt. Đang là những ngày Tết, vì vậy chúng tôi được anh nuôi chuẩn bị cho vắt cơm nhiều hơn, có thêm chút muối, thêm mấy khúc măng rừng và một nửa chiếc bánh chưng mà đồng bào ở Quảng Trị gửi tặng. Ai cũng thấy hân hoan, phấn chấn. Lâu lắm rồi, chúng tôi không đếm thời gian qua những mùa hoa. Mỗi ngày chỉ là những trận chiến đấu, là những nghĩa tình đồng đội sống chết cùng nhau.

Lệnh bắn từ trung đoàn, tiểu đoàn liên tiếp được truyền xuống đại đội, trung đội, khẩu đội. Khi đã bắn được 50 quả pháo thì chúng tôi nhận lệnh ngừng bắn do phía ta đã kiểm soát được tình hình. Cả khẩu đội rời hầm lên quan sát trận địa thì bất ngờ một chiếc máy bay B57 của địch nhào tới thả bom, cách hầm pháo chừng 5-10m. Nhưng sức ép từ bom, mảnh vỡ của bom làm cả khẩu đội bị thương. Pháo thủ số 1- người chịu trách nhiệm lấy phần tử pháo cho khẩu đội tôi đã hi sinh. Còn tôi, một cánh tay, một cẳng chân bị dập nát. Lúc này tôi vẫn tỉnh táo và không thấy đau. Cứu thương lên chốt, đưa tôi xuống bằng võng vào Bản SaKi (Lào) - điểm đặt bệnh viện dã chiến. Đến nơi, tôi không biết gì nữa.

"Đồng chí Hộ", "Có"- tôi phản xạ bật lên tiếng "có" khi nghe tiếng ai đó gọi mình. À, đồng chí tỉnh rồi. Vậy ăn tạm bát lương khô rồi theo xe chuyển viện. Tôi tỉnh lại, thấy đói, thấy đau và thấy mình trống rỗng. Cánh tay trái, cẳng chân phải đã không còn nữa. Tôi không biết mình đã nằm ở đây bao nhiêu ngày, không biết lúc chuyển viện là ngày hay đêm. Tôi cũng không nhớ nổi mình phải chuyển tới bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu bệnh xá, bao nhiêu cơ sở điều dưỡng… cho tới khi trở về quê. Chỉ biết rằng, quãng thời gian mà tôi phải điều trị, dưỡng thương là 4 năm.

Đối với người lính, niềm vui lớn nhất khi ra trận, ấy là được đồng hành cùng với người bạn cùng quê. Để làm gì? Để nếu mình hi sinh, người được sống sẽ về quê, kể lại với cha mẹ mình, mình đã chết như thế nào? Nhưng 15 người cùng xã nhập ngũ cùng tôi đợt ấy, trở về chỉ có 3 người. 3 người như tôi, đều bỏ lại một phần cơ thể ở chiến trường. Vậy trách nhiệm của người được trở về là gì? Là phải kể lại cho những người còn sống về một lớp thế hệ đã nằm xuống như thế."

Thương binh Nguyễn Thị Nga bán hàng tạp hóa để có thu nhập

Tôi tiếc không thể chiến đấu được nhiều hơn

Thương binh 77% Nguyễn Thị Nga ở xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô). Bà Nga không lập gia đình, dẫu rằng thanh xuân của bà có nhiều người thương thầm, nhớ trộm.

"Nhiều người hỏi tôi rằng: Điều gì làm tôi luyến tiếc nhất cho đến lúc này? Người ta hỏi như vậy, để chờ đợi một câu trả lời từ tôi, rằng: tôi tiếc nuối nhất vì không tìm được một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.

Nhưng không. Điều tôi tiếc nhất cho đến lúc này, đó là đã để mình bị thương sớm quá. Tôi nhập ngũ năm 1971, đến năm 1972 tôi bị thương với thương tật 77%. Tôi đã không thể đồng hành, chiến đấu và làm nhiệm vụ với đồng đội được lâu hơn.

Điều tôi nhớ nhất là gì?

Đó là những năm tháng thanh xuân tràn đầy nhựa sống. Ở nơi chỉ có đạn bom, chỉ có lằn ranh giữa cái sống và cái chết. Giờ, những đêm gió mưa, những âm thanh gợi lại, tôi vẫn nhớ những tháng năm khốc liệt ấy, dường như không quên được chi tiết nào và tôi thức giấc.

Đơn vị của tôi chủ yếu là nữ. Công việc hàng ngày là vá đường và tải đạn. Hỏi rằng công việc ấy có mệt không? Có, rất mệt. Chúng tôi chỉ là những cô gái mười tám, đôi mươi. Có đứa chưa bao giờ xa mẹ. Đêm nằm thút thít khóc vì nhớ mẹ. Nhưng khi bom cày đường, thì những mệt mỏi, nỗi nhớ nhung ấy dường như chưa hề tồn tại, chỉ còn lại sự hăng hái, xông pha. Để đi từ khu rừng đóng quân đến làm nhiệm vụ ở các tuyến đường "huyết mạch" thì chúng tôi phải vượt qua 9 con suối. Chúng tôi sợ nhất là mùa mưa, bởi lúc này nước ở suối dâng cao, việc vượt suối trở nên khó khăn hơn nhiều. Nhưng không ai thở than. Việc vá đường vẫn khẩn trương được thực hiện bất chấp đêm, hôm. Bom rơi, đạn lạc cày nát những con đường vừa đắp. Nhưng chúng chẳng làm chúng tôi nao núng, lại nhanh nhẹn tay cuốc, tay xẻng lao ra vá đường, mở lối cho đồng đội tiến lên. Những lúc rảnh rỗi hay những buổi tối trăng sáng vằng vặc, chúng tôi ngồi tựa vào nhau, cùng hát khe khẽ rồi cùng kể cho nhau nghe về gia đình, quê hương của mình.

"Cô bé dịu dàng" là người Quảng Trị. Cả đội gọi tên em theo vẻ đẹp dịu dàng của một cô gái miền Trung. Em nhỏ tuổi nhất trong đội của tôi, mới bước qua tuổi 17. Hỏi vì sao em đi bộ đội? Em thong thả kể cho chúng tôi nghe về mối tình của anh trai mình, một lính trinh sát với thiếu nữ ở gần nhà. Đôi tình nhân ấy phải xa nhau vì cuộc chiến. Anh trai "cô bé dịu dàng" đi chiến trường, chẳng hẹn ngày về, để lại quê nhà cô gái đợi chờ trong lo âu, hi vọng. "Cô bé dịu dàng" dấu gia đình viết đơn xin đi thanh niên xung phong, để được vá đường tải đạn vào chiến trường. Em bảo rằng, mỗi người lính vào trận đều là một người thuộc về sự nhớ nhung của ai đó. Vì vậy, em xung phong đi mở đường là để cuộc chiến đấu của ta mau thắng lợi, để những cuộc chi ly như anh trai mình không phải kéo dài.

Còn tôi, vì sao tôi đi bộ đội? Tôi lại nhớ về gia đình mình. Mẹ tôi qua đời từ khi tôi lên 9 tuổi. Tôi có 2 em gái và một em trai, khi tôi đi bộ đội các em đều còn nhỏ. Bố tôi bảo, con lớn nhất nhà, con đi như vậy thì ở nhà bố biết phải làm sao? Tôi nói với bố rằng, cuộc chiến đang vào hồi khốc liệt, rất cần có tuổi trẻ của chúng con. Bố tôi im lặng. Tôi thương bố, thương em và tự nhủ rằng, nếu may mắn được trở về tôi sẽ ở vậy mà chăm sóc bố, nuôi các em.

Những khoảnh khắc yên bình ấy thật hiếm hoi. Chưa kịp nhớ hết khuôn mặt người thân thì bom thù lại dội xuống. Sau mỗi đợt địch ném bom, khói bụi còn bay mù mịt, chúng tôi lại đi vá đường. Xong việc, vừa rửa chân tay thì lại có lệnh ra làm tiếp. Cứ như thế, thời gian đâu mà nghĩ những điều xa xôi.

Hơn một năm sau ngày nhập ngũ thì tôi bị thương. Đó là buổi chiều một ngày nào đó trong tháng 2/1972, khi chúng tôi lội ngược các con suối để trở về nơi đóng quân sau một ngày vá đường vất vả. Chỉ còn cách vài bước chân nữa là lên khỏi con suối cuối cùng thì chúng tôi bị trúng bom. Một đồng đội hi sinh, tôi bị dập bàn chân. Khi ấy, tôi vẫn nghĩ chắc chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian là sẽ được trở về với đồng đội.

Nhưng vết thương bị nhiễm trùng nặng, hoại tử nên phải tháo khớp. Bàn chân của tôi được chôn ở Quảng Trị, tôi được đưa ra miền Bắc, chuyển về một trạm xá ở Vĩnh Phúc để tiếp tục điều trị. Vết thương vẫn nhiễm trùng, chân tôi phải cưa cao hơn nữa. Mỗi lần chuyển viện là lại một lần cưa chân. Đến lần thứ 3, tôi tiếp tục phải cưa trên đầu gối, không phải vì nhiễm trùng mà là để thuận lợi hơn cho tôi khi lắp chân giả. Mất một chân, tôi không còn cơ hội ở lại chiến trường.

Quá trình đi điều dưỡng, tôi gặp nhiều đồng chí thương binh nặng hơn. Nhiều người muốn kết duyên với tôi, nhưng tôi không đồng ý. Họ là đồng chí, đồng đội của tôi, tôi không thể chăm sóc tốt cho họ được với cơ thể khiếm khuyết như thế này. Tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng hơn cho đồng đội của mình. Và, còn một lý do nữa, tôi ở vậy để phụng dưỡng bố tôi, chăm sóc cho các em tôi như điều tôi từng ấp ủ. Tôi đã làm được điều mà tôi dự định từ lúc ra đi. Hơn 16 nghìn anh hùng liệt sĩ của tỉnh Ninh Bình nói riêng, hàng triệu liệt sĩ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu nói chung đã không được may mắn như tôi.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-ky-uc-khong-the-quen/d20210723092025325.htm