Những 'lá phổi xanh' của thủ đô biến dạng trước cơn lốc bê tông hóa
Tình trạng bê tông hóa các hồ tại Hà Nội trong thời gian qua đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Không chỉ riêng người dân lo ngại về việc thiếu không gian tiện ích phục vụ cho đời sống, mà chính cuộc 'đổ bộ' của bê tông đã khiến những 'lá phổi xanh' dần bị biến dạng.
Theo nhận định của các chuyên gia, đô thị hóa cũng như sự "đổ bộ" của bê tông đã lấy đi rất nhiều giá trị về cả tự nhiên và giá trị phục vụ đời sống cộng đồng mà hồ nước mang lại.
Những "lá phổi xanh dần bị “bê tông hóa”
Thời gian gần đây, dư luận hết sức quan tâm tới việc quận Tây Hồ lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An.
Theo đó, Đồ án đang lấy ý kiến có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 45.300 m2, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên.
Trong 3 ô đất quy hoạch (16, 17, 19) đang lấy ý kiến thì có ô đất thứ 19 chính là lô đất Đầm Trị, một trong số ít "lá phổi xanh" được người dân Tây Hồ sử dụng trồng sen, một trong những loài hoa đặc trưng của Tây Hồ.
Đầm Trị có diện tích khoảng 11.500 m2, còn ao Đầm Trị có diện tích 67.000 m2. Hồ Đầm Trị không chỉ có đất nông nghiệp mà có cả đất ở xen kẽ. Nếu như người dân Quảng An, Tây Hồ đồng nhất ý kiến và Đồ án được thông qua thì nơi đây sẽ "mọc" lên một một công trình quy mô.
Đáng nói, đây không phải là "lá phổi xanh" duy nhất ở Hà Nội được dự định bê tông hóa.
Thời điểm trước đó, hàng loạt các hồ nước cũng đã rơi vào "tầm ngắm", "biến" thành những dự án nghìn dân. Điển hình có thể kể đến hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31,6 nghìn m2.
Hay một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3,6 nghìn m2. Ngoài ra phải kể đến như: Hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam, hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm, Thanh Trì...
Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến những năm 2019- 2020, diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 1.165ha. Tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất, chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội, từ năm 2010 đến những năm 2019-2020 đã giảm hơn 28.000m2. Và Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè bờ vào năm 2010, chỉ còn lại 460ha.
Số diện tích mất đi này được xác định một phần do đô thị hóa kéo theo nhiều ao, hồ bị lấp, bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở một số địa phương dẫn đến tình trạng lấn hồ làm nhà ở, hàng quán, lối đi…
Cần bảo tồn để tăng giá trị phục vụ cộng đồng
Trước thực trạng trên, TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ao hồ tự nhiên ở Hà Nội cần được bảo vệ, tôn tạo để tăng giá trị phục vụ cộng đồng.
Khi phát triển đô thị, thậm chí cần phải tạo thêm các hồ nhân tạo, tăng diện tích mặt nước. Trường hợp bắt buộc phải san lấp hồ, ao thì cơ quan quản lý cần công khai thông tin, quy hoạch, chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp ao hồ đối với cộng đồng.
"Để triển khai hiệu quả các dự án, hạ tầng nhưng tránh ảnh hưởng đến môi trường, trước mắt nên sớm có điều tra cập nhật chi tiết hiện trạng ao hồ Hà Nội, đặc biệt là ao hồ tự nhiên, trên cơ sở đó đối chiếu với quy hoạch, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch nếu thấy chưa hợp lý. Ngoài ra, cần định kỳ kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm, đồng thời cần bảo vệ, đẩy mạnh tôn tạo lại các hồ ao”, TS. Nguyễn Thế Đồng góp ý.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, mỗi hồ nước ở Hà Nội còn có những giá trị lịch sử, văn hóa riêng gắn bó với cuộc sống của người dân. Hồ Tây giống như một chứng tích lịch sử, một di sản của thiên nhiên để lại... Thế nhưng, theo quá trình đô thị hóa, hồ Tây cũng đã bị tác động rất lớn. Đó là chưa kể đến sự xâm lấn của người dân trong quá trình từ làng lên phố, những kiến trúc đầy sự hỗn tạp dựng lên quanh hồ, những hộp bê tông có con người sống trong đó, chứ không có ý nghĩa về mặt kiến trúc, đặc biệt khi đặt vào không gian văn hóa hồ Tây thì lại càng lệch lạc.
Bên cạnh những tác động ảnh hưởng đến văn hóa, hiện nay, kiến trúc cảnh quan hồ nước hầu như cũng đã bị phá vỡ, việc kè bờ, quây kín hồ nước bằng bê tông hay đá trát xi măng đã biến nhiều hồ nước không khác gì bể bê tông rất lớn, mất đi giá trị về mặt thẩm mỹ. Cùng với đó, hệ sinh thái tự nhiên cũng bị phá vỡ. Đối với các hồ nước, nếu hệ sinh thái tự nhiên đó bị phá vỡ, đồng nghĩa với việc những đặc trưng của mỗi hồ cũng sẽ bị mất đi. Ví dụ như hồ Gươm, vốn có màu xanh lục thủy rất đặc biệt, vì có loại tảo đặc trưng chỉ có ở hồ này. Nếu như phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên thì sẽ mất đi tất cả.
Hồ nước được ví như trái tim của Hà Nội. Vậy đã đến lúc Hà Nội cần có cách nhìn thực tế hơn, sâu sắc hơn nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị tích cực với đời sống dân sinh.