Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 8)
Đêm hôm đó tôi suy nghĩ rất nhiều... Theo tôi, ngay cả trong lĩnh vực chính trị không phải bao giờ đa số cũng đúng, huống chi đây là lĩnh vực văn nghệ... Tôi suy nghĩ một đêm, và sáng sớm hôm sau tôi đi đến Viện Văn học yêu cầu đình chỉ việc in những minh họa như vậy vào Truyện Kiều ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Lê Lam
(tiếp theo)
Đêm hôm đó tôi suy nghĩ rất nhiều... Theo tôi, ngay cả trong lĩnh vực chính trị không phải bao giờ đa số cũng đúng, huống chi đây là lĩnh vực văn nghệ... Tôi suy nghĩ một đêm, và sáng sớm hôm sau tôi đi đến Viện Văn học yêu cầu đình chỉ việc in những minh họa như vậy vào Truyện Kiều ... Một phút im lặng rồi anh đứng dậy, nhìn thẳng vào tôi: "Cố gắng làm cho kịp tháng 11 kỷ niệm, chú thấy có thể kịp không?". Tôi nói: Thưa anh, em sẽ bắt tay vào ngay sau khi bế mạc triển lãm này, ít nhất em cũng còn thời gian đến cuối tháng 10, vì có thể tháng 11 em sẽ vào lớp để chuẩn bị đi B.
Thế à, chú sẽ đi B à?
Vâng! Em xin với anh Nguyễn Văn Vịnh và anh Tố Hữu, các anh đã đồng ý rồi. Còn chờ ngày báo để vào lớp học tập và rèn luyện trước khi lên đường vào Nam. Em cảm thấy rất cần có thực tế mới sáng tác về miền Nam hay hơn, tốt hơn, chắc hơn...
Thế thì vào trong ấy chú phải chú ý hai việc: một là phục vụ cách mạng miền Nam bằng những công việc gì cần cho ở trong ấy. Hai là ghi chép, lấy tài liệu, vẽ tranh rồi gửi ra ngoài này. Ở ngoài này, chúng tôi sẽ làm khung, trưng bày cho nhân dân xem về cuộc kháng chiến của bà con ta ở miền Nam.
Anh Trường Chinh nắm tay tôi cùng đi ra cửa Triển lãm, khoan thai thanh thản, đêm tháng chín Hà Nội yên tĩnh mát mẻ, trăng sao vằng vặc.
Trước khi lên xe anh Trường Chinh còn bắt chặt tay tôi và nói: "Nhớ làm minh họa Kiều!".
Tháng 10-1965 - Cuộc gặp lần thứ năm
Bảy giờ tối, Hà Nội đã ngả lạnh vì một vài cơn gió mùa Đông Bắc, tôi và vợ tôi đem tranh vẽ Truyện Kiều đến Nhà khách Trung ương Đảng ở phố Bà Huyện Thanh Quan, cạnh Quảng trường Ba Đình. Tôi bầy các tranh minh họa lồng trong các khung kính rất chỉn chu theo một hàng trên tường của một phòng khách hết sức giản dị nhưng đủ ánh sáng để xem tranh.
Anh Trường Chinh bước vào chào chúng tôi. Tôi giới thiệu với anh: Đây là Ngọc Lan, vợ em, ngày xưa ở Văn công Trung ương chuyên về chèo, đã đóng chị Tấm, anh Điền... Anh tươi cười bắt tay nhà tôi:
Xin chào chị Tấm!
Anh nhìn khắp lượt một vòng các bức tranh, vẫn đứng một chỗ, rồi hỏi tôi:
Xin chú cho biết suy nghĩ của chú về việc làm tranh minh họa Truyện Kiều, rồi ta sẽ đi xem! Giọng nói của anh Trường Chinh hôm nay nhanh, gọn. Rồi anh cúi đầu xuống chờ nghe. Tôi cũng đã quyết định sẽ trình bày suy nghĩ của mình nhanh, gọn vì không thể dài dòng trong thời buổi chiến tranh này, thì giờ của các đồng chí lãnh đạo đâu có bao nhiêu:
Thưa anh, ai cũng biết Truyện Kiều của Nguyễn Du xuất xứ từ một truyện của tác giả Thanh Tâm tài nhân của Trung Quốc... nhưng cụ Nguyễn Du của ta đã biến hóa rất nhiều, thay đổi, cải biên... có thể nói là đã Việt Nam hóa đến cao độ, mà từ các nhà đại trí thức cho đến người dân thường, người dân không biết chữ đều thuộc Truyện Kiều và đem vào cuộc sống hàng ngày để ví von... Cho nên em đã quyết định vẽ Truyện Kiều mà con người, cảnh vật... là Việt Nam... Em đã cân nhắc, suy ngẫm rất nhiều và đi đến quyết định như vậy!
Nghe đến đây, anh liền giơ tay lên:
Đấy chính là vấn đề tôi và chú suy nghĩ giống nhau... Vậy ta đi xem.
Vừa lúc đó cửa mở, một người bước vào nói:
Thưa anh, có anh Thao đã đến xin được gặp anh.
Đồng chí nói với anh Thao chờ tôi, tôi đang bận tiếp đồng chí họa sĩ một lúc.
Anh đi xem từ bức số một, xem rất kỹ, ngắm đi, ngắm lại. cần lắm anh mới hỏi tôi một vài lời. Đến bức tranh Kiều tắm:
"Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà,
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên"
Anh hỏi: tại sao chú vẽ thế này? Cô Kiều quay lưng ra người xem?...
Tôi trình bày:
Em vẽ quay lưng ra vì đằng sau lưng cũng đẹp... Mà vẽ đằng trước thì có nhiều thứ khó vẽ bởi nhân dân ta chưa quen với tranh khỏa thân.
Anh lắc đầu cắt ngang lời tôi:
Kiều là một tuyệt thế giai nhân, đẹp nghiêng nước nghiêng thành, tại sao ta lại phải tránh né không vẽ. Mặt cô Kiều rất đẹp... Bộ ngực càng đẹp, sao lại không vẽ?... Còn phía dưới, anh cười tủm tỉm:
Phía dưới..., tùy họa sĩ...
(còn nữa)