Những lần xung đột quân sự sau chiến tranh lần thứ 3 giữa Ấn Độ và Pakistan

Kể từ khi cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ ba chấm dứt, giữa hai quốc gia này luôn tiềm ẩn những nguy cơ xung đột quân sự chưa giải quyết triệt để.

Ấn Độ tuyên bố đã tấn công 9 địa điểm của Pakistan mà họ cho là bao gồm "cơ sở hạ tầng khủng bố" vào ngày 7/5, 2 tuần sau khi 26 người thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở Kashmir của Ấn Độ.

Pakistan cho biết, 6 địa điểm đã bị nhắm mục tiêu và 8 người thiệt mạng.

Cuộc tấn công của Ấn Độ vào Pakistan là cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa hai nước trong hơn 2 thập kỷ qua.

Kể từ khi Ấn Độ bị chia cắt vào năm 1947 và các lãnh thổ tự trị Ấn Độ và Pakistan được thành lập, nhiều cuộc xung đột mà nguyên nhân chính là tranh chấp về quyền lãnh thổ đối với Kashmir và hoạt động khủng bố ở biên giới.

Các nhân viên lực lượng an ninh Ấn Độ đứng canh gác gần hiện trường vụ tai nạn máy bay chiến đấu ở Wuyan, quận Pulwama thuộc Kashmir do Ấn Độ quản lý vào ngày 7/5/2025. (Ảnh: Reuters)

Các nhân viên lực lượng an ninh Ấn Độ đứng canh gác gần hiện trường vụ tai nạn máy bay chiến đấu ở Wuyan, quận Pulwama thuộc Kashmir do Ấn Độ quản lý vào ngày 7/5/2025. (Ảnh: Reuters)

Trong quá khứ, hai nước đã trải qua 3 cuộc chiến tranh và các năm 1947-1948, 1965 và 1971.

Ngày 17/12/1971, Ấn Độ tuyên bố ngừng bắn, kết thúc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần 3, nhưng nguy cơ gây chiến tranh và xung đột quân sự vẫn tiềm ẩn.

Tháng 5 - 7/1999, Ấn Độ và Pakistan đã tham gia vào một cuộc chiến tranh không tuyên bố ở vùng Kargil của Kashmir sau khi quân đội Pakistan chiếm các vị trí của Ấn Độ trên Đường kiểm soát (LoC) hoặc đường ngừng bắn. Sau cuộc giao tranh dữ dội, Ấn Độ đã đẩy lùi được Pakistan. Mỹ gây áp lực buộc Pakistan phải rút lui.

Tháng 12/2001, những kẻ tấn công được trang bị vũ trang hạng nặng nhắm vào tòa nhà Quốc hội Ấn Độ ở New Delhi, giết chết 9 người. Ấn Độ cáo buộc các nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammed và Lashkar-e-Taiba có trụ sở tại Pakistan đã thực hiệc cuộc tấn công chết chóc này. Cuộc tấn công khiến hai nước đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh thứ tư.

Tháng 11/2008, 10 kẻ khủng bố được trang bị vũ khí hạng nặng đã nhắm vào các địa danh lớn trên khắp Mumbai, bao gồm hai khách sạn sang trọng, một trung tâm Do Thái và ga xe lửa chính, giết chết 166 người. Ấn Độ tạm dừng tất cả các cuộc đối thoại với Pakistan, nhưng nối lại một thời gian ngắn sau đó theo một tiến trình hòa bình được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Tháng 1/2016, những kẻ tấn công cải trang thành binh sĩ đã xông vào một căn cứ không quân Ấn Độ gần biên giới Pakistan, đấu súng với các lực lượng Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ được hỗ trợ bởi xe tăng và trực thăng đã chiến đấu trong hơn 15 giờ trước khi giành lại quyền kiểm soát khu phức hợp.

Tất cả 5 kẻ tấn công và ít nhất 2 lính canh đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Ấn Độ cáo buộc những kẻ tấn công đến từ Pakistan, trong khi chính quyền Pakistan lên án cuộc đột kích. Các cuộc đàm phán hòa bình vừa được hồi sinh một thời gian ngắn vào năm 2015 lại bị đình trệ.

Tháng 9/2016, 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng khi một căn cứ quân sự ở Uri thuộc Kashmir của Ấn Độ bị tấn công. Ấn Độ cáo buộc Pakistan thực hiện vụ tấn công và đáp trả bằng "các cuộc không kích phẫu thuật" (cuộc tấn công quân sự nhằm mục đích chỉ gây thiệt hại cho mục tiêu quân sự hợp pháp) dọc Đường Ranh giới kiểm soát (LoC) vào những địa điểm mà họ gọi là bệ phóng khủng bố.

Tháng 2/2019, một kẻ đánh bom liều chết đã khiến 40 cảnh sát bán quân sự Ấn Độ ở Kashmir thiệt mạng. Ấn Độ sau đó tiến hành các cuộc không kích ở Balakot, Pakistan.

Pakistan đáp trả bằng các cuộc không kích và bắn hạ một máy bay Ấn Độ. Ấn Độ cũng tuyên bố đã bắn hạ một máy bay Pakistan nhưng điều này không được xác nhận. Sau áp lực quốc tế, xung đột giữa hai bên giảm leo thang.

Tháng 8/2019, Ấn Độ thu hồi quy chế đặc biệt của Kashmir, bãi bỏ một điều khoản hiến pháp cho phép bang Jammu và Kashmir ban hành luật của riêng mình. Trong khi đó, Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại với Ấn Độ.

Tháng 4/2025, 26 người đàn ông thiệt mạng sau khi những kẻ tấn công nhắm vào khách du lịch Hindu ở Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Ấn Độ cáo buộc các nhóm do Pakistan hậu thuẫn đã thực hiện cuộc tấn công thảm sát. Pakistan phủ nhận sự liên quan và kêu gọi một cuộc điều tra trung lập.

Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước Vùng nước Indus năm 1960 quy định việc chia sẻ nước từ sông Indus và các nhánh của nó, trong khi Pakistan đình chỉ tất cả giao thương thương mại với Ấn Độ kể cả thông qua các nước thứ ba.

Cả hai nước đều đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không của nhau. Ấn Độ thu hồi hầu hết các thị thực cấp cho công dân Pakistan.

Quỳnh Trâm

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhung-lan-xung-dot-quan-su-sau-chien-tranh-lan-thu-3-giua-an-do-va-pakistan-477990.html