Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Cồn Mã Nhón - Cồn Ba Cây và 'ngày 24/7 kiên cường'

Trước đây, vào năm 1945, sức mạnh lòng dân ở 2 xã Hoằng Đạo và Hoằng Thắng đã đưa phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa phát triển đến đỉnh cao. Hôm nay, sức mạnh ấy đã và đang được Nhân dân 2 xã kế thừa, phát huy bằng những việc làm cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng những vùng quê đáng sống.

Phiến đá điêu khắc khung cảnh tri phủ Hoàng Trung Bảo và 12 tên lính bảo an bị quân Việt Minh vây bắt được trong khuôn viên Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng.

Phiến đá điêu khắc khung cảnh tri phủ Hoàng Trung Bảo và 12 tên lính bảo an bị quân Việt Minh vây bắt được trong khuôn viên Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng.

Trở về Hoằng Hóa vào một ngày đầu tháng 8, khi ánh nắng nhuộm vàng trên những cánh đồng, hàng cây, ngõ xóm. Xe lăn bánh dọc trên con đường từ thị trấn Bút Sơn qua xã Hoằng Đạo, xuống xã Hoằng Thắng, bỗng dòng ký ức trong tôi ùa về. Hóa ra, từ ngày còn nhỏ, bố mẹ đã đưa tôi về thăm các “địa chỉ đỏ” - Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo và Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng.

Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón và Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây tọa trên vùng quê yên bình Hoằng Đạo và Hoằng Thắng. Trước đây, Cồn Mã Nhón và Cồn Ba Cây chỉ là những cồn cây rậm rạp, xung quanh đồng lầy. Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24/7/1945, nơi đây đã trở thành một cột mốc quan trọng được chạm khắc tinh xảo bởi những mũi dùi rắn rỏi về cả tinh thần và sức chiến đấu chống lại quân thù của quân, dân ta trên con đường kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền mà Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động sau khi Nhật đảo chính Pháp.

Tôi nhớ rất rõ, ngày ấy khi tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, trong lúc đang say sưa xem lại bản đồ cuộc mít tinh, trận đánh ngày 24/7 của quân, dân ta được khắc tỉ mỉ trên bia đá được đặt trong khuôn viên của khu di tích, bỗng một giọng nói ấm áp vang lên kéo tâm hồn tôi đang lạc trong không gian của trận khởi nghĩa trở về với hiện tại. Một người đàn ông mang vẻ hiền hậu, mái tóc bạc, đôi mắt sáng đang say sưa kể lại sự kiện lịch sử cách đây 79 diễn Hoằng Hóa cho đoàn học sinh đến tham quan nghe. Đó là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa, với khí thế đấu tranh như “triều dâng, thác đổ” - được Nhân dân gọi là “ngày 24/7 kiên cường”. Hỏi ra mới biết, tên ông là Hoàng Khắc Vang - cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Quảng Nam, sau đó trở thành báo cáo viên của Đảng bộ xã Hoằng Thắng.

“Các cháu có biết không ?” - ông Vang bắt đầu kể, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai, trước đây xem vùng quê Hoằng Thắng và Hoằng Đạo, kể cả huyện Hoằng Hóa là cái nôi của cách mạng trong tỉnh Thanh. Vì thế, rạng sáng 24/7/1945, tỉnh trưởng phái một đội quân gồm 34 tên kéo từ tỉnh lị tiến quân về huyện Hoằng Hóa nhằm tiêu diệt Việt Minh. Về đến Hoằng Hóa, chúng chia làm 2 tốp, một tốp 22 tên do tên Quản Hiến cầm đầu kéo về đình Hoằng Chung, thôn Hóa Lộc, xã Hoằng Châu, tốp còn lại gồm 12 tên linh bảo an do tri phủ Phạm Trung Bảo kéo về thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo. Khi đi qua Cồn Mả Nhón, chúng đã bị Ban chỉ huy Việt Minh chỉ huy lực lượng tự vệ gồm 8 chiến sĩ tự vệ của xã Hoằng Thắng và 5 chiến sĩ tự vệ của xã Hoằng Đạo đánh bất ngờ khiến chúng không kịp trở tay và bị bắt gọn. Toán lính bảo an đã bị thất bại hoàn toàn, bị giải về sân đình chờ xử tội. Buổi trưa cùng ngày, được lệnh của huyện, lực lượng Việt Minh của 2 xã đã áp giải chúng về Cồn Ba Cây để thực hiện cuộc mít tinh xử tội. Cuộc mít tinh có khoảng 5.000 người. Sau mít tinh, Ủy ban dân tộc giải phóng được thành lập quản lý mọi công việc ở địa phương. Cờ đỏ sao vàng đã được các đội tự vệ cắm trên các nóc công đường, báo hiệu cuộc khởi nghĩa của Việt Minh đã giành thắng lợi.

Khung cảnh tri phủ Hoàng Trung Bảo và 12 tên lính bảo an bị quân Việt Minh vây bắt được khắc trên phiến đá tại Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo.

Khung cảnh tri phủ Hoàng Trung Bảo và 12 tên lính bảo an bị quân Việt Minh vây bắt được khắc trên phiến đá tại Cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo.

Đến đây, cảnh tượng đồng quê xanh mướt dường như mờ nhạt trong tâm trí tôi, nhường chỗ cho hình ảnh phiến đá được chạm trổ những dấu ấn của cuộc khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền của Nhân dân huyện Hoằng Hóa nói chung và 2 xã Hoằng Đạo, Hoằng Thắng nói riêng. Đi trên tuyến đường từ thị trấn Bút Sơn nối với Hải Tiến, nhìn sang bên phải sẽ thấy Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón hiện lên đầy trang nghiêm, vững chãi và nhuốm màu thăng trầm của lịch sử.

Con đường bê tông kiên cố, phong quang, vẽ nên bức tranh thanh bình của thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo dẫn lối chúng tôi đi qua những hàng cây xanh xen kẽ những cột đèn cao áp đến khu di tích lịch sử Cồn Mã Nhón. Cảnh quan thôn Đằng Trung bây giờ đã khác hẳn so với những kỉ niệm cũ. Những ngôi nhà nhỏ xinh với mái ngói lợp gạch màn, những con đường nhỏ hẹp uốn lượn giữa ruộng đồng đã nhường chỗ cho một không gian sống hiện đại và tiện nghi hơn, mức độ “số hóa” đã cao hơn trước rất nhiều.

Tấm bia đá mang trên mình những dòng chữ về những sự kiện lịch sử quan trọng của xã Hoằng Đạo được đặt ở thôn Đằng Trung.

Tấm bia đá mang trên mình những dòng chữ về những sự kiện lịch sử quan trọng của xã Hoằng Đạo được đặt ở thôn Đằng Trung.

Cánh cổng Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón mở ra như dang rộng cánh tay chào đón tôi. Bước xuống xe, tôi đứng lặng lẽ trước phiến đá được chạm khắc lại khoảnh khắc lịch sử khi quân và dân ta bắt sống được tên tri phủ Phạm Trung Bảo cùng các tay sai của hắn để cảm nhận từng hơi thở của lịch sử.

Trò chuyện cùng tôi bên tấm bia đá khắc tên của 13 chiến sĩ tự vệ trực tiếp chiến đấu tại Cồn Mã Nhón, ông Lê Hùng Quyền, trưởng thôn Đằng Trung, phấn khởi bày tỏ: “Là một người con của quê hương Đằng Trung, tôi luôn cảm thấy bản thân đang mang trong mình một di sản quý báu. Mỗi bước đi trên những con đường bê tông rộng rãi, thoáng mát và mỗi âm thanh của cuộc sống hàng ngày tại nơi đây đều mang hơi thở của sự kiện lịch sử ngày 24/7. Cha ông của chúng tôi - những người chiến sĩ tự vệ 79 năm về trước đã đấu tranh giành thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao. Điều đó đã “truyền lửa" cho thế hệ con cháu chúng tôi sau này kế thừa và phát huy, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Theo lời ông Quyền, thôn Đằng Trung được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Để xây dưng Đằng Trung thành vùng quê đáng sống, đầu tháng 4/2021, thôn tiến hành khảo sát, rà soát từng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với ra nghị quyết về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy sức dân cho nhiệm vụ kiến thiết quê hương. Với sự đồng tình và hưởng ứng của người dân, thôn Đằng Trung đã huy động được hơn 13 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Đặc biệt, trong thôn có 12 hộ gia đình đã hiến trên 200m2 đất thổ cư và 100m2 đất nông nghiệp cho việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Từ sức dân, thôn Đằng Trung đầu tư xây dựng nhà văn hóa; nâng cấp, mở rộng 2,45km đường giao thông, rãnh thoát nước; san lấp, chỉnh trang nghĩa địa; lắp đặt 2,2km đường điện chiếu sáng; nâng cấp thế hệ thống loa truyền thanh của thôn bảo đảm cho công tác thông tin tuyên truyền.

Với đặc thù là vùng quê thuần nông nên chi bộ thôn Đằng Trung đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất cây hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tích tụ, tập trung đất đai, đưa các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, như ớt, bí xanh, dưa leo vào sản xuất. Theo tính toán của thôn, thu nhập bình quân từ sản xuất rau, màu và cây hàng hóa của người dân đạt từ 80 - 120 triệu/ha. Cùng với đó các mô hình chăn nuôi thủy cầm, nuôi tôm thẻ chân trắng cũng mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong thôn. Nhờ vậy mà đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 64,2 triệu đồng/năm; số hộ giàu, hộ khá chiếm 45%, hộ cận nghèo còn 2,4%.

Ông Lê Hùng Quyền chia sẻ thêm: “Thôn Đằng Trung là thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã Hoằng Đạo. Để giữ gìn và phát huy thành quả này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động Nhân dân cùng chung tay lao động sản xuất và đóng góp để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”.

Chia tay ông Quyền, chúng tôi đến Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây. Như một ngày đặc biệt, tôi được gặp lại bậc tiền bối đáng kính trước đây khiến tôi chăm chú ngồi nghe và phấn khích vô cùng khi ông kể chuyện về “ngày 24/7 bất diệt". Đó là ông Hoàng Khắc Vang. Tôi chào hỏi và trò chuyện cùng ông Vang. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hoằng Thắng. Tuy tuổi đã gần 80, nhưng ông vẫn luôn hừng hực khí thế của một người đã khắc sâu truyền thống cách mạng quê hương vào tâm khảm.

Ông Vang chia sẻ: “Có những ngày xưa, có những vị tiền bối đi trước như thế thì mới có ta đến bây giờ, kể cả thời kỳ chống Nhật, chống Pháp hay chống Mỹ. Chúng ta có được một cuộc sống như ngày hôm nay, tất cả là nhờ ông cha ta ngày xưa đã đổ máu xương, trí tuệ và công sức. Là người con của mảnh đất “địa chỉ đỏ" huyền thoại, tôi cũng như người dân xã Hoằng Thắng luôn không ngừng nỗ lực kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, phấn đấu xây dựng một Hoằng Thắng hào hùng trong lịch sử, phát triển không ngừng trong hiện tại”.

Qua trò chuyện với ông Hoàng Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Thắng được biết: "Năm 2013, Hoằng Thắng là 1 trong 4 xã đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, Hoằng Thắng đang dồn sức cho nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và thôn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, biến Hoằng Thắng từng là “cái nôi” của cách mạng giờ trở thành một miền quê đáng sống".

Trong khuôn viên Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng.

Trong khuôn viên Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng.

Nếu biển Hải Tiến là nơi nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch, thì Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Mã Nhón và Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây lại là những “địa chỉ đỏ", gắn liền với giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút du khách bởi nơi đây thấm đẫm lịch sử cách mạng biến thiên về đất và người Hoằng Hóa.

Lan Chinh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-lang-que-cach-mang-xu-thanh-ngay-ay-va-bay-gio-con-ma-nhon-con-ba-cay-va-ngay-24-7-kien-cuong-32472.htm