Những lão nông làm kinh tế giỏi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhiều lão nông vẫn miệt mài tham gia lao động, sản xuất, trở thành những lao động giỏi, sáng tạo, tiếp tục cải thiện cuộc sống gia đình khấm khá hơn.
Phát triển vườn, rừng cho thu nhập khá
Đi qua cầu Sông Cầu trên Tỉnh lộ 2, chúng tôi bắt gặp căn nhà khang trang nằm bên phải trên một gò cao. Đó là nhà của ông Nguyễn Văn Hà (69 tuổi) - người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi ở thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.
Vợ chồng ông Hà lập nghiệp ở xã Sông Cầu từ năm 1975. Ông Hà vốn là thợ lái máy ủi, công tác ở Trạm Máy kéo Nam Diên Khánh. Nhiệm vụ chính của ông là san ủi mặt bằng làm đồng ruộng ở xã Sông Cầu - xã thành lập đầu tiên của huyện Khánh Vĩnh, ban đầu gọi là điểm Kinh tế mới Diên An 2. Gắn bó với vùng đất ban đầu còn heo hút, ông tích cực khai hoang vỡ hóa, mở rộng vườn, thuê đất trồng mía. Thời gian đầu, ông gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì thiếu vốn, giống cây trồng năng suất kém, tiêu thụ khó khăn… Phải đến giữa thập niên 80, việc sản xuất của ông mới bớt khó khăn và bắt đầu thu quả ngọt. Những vườn sầu riêng, cam, quýt, chanh, bắt đầu cho thu nhập… Tuy năng suất không cao nhưng ít người trồng nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Những năm sau đó, ông đầu tư trồng thêm các giống cây mới, như: Sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh, chanh không hạt, măng cụt… mang lại thu nhập cao hơn. Có vốn, ông đầu tư trồng rừng. Ban đầu, ông trồng bạch đàn, sau đó tùy theo tình hình thị trường ông trồng keo, sưa… Trong câu chuyện của mình, ông không giấu được niềm vui khi hiện nay, thu nhập từ vườn, rừng bình quân đem lại cho gia đình ông khoảng 800 triệu đồng/năm. Giờ đây, cuộc sống gia đình ông khá sung túc khi xây được nhà khang trang, mua ô tô, xe tải...
Cải tạo vùng đất sỏi đá thành vườn
Đưa chúng tôi tham quan khu vườn xanh tốt với nhiều loại cây như: Dừa, xoài, mít, bưởi, ổi…, ông Nguyễn Lặc (66 tuổi, thôn Trung 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) cho biết, vợ chồng ông đã phải trải qua bao vất vả, khó khăn mới có được như ngày hôm nay, với 1,5ha lúa nước và 0,5ha vườn. Kể về những ngày khai hoang, ông không thể quên nỗi cực nhọc: “Đây là khu vực hoang hóa, người ta lấy đất để đắp đập Am Chúa. Những gì còn lại là đá to, đá nhỏ, sỏi, cuội… và đất, đá lởm nhởm. Vợ chồng tôi phải nhặt nhạnh, phá dỡ từng viên đá để cải tạo mặt bằng, rồi thuê máy ủi san phẳng thành đồng ruộng, nhưng rồi cũng không thể làm được vì quá phèn. Vợ chồng tôi lại "rửa phèn" cho đất, cải tạo ruộng vườn…”.
Những công sức ấy của ông rồi cũng được đền đáp khi đất đã bớt phèn, dần canh tác được. Mỗi năm, ông kiên trì bồi dưỡng lượng phân hữu cơ dồi dào để đất không bị chai hay bị rửa trôi dinh dưỡng. Đến nay, ngoài mảnh ruộng canh tác theo mùa, khu vườn xanh mát dưới chân hồ Am Chúa của vợ chồng ông đã hình thành với vườn dừa xiêm, xoài tứ quý và mít nghệ. Ông còn trồng chùm ruột, ổi, bưởi da xanh, chanh… để kiếm thêm thu nhập theo mùa. Ông nhẩm tính, 5 năm qua, nguồn thu nhập của vợ chồng ông đã ổn định với khoảng 300 triệu đồng/năm.
Khấm khá nhờ nuôi hươu lấy nhung
Hôm chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quốc Nghệ (75 tuổi, thôn Xuân Sơn, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) cũng là lúc ông đang thu hoạch nhung hươu. Có rất đông người đến học hỏi ông cách nuôi hươu. Ông kể, rời quân ngũ, ông trở về định cư ở xã ven đô Nha Trang, do khi ấy còn hoang sơ nên ông lấy sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai. Ban đầu, ông trồng nấm rơm nhưng do không thạo kỹ thuật, thua lỗ nên đành bỏ nghề. Sau đó, ông về quê Hà Tĩnh, thấy nghề nuôi hươu phát triển, ông mua 1 cặp để nuôi tại nhà. May mắn, cặp hươu nhanh lớn, bắt đầu sinh sản, tạo đàn nên ông quyết định theo nghề nuôi hươu. Giống hươu ở Hà Tĩnh thuần chủng nên ít bệnh, sức đề kháng cao, dễ ăn, chỉ cần cung cấp đầy đủ các loại cỏ, cây có mủ như: Duối, mít, xoan, lá và quả sung…, giữ chuồng trại sạch sẽ, hươu sẽ chóng lớn và mắn đẻ. Hươu đực 4 tuổi là bắt đầu cho nhung. Lượng nhung tăng dần ở các kỳ cho nhung tiếp theo và đạt mức tối đa khoảng 1kg khi hươu được 8 hoặc 9 năm tuổi. Hiện nay, với giá từ 15 đến 20 triệu đồng/kg nhung hươu tươi, ông Nghệ có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ nhung hươu. Ngoài ra, ông cũng có thu nhập thêm từ nguồn hươu giống (20-30 triệu đồng/con), gà thả vườn; nuôi trăn nấu cao và nuôi bồ câu Pháp… Ông Nghệ sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật nuôi và bán giống hươu cho nhiều người; hỗ trợ kinh phí cho địa phương, hội người cao tuổi trong các dịp lễ, Tết hay các hoạt động xã hội của địa phương…
Chia tay những lão nông, ấn tượng trong tôi chính là tinh thần, ý chí lao động cần cù của những người cao tuổi này. Đây là những tấm gương truyền cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp hăng say lao động, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sông Cầu: Ông Nguyễn Văn Hà là người đi tiên phong triển khai các mô hình từ trồng chanh, mía đến sầu riêng, măng cụt, hỗ trợ giống cho nông dân trên địa bàn. Ông Hà cũng có sự nhạy bén khi sớm chuyển hướng đầu tư trồng rừng để tạo nguồn thu nhập cao. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau và có nhiều hoạt động tích cực cho công tác hội...
Ông Phan Chợt - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Diên Điền: Ông Nguyễn Lặc là người đi đầu trong việc cải tạo đất để tận dụng hiệu quả đất đai ở địa phương và trở thành tấm gương cho nhiều người dân học tập cải tạo nhiều diện tích đất khô cằn để đưa vào sản xuất, xây dựng khu vực này trở nên trù phú, tăng thu nhập cho người dân. Vợ chồng ông cũng có nhiều đóng góp cho công tác hội, hoạt động phong trào tại địa phương...
Ông Nguyễn Văn Xuân - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Trung: Mô hình của ông Nguyễn Quốc Nghệ tuy không mới nhưng phù hợp với điều kiện ở địa phương và khá hiệu quả. Ông đã giúp cho nhiều người dân áp dụng mô hình sản xuất nuôi hươu lấy nhung quy mô hộ gia đình để tăng thu nhập. Ngoài ra, ông Nghệ luôn đi đầu và sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của Hội Người cao tuổi ở địa phương và các hoạt động xã hội khác do địa phương vận động...
VĨNH LẠC
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202310/nhung-lao-nong-lam-kinh-te-gioi-edb41b1/