Những lát cắt cảm xúc sau chiến tranh
'Sau giải phóng miền Nam, tôi là sinh viên ngoài Bắc đầu tiên có mặt ở trường văn khoa Sài Gòn. Thông qua tôi, người miền Nam đánh giá người Bắc học rất cừ, đá bóng giỏi, đánh bóng bàn tốt...' – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ trong chương trình Quán thanh xuân tháng 6, chủ đề Ơi cuộc sống mến thương vừa lên sóng VTV1.
Vẹn nguyên ký ức ngày vào Sài Gòn sau ngày giải phóng
Tham gia trong vai trò khách mời, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết thêm, ông nói tiếng Bắc nhưng cha là người Bến Tre, mẹ quê ở Rạch Giá. Ba mẹ gặp nhau ở chiến khu Cà Mau, “sau đó tập kết ra Bắc và sinh tôi ra ở Thanh Hóa”. 1 tuổi, Huỳnh Dũng Nhân ra Hà Nội. Tháng 9/1975, vừa thi đỗ đại học Tổng hợp Hà Nội khóa XX, ông vào Nam thì giấy trúng tuyển gửi vào theo. “Tôi là sinh viên ngoài Bắc đầu tiên có mặt ở trường văn khoa Sài Gòn. Thông qua tôi, người miền Nam đánh giá người Bắc học rất nhiều, đá bóng giỏi, đánh bóng bàn tốt” – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hóm hỉnh cho biết.
Theo nhà báo này, ông có 20 năm ở miền Bắc và 45 năm ở miền Nam. Khi nói về cảm xúc về hòa bình, cuộc sống mến thương và tuổi thanh xuân, Huỳnh Dũng Nhân nói rất đẹp và theo ông hơn 40 năm cầm bút. Ông kể viết về anh hùng Hồ Giáo. Khi trở về Nam, vị anh hùng được rất nhiều người đến tặng quà nhưng không dùng gì hết, rất tiết kiệm, bao nhiêu quà đều để dành. Vào Nam, anh hùng Hồ Giáo đem theo đường, lốp xe đạp, radio...vì sợ ở trong đó không có. Nhưng thực tế khi ấy ngược lại, vì thiếu thông tin, những món đồ mà anh hùng Hồ Giáo đem vào Nam lại được bộ đội ta trong Nam đem ngược ra Bắc.
Ngày trở vào Nam, ấn tượng đầu tiên của Huỳnh Dũng Nhân là cầu Hiền Lương, bởi vì ai cũng biết đó là vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước trong nhiều năm. “Ba tôi là phóng viên báo Nhân Dân, từng thường trú ở Vĩnh Linh, ông kể rằng một người dân đã thủ sẵn một cục tẩy. Người này nói để sẵn cục tẩy để khi thống nhất đất nước thì sẽ xóa đường ranh của đoạn chia cắt đó đi. Khi tôi đi qua cầu Hiền Lương bằng đường bộ, tôi đã nhớ lại câu chuyện đó và cảm thấy thiêng liêng vô cùng. Để xóa được đường ranh đó là bao nhiêu xương máu của quân và dân ta” – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhớ lại.
Ấn tượng tiếp theo của Huỳnh Dũng Nhân khi vào đến Sài Gòn sau khi chiến tranh kết thúc, đó là vượt qua cầu Sài Gòn, thành phố mênh mông trước mặt, vô cùng rộng lớn. Khi ấy Sài Gòn đã giải phóng được 4 tháng và có nhiều thay đổi. Năm 1975 ai cũng nói hạnh phúc sẽ nhân đôi, khó khăn xẻ nửa sẽ bớt đi nhưng sau đó vẫn khó khăn vô cùng. Chỗ ba mẹ tôi làm việc là báo Nhân Dân, mọi người cứ đi tha thẩn quanh gốc đa nói “Hòa bình rồi nhưng không gặp được con nữa bởi vì con đã hy sinh”. Một bác cán bộ làm trong báo thì nói “Vui quá nhưng con tôi lại ở chiến tuyến bên kia chứ không phải bên này”. Vì thế tôi rất nhớ câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Giải phóng đấy, thống nhất đấy nhưng mà triệu người vui và triệu người buồn”. Tôi vào Nam bằng con đường như vậy với nhiều điều suy nghĩ, không chỉ có niềm vui. Tôi may mắn chỉ chạm một chút vào chiến tranh, rồi may mắn được đi học và từ đó làm báo đến nay đã 40 năm. Những ký ức ấy giờ vẫn còn nguyên.
Người ta nghĩ tôi giống TNXP hơn là diễn viên
Khách mời là NSND Lan Hương lại chia sẻ, khi giải phóng miền Nam thì bà mới đặt chân vào trường cấp 3 Kim Liên. Từ lúc chúng ta đánh thắng Tây Nguyên, rồi các tỉnh thành khác, NSND Lan Hương còn bé và hay đùa nghịch mà mẹ thì hay mở đài để nghe tin tức. Hằng ngày đi làm về là mẹ mở đài, Lan Hương và mọi người trong gia đình cũng nghe theo để xem chiến tranh kết thúc ở đâu, giải phóng từng vùng thế nào.
“Điều đó ngấm vào tôi khi tôi đóng bộ phim đầu tiên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam Khoảnh khắc yên lặng trong chiến tranh. Tôi đóng TNXP và Bùi Bài Bình vào vai bộ đội. Hai người từ trong chiến trường đi ra và gặp nhau trên một chuyến tàu, họ đã làm nên một bản tình ca rất đẹp. Thời trước, những vai chúng tôi đóng thường liên quan đến các chiến sĩ ngoài mặt trận, những cuộc gặp gỡ, chia tay của người lính. Kể cả những vở kịch của Liên Xô cũng là những người lính hồng quân” – nữ nghệ sĩ của phim Sống chung với mẹ chồng cho biết.
Sau này, NSND Lan Hương làm việc tại nhà hát kịch Việt Nam. Bản thân bà khi đó chưa hiểu thế nào là một tiểu phẩm, nhưng trong quá trình học, bà và các bạn phải “trả” nhiều tiểu phẩm. May mắn là thời điểm ấy, rất nhiều nhà văn viết về đề tài chiến tranh và Lan Hương đã đọc rất nhiều tác phẩm như Bất khuất, Dấu chân người lính... Sau đó cô giáo nói muốn trả tiểu phẩm thì cứ theo các tác phẩm văn học và Lan Hương đã lấy các trích đoạn trong những tác phẩm đã đọc để trả bài. Sau đó, ở nhà hát Kịch Việt Nam, những nhân vật mà Lan Hương đóng hầu như là bộ đội. “Thậm chí khi tôi ra đường gặp khán giả, người thân nói tôi giống thanh niên xung phong hơn giống diễn viên vì ngày xưa tôi không có váy áo như bây giờ mà toàn áo cánh, quần đen” – NSND Lan Hương nhớ lại.
Và nhiều người cũng khẳng định, khi Lan Hương của những ngày đầu đến với nghệ thuật, bước lên sân khấu thể hiện các vai diễn TNXP hay bộ đội thì mọi người cảm giác rất hợp, yêu thích.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-lat-cat-cam-xuc-sau-chien-tranh-n175353.html