Những lễ hội không nên bỏ lỡ ở Hà Nội tháng Giêng này

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều di sản và lễ hội nhất cả nước. Trong đó, phần lớn các lễ hội diễn ra vào tháng Giêng hằng năm, tạo nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cùng điểm qua một số lễ hội đặc sắc dịp đầu xuân mà bạn và gia đình không nên bỏ lỡ.

Nghi thức rước thần chiến thắng tại Lễ hội gò Đống Đa. (Ảnh: INT)

Nghi thức rước thần chiến thắng tại Lễ hội gò Đống Đa. (Ảnh: INT)

Lễ hội gò Đống Đa

Lễ hội gò Đống Đa là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn của Hà Nội, diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tháng Giêng. Đây là lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lừng lẫy của vua Quang Trung – người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Sau những hội trống, chiêng báo hiệu bắt đầu cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Tham gia cuộc rước có thanh niên các làng Khương Thượng, Thịnh Hào mặc lễ phục, đi sau là cờ, biểu, lộng kiệu và cuối đoàn rước là hình tượng con rồng lửa kết rươm.

Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài.

Lễ hội Gióng

Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc Hà Nội vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Đây là lễ hội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có hai hội Gióng tiêu biểu là hội Gióng Sóc Sơn (Sóc Sơn) và hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm) đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tham gia lễ hội Gióng, ngoài cầu nguyện sức khỏe, vươn cao, du khách cũng có thể trải nghiệm leo núi lên đỉnh núi Sóc nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời. Đến đây, du khách còn có thể tham gia vào nghi lễ cướp lộc đầu năm của lễ hội.

Lễ hội Cổ Loa

Đây là một trong những lễ hội lớn bậc nhất ở Hà Nội, khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài tới ngày 18 tháng Giêng. Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) được xem là lễ hội truyền thống nhằm suy tôn vua An Dương Vương Thục Phán, người đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khi tham dự lễ hội, du khách không chỉ được xem nghi thức đại tế và lễ rước mà còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ,...và tìm hiểu về lịch sử thành Cổ Loa và truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy.

Lễ hội chùa Hương kéo dài nhất và thu hút đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội chùa Hương kéo dài nhất và thu hút đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội chùa Hương

Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội). Ngày mùng 6 Tết là ngày khai hội và lễ hội kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội đông và kéo dài nhất cả nước. Đến đây du khách không chỉ tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình vào không gian của non nước với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

Trước hội, phần lễ thường diễn ra vào ngày 4 tháng Giêng. Hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông Trưởng ban khánh tiết ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, trở thành nét văn hóa đặc sắc vào dịp đầu Xuân.

Lế hội Tản Viên Sơn Thánh

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì, Hà Nội) được tổ chức với quy mô lớn vào ngày 14 và 15 tháng Giêng. Từ trước ngày lễ hội chính đã có nhiều hoạt động văn hóa diễn ra mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức khắp vùng xứ Đoài, đặc biệt là tại cum di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thuộc địa phận xã Quang Minh và xã Ba Vì. Năm 2018, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-le-hoi-khong-nen-bo-lo-o-ha-noi-thang-gieng-nay-4061665-t.html