Những lễ hội không rác ở Hải Dương

Khi việc giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành nhiệm vụ hằng ngày thì ở nhiều di tích tại Hải Dương đã và đang có những mùa lễ hội không rác, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Vào dịp lễ hội, lực lượng đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Sao Đỏ, Tỉnh đoàn Hải Dương đều tham gia hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (Ảnh: THÀNH CHUNG)

Vào dịp lễ hội, lực lượng đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Sao Đỏ, Tỉnh đoàn Hải Dương đều tham gia hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (Ảnh: THÀNH CHUNG)

Chuyên nghiệp

Di tích Côn Sơn (Chí Linh) thu hút rất đông du khách mỗi dịp lễ, Tết (Ảnh: VĂN TUẤN)

Di tích Côn Sơn (Chí Linh) thu hút rất đông du khách mỗi dịp lễ, Tết (Ảnh: VĂN TUẤN)

Cứ 5 – 7 giờ sáng và cùng khung giờ này vào buổi chiều tối, các tổ vệ sinh môi trường của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) lại đồng loạt thực hiện nhiệm vụ của mình là giữ cho cảnh quan di tích luôn sạch sẽ. Ngoài khung giờ đó, việc dọn dẹp cũng được duy trì trong ngày, hễ thấy rác là họ lại nhanh tay thu dọn.

"Họ làm công việc của mình với sự tận tâm và chuyên nghiệp, bởi bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu di tích luôn phong quang, sạch đẹp là nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã xác định trong nhiều năm nay", anh Nguyễn Văn Cường, Phó Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết.

Tổ vệ sinh môi trường được bố trí ở 3 khu Côn Sơn, Kiếp Bạc và đền Nguyễn Trãi, mỗi tổ 5 - 7 người. Nếu như ngày thường Ban Quản lý duy trì 18 người phụ trách dọn dẹp vệ sinh ở 3 khu vực trên thì vào dịp lễ hội, lực lượng này được tăng cường lên 30 – 40 người. Từ khu vực bãi xe, các hàng quán đến những tuyến đường trong di tích, trên núi Ngũ Nhạc, núi Côn Sơn, núi Rồng, sân vườn… chỗ nào cũng có bóng dáng của những nhân viên dọn vệ sinh. Họ được trang bị đầy đủ các dụng cụ thu dọn, xe đẩy, được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Hằng năm, ban bổ sung hàng trăm thùng rác lưu động được bố trí rải rác ở khắp trong khuôn viên di tích. Cục Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng cấp cho di tích 40 thùng phân loại rác tiêu chuẩn.

Những nhân viên của tổ vệ sinh môi trường dọn dẹp thường xuyên tại di tích Côn Sơn (ẢNH: THÀNH CHUNG)

Những nhân viên của tổ vệ sinh môi trường dọn dẹp thường xuyên tại di tích Côn Sơn (ẢNH: THÀNH CHUNG)

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng xây dựng nội quy, treo các bảng, biển, đồng thời thường xuyên tuyên truyền trên loa nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh môi trường khi đến tham quan, chiêm bái, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

Không chỉ có nhân viên của tổ vệ sinh môi trường, mỗi dịp lễ hội truyền thống, các đoàn thể địa phương, đoàn viên thanh niên của Tỉnh đoàn Hải Dương cũng tích cực tham gia tuyên truyền, dọn dẹp khu vực trong và ngoài di tích.

Lễ hội mùa xuân năm nay, với 100 hàng quán tại di tích Côn Sơn và 71 hàng quán tại di tích Kiếp Bạc, chưa kể đến 42 gian hàng, trong đó có nhiều hàng ăn tại Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại tưởng chừng sẽ là khó khăn với Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trong việc giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, từ chủ hàng quán đến du khách đã có ý thức bảo vệ môi trường nên hầu như không có tình trạng vứt rác bừa bãi. Tại khu hàng quán, Ban quản lý đã hướng dẫn các chủ quán giữ gìn vệ sinh, thu gom rác đúng nơi quy định. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các chủ quán bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Ý thức của người dân ngày càng nâng lên, không xả rác bừa bãi tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trong ảnh: Du khách phân loại rác tại di tích Côn Sơn (Ảnh: VĂN TUẤN)

Ý thức của người dân ngày càng nâng lên, không xả rác bừa bãi tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trong ảnh: Du khách phân loại rác tại di tích Côn Sơn (Ảnh: VĂN TUẤN)

Là khu di tích lớn, khuôn viên rộng, hằng năm thu hút lượng khách rất lớn, nhất là vào thời điểm lễ hội truyền thống nên có lúc lượng rác thải phát sinh ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc bị quá tải. Trước tình trạng đó, Ban Quản lý đã hợp đồng với Công ty CP Giao thông, môi trường và đô thị Chí Linh thu gom rác, tập kết ở những điểm cố định, không để rác tồn đọng trong khuôn viên di tích.

Sự chuyên nghiệp của đội ngũ dọn dẹp vệ sinh môi trường ở đây đã góp sức không nhỏ mang đến diện mạo đẹp đẽ cho khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và làm hài lòng nhiều du khách. "Không chỉ là chốn tùng lâm đẹp đẽ, di tích này dù rộng và khá nhiều hàng quán dịch vụ xung quanh nhưng vẫn luôn giữ được khuôn viên sạch sẽ khiến chúng tôi về tham quan, chiêm bái rất thích", chị Hoàng Hiền ở huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) cho biết.

Quy củ

Di tích Đền Tranh luôn được giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ (Ảnh: VĂN ĐẠT)

Di tích Đền Tranh luôn được giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ (Ảnh: VĂN ĐẠT)

Đền Tranh (Ninh Giang) cũng là một trong những di tích nổi tiếng, thu hút nhiều du khách tham quan chiêm bái dịp lễ, Tết. Dù hai kỳ lễ hội chính vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch nhưng mỗi dịp Tết đến, xuân về, đây là địa điểm du xuân không thể thiếu của nhiều người.

Theo quan niệm từ xa xưa, Đền Tranh là chốn linh thiêng, được nhiều người đến xin tài lộc, công danh, sự nghiệp. Vì thế có tình trạng đốt vàng mã nhiều và có những loại vàng mã rất lớn. Nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy nổ vì thế rất cao. Để hạn chế điều này, Ban Quản lý Đền Tranh đã nêu rõ trong nội quy di tích là du khách hạn chế đốt vàng mã, thắp hương. Hệ thống loa phát thanh cũng phát liên tục nhắc nhở người dân về việc này. Ban Quản lý đã yêu cầu du khách đốt vàng mã đúng địa điểm quy định, thường xuyên dọn dẹp khu vực nhà hóa sớ. Người dân cũng có ý thức đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Lượng rác phát sinh dịp lễ, Tết tại Đền Tranh rất lớn (Ảnh: VŨ ĐẠT)

Lượng rác phát sinh dịp lễ, Tết tại Đền Tranh rất lớn (Ảnh: VŨ ĐẠT)

Ông Đinh Văn Công, Chủ tịch UBND thị trấn Ninh Giang cho biết việc bảo đảm vệ sinh môi trường nhiều năm nay đã trở thành nền nếp, được tổ chức quy củ tại di tích Đền Tranh. Ban quản lý đã lập kế hoạch từ trước Tết Nguyên đán bảo đảm vệ sinh môi trường dịp Tết và lễ hội truyền thống Đền Tranh. 2 tổ vệ sinh môi trường ở bên trong và bên ngoài di tích, mỗi tổ có 2 người hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, lực lượng thuộc tiểu ban trực cũng liên tục dọn dẹp bất cứ khi nào thấy có rác hay bụi bẩn. Mỗi ngày thường có từ 7-10 người chăm lo cho sự nền nếp, vệ sinh ở khuôn viên trong và ngoài di tích. Hơn 50 thùng rác được Ban quản lý bố trí đều ở các vị trí.

Khu vực xung quanh Đền Tranh có khá nhiều hàng quán dịch vụ, với khoảng 50 hộ bán hàng, 10 quán ăn uống. Trước dịp Tết và lễ hội, UBND thị trấn đã tổ chức kiểm tra, tuyên truyền tới từng hộ nhắc nhở việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng đúng giá, giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Các hộ cũng đều ký cam kết bảo đảm những nội dung này.

Dịp Tết nguyên đán 2025, mặc dù đón hơn 4 vạn du khách nhưng nhìn chung du khách có ý thức khá tốt, không có tình trạng xả rác bừa bãi. Trong khuôn viên đền hầu như không có tình trạng ăn uống nên khá sạch sẽ.

UBND thị trấn Ninh Giang cũng chỉ đạo Ban Quản lý di tích Đền Tranh phối hợp đơn vị chuyên nghiệp là Công ty TNHH Sơn Hà để dọn ngay khi lượng rác tập trung lớn.

Lễ hội văn minh - hút nhiều du khách

Phân loại rác tái chế tại Đền Tranh (Ảnh: VŨ ĐẠT)

Phân loại rác tái chế tại Đền Tranh (Ảnh: VŨ ĐẠT)

Nhiều di tích nổi tiếng khác ở Hải Dương như Đền Bia, Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), Đền Cao An Phụ (Kinh Môn)... cũng được quan tâm, chú trọng đến môi trường cảnh quan. Ở những nơi này dù là ngày thường hay mỗi mùa lễ hội, dịp Tết vẫn giữ được vẻ phong quang, thanh tịnh khi được chăm chút tỉ mẩn. Nhiều nơi đã hình thành được những nét văn minh lễ hội từ chính công tác quản lý đến ý thức của du khách khi tham quan chiêm bái. Những vấn nạn về xả rác bừa bãi, "chặt chém" du khách... đã lâu không xuất hiện tại các lễ hội ở Hải Dương. Những điều đó đã thu hút du khách chọn các di tích ở Hải Dương làm điểm tham quan, chiêm bái.

Với hơn 2.000 di tích lịch sử và danh thắng, Hải Dương là điểm đến lý tưởng cho du lịch tâm linh và khám phá văn hóa. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Hải Dương đã đón 450.000 lượt khách tham quan và du lịch, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các điểm tham quan, di tích văn hóa lịch sử thu hút lượng lớn du khách. Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón gần 30.000 lượt du khách. Hai khu di tích quốc gia đặc biệt là cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia; Văn miếu Mao Điền đón hơn 7.000 du khách. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) đón gần 7.000 lượt du khách...

Trong tháng giêng và tháng 2 âm lịch, trên địa bàn Hải Dương còn nhiều lễ hội truyền thống, Ban quản lý các di tích đều chủ động giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp và mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách.

NGÂN HẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhung-le-hoi-khong-rac-o-hai-duong-405508.html