Thơm bùi hạt mít tuổi thơ

Bốn cây mít do ngoại tôi lúc còn sống trồng phía sau nhà, năm nào cũng sai trĩu quả. Mùa hè đến, mít chín thơm nức cả góc vườn. Cứ ngửi thấy mùi thơm thơm đặc trưng là má bảo tôi trèo lên cây, cắt cuống cho mít rơi xuống đất rồi lấy dao bổ ra ăn ngay. Mít ăn xong thì chừa hạt lại. Lần nào má cũng nhắc chị em tôi rửa sạch rồi đem đi luộc. Thứ hạt bùi bùi, ngậy ngậy, có vị ngon rất riêng ấy đã trở thành miếng ăn cứu đói của người dân quê tôi một thời.

Với những đứa trẻ lớn lên từ ruộng đồng, cuộc sống thiếu trước hụt sau, không ai lớn lên mà chưa từng một lần ăn hạt mít. Sau khi ăn những múi mít ngọt lịm, chị em tôi đua nhau gom mấy hạt mít để luộc. Lựa những hạt mít ngon mắt, chúng tôi cho vào thau nước, bóp bóp cho sạch hết những xơ mít còn sót lại rồi bỏ vào nồi, rắc thêm một chút muối, bắc lên bếp và ngồi đợi hạt chín. Ngày xưa, nhà tôi toàn nấu bằng củi tre. Để tiết kiệm củi đun, sau khi nấu cơm canh xong, sẵn củi lửa còn cháy rực, chị em tôi mới bắt đầu luộc hạt mít. Mỗi khi luộc, tôi thường háo hức mở vung để xem thử hạt mít chín chưa. Thấy nước luộc lâu sôi, chúng tôi bỏ thêm củi vào, lửa bùng cháy dữ dội. Chừng 10 - 15 phút sau, nước đã bắt đầu ùng ục. Nước sôi nhưng chúng tôi chưa vội vớt hạt ra mà chờ đến khi nào những lớp vỏ hạt đã nở bong ra một phần thì hạt mới chín.

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C

Khi hạt mít chín, chúng tôi nhấc nồi xuống. Cứ để nguyên nồi đấy đem đổ cả nước lẫn hạt vào rổ đặt sẵn dưới nền đất. Nước chảy ra hết, còn lại trong rổ những hạt mít tươi ngon, thơm bùi.

“Hạt mít chín rồi! Hạt mít chín rồi!”. Chị em tôi tranh nhau mang rổ ra giữa thềm nhà cho cả nhà cùng ăn. Hạt mít vớt ra, còn nóng hôi hổi. Vậy mà chị em tôi đã bốc một nắm hạt, vừa thổi vừa ăn. Vị ngọt bùi cộng thêm chút mằn mặn của muối thấm vào hạt khiến chúng tôi thích thú vô cùng. Thấy ba má đi làm về, chị em tôi liến thoắng gọi: “Ba, má vào ăn hạt mít ạ!”. Khoảnh khắc cả nhà quây quần cùng bóc vỏ, chia cho nhau từng hạt mít thật đầm ấm, hạnh phúc làm sao!

Thỉnh thoảng, đi chơi đâu đó hoặc thấy nhà hàng xóm ăn mít mà bỏ hạt đi, chúng tôi đều nhặt về, để dành tới lúc má nấu cơm rồi hấp. Khi cơm sôi, má liền bỏ vào nồi. Đợi tới lúc cơm chín, má xới nồi lựa ra những hạt mít lẫn trong những hạt cơm bỏ ra mâm. Cả nhà vừa ăn những hạt cơm dính trong hạt, vừa dùng miệng bóc vỏ hạt mít hấp ra nhai ngấu nghiến. Tiếng cười rộn vang khắp căn nhà nhỏ. Những đêm trăng sáng, bà con xóm tôi thường mang rổ hạt mít ra giữa sân, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả.

Cứ như thế, món ăn dân dã, sẵn có của những đứa trẻ vùng nông thôn theo chúng tôi lớn lên. Thời ấy, chỉ cần được ăn hạt mít luộc thì chúng tôi mừng lắm, vì nó giúp “chắc cái bụng” vào những lần mất mùa, hết thóc, hết gạo. Má tôi thường bảo: “Ăn một hạt mít bằng ba trứng gà”. Tôi không tin lắm. Có lẽ hồi xưa, thiếu gạo, thiếu cơm, phải ăn cơm độn khoai, sắn nên người dân quê thường an ủi nhau như vậy. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết hạt mít cũng là một loại thức ăn cực kỳ bổ, hệt như lời má nói. Hạt mít bùi bùi, “nhỏ nhưng có võ”. Nó chứa tinh bột tự nhiên và nhiều chất dinh dưỡng, giúp chống lại một số căn bệnh có hại cho cơ thể.

Đã qua rồi cái thời ăn hạt mít luộc chống đói. Bây giờ, mỗi khi ăn những múi mít xong, ít ai giữ lại hạt để luộc. Bởi nhiều người nghĩ, có biết bao nhiêu đồ ăn ngon khác, cần thiết gì phải tốn thời gian vào món ít ai chuộng. Riêng tôi, vẫn thói quen cũ, gắng gom nhặt lại những hạt mít để đem đi luộc, mong tìm lại những ký ức tuổi thơ.

Những lần về quê, tôi vẫn thường thấy má cặm cụi nhặt những hạt mít, luộc cho mấy đứa cháu ăn. Hạt mít có vị thơm, ngọt, bùi thế mà đứa nào cũng lắc đầu, trề môi. Có đứa ăn vài ba hạt rồi thôi. Phải chăng chúng đã quen với bao món ngon thời nay nên chê những món ăn quê dân dã gợi nhớ về thời gian khó ngày trước? Khóe mắt tôi chợt rưng rưng, nhớ về ngày xưa, nhớ những lần chực chờ nhà bổ mít để có hạt mít luộc ăn chống đói…

NGŨ THANH TUYẾN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202502/thom-bui-hat-mit-tuoi-tho-4274629/