Những lễ hội nổi tiếng trong tháng Giêng trên quê hương Đất Tổ
Vùng Đất Tổ giàu truyền thống lịch sử và kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, lễ hội chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh vùng đất Phú Thọ.
Trong hai ngày ngày mùng 27 – 28/1/2023 (tức ngày mùng 6, 7 tháng Giêng) tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa sẽ diễn ra Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Theo sử sách, huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trứng nở thành 100 người con nhằm tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam; mang đậm dấu ấn nhân văn sâu sắc; là đặc trưng văn hóa và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết đó đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, được người Việt qua các thời đại hun đúc và thể hiện bản lĩnh kiên cường, tình yêu nước nồng nàn, kề vai sát cánh, đoàn kết với ý thức cùng chung nguồn cội, đồng bào, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên, với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và hùng cường.
Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú nên đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu Xuân. Nhờ những nét văn hóa truyền thống, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, năm 1991, Đền Thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - Đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngày 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại xã Minh Hòa, huyện Yên Lập sẽ diễn ra lễ hội mở cửa rừng dân tộc Mường. Lễ hội mở cửa rừng được bà con người Mường tổ chức vào tháng Giêng hằng năm với mong muốn được thánh thần và Thành hoàng làng phù hộ cho một năm săn bắn, hái lượm và sản xuất bội thu, làng bản hòa thuận, vui vẻ, ấm no, đoàn kết…
Tại lễ hội, du khách được hòa mình trong không khí các hoạt động phong phú mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc được kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên cơ sở chọn lọc các giá trị tinh hoa của từng dân tộc với các điệu múa truyền thống như múa trống đu, múa mỡi, múa sênh tiền…
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Đúng 00h, khoảnh khắc giao thời từ ngày 11 sang ngày 12, chủ tế miếu Trò (hay còn gọi miếu Đụ Đị) sẽ làm lễ và mang 2 linh vật Nõ - tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và Nường – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ ở trong cung xuống. 2 linh vật của miếu Đụ Đị đã có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm, mà đến nay dân làng không ai biết chính xác.
Một đôi vợ chồng trong làng sẽ được chọn để thực hiện nghi thức Lễ Mật. Khi chủ tế miếu Đụ Đị hô vang “Linh tinh tình phộc”, 2 linh vật là Nõ và Nường sẽ đâm vào. Nếu cả 3 lần Nõ đều đâm trúng Nường, người dân quan niệm cả năm đó sẽ được may mắn và làm ăn phát đạt. hằng năm đến hội, rất đông người dân và du khách thập phương đổ về đây để chứng kiến khoảnh khắc Nõ và Nường đâm vào nhau.
Trong 2 ngày 14 - 15 tháng Giêng, tại đàn Tịch Điền thuộc phường Minh Nông, TP Việt Trì sẽ diễn ra Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Việc UBND TP Việt Trì phục dựng lại lễ hội này là sự tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước...
Lễ hội Vua Hùng dạy dân đi cấy lúa có hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Sau phần tế của các cụ cao niên trong phường là phần nhập vía Vua Hùng để dạy dân cấy lúa (phần hội). Phần hội diễn ra cuộc thi cấy lúa giữa các đội cùng nhiều trò chơi dân gian khác.
Lễ hội diễn ra tại Đình Đào Xá – ngôi đình cổ được xây dựng từ Vua Lê Gia Tông (1674-1675). Vị thần được tôn thờ là Hùng Hải Công, em thứ 19 của Vua Hùng. Thời Vua Hùng dựng nước, ông được cử đến cai trị vùng Tam Giang, nơi hợp lưu của ba con sông lớn: Sông Đà, sông Hồng và sông Bứa. Do có công lớn dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú, Vua Hùng ban cho ông hai thớt Voi. Trước khi chia tay về xuôi giao lại trọng trách cai quản vùng Tam Giang cho ba con trai đã trưởng thành, ông đã dẫn đôi Voi về Đào Xá làm lễ tạ 3 lần rồi từ biệt. Tri ân công đức của ông, dân làng lập đình thờ và tôn ông làm Thành hoàng, hằng năm vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch đều tổ chức Lễ hội rước Voi để tưởng nhớ đến ông.
Lễ hội Rước voi Đào Xá diễn ra từ 27 - 29 tháng Giêng, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ: Cáo hội, rước kiệu, rước voi từ Đình ra Đền Đào Xá đón long ngai; chuẩn bị cỗ thờ với xôi, gà, bánh mật, chè kho, cá chép, linh lang, ngũ quả; lễ tế truyền thống… Phần hội được tổ chức sôi động với các trò chơi dân gian…