Những 'lều tranh, vách đá' xinh như nhà cổ tích
Rải rác khắp vùng đồi núi Ancares, Galicia, Tây Ban Nha là những ngôi nhà đẹp như cổ tích.
Chúng có tuổi thọ tối thiểu 250 năm, nhiều cái còn nền móng hàng nghìn năm với không gian vô cùng rộng rãi và ấm áp, thích hợp cho cuộc sống miền cao khí hậu lạnh. Người Tây Ban Nha gọi kiểu kiến trúc này là pallaza.
Nhà bách niên
Ancares là dãy núi thung lũng cao 800 - 900m so với mực nước biển, độ dốc lớn. Mặc dù, địa hình và địa chất không thích hợp để phát triển nông nghiệp, nhưng nơi này vẫn là vùng đất sinh cư của gần 14 nghìn dân.
Hiện, trong Ancares có trên 200 ngôi làng. Rất nhiều làng ở đây vẫn giữ được các ngôi nhà truyền thống - pallaza.
Pallaza được thiết kế móng theo hình tròn hoặc bầu dục, mái hình nón. Vật liệu xây dựng pallaza lấy từ tự nhiên, chỉ bao gồm đá, gỗ và rơm lúa mạch đen.
Người Ancares dùng đá xây móng và tường (thường là đá granite, đá vôi hoặc đá phiến), lấy gỗ làm kèo, rơm lúa mạch đen làm tranh. Họ chỉ để rất ít cửa sổ và không đặt ống khói (tận dụng khói xua đuổi côn trùng và bồ hóng bảo vệ mái tranh).
Tuy là lều, pallaza siêu diện tích. Nó thường có đường kính từ 10 - 20m, bên trong chia ra làm đôi, khoang dành cho người ở và khoang dành cho động vật, để cửa ra vào biệt lập. Nhìn từ xa, pallaza giống như những cây nấm lùn cực kỳ dễ thương. Bởi vì hình dáng ú na ú nần này, nó được người hiện đại ví như “nhà cổ tích”.
Kiến trúc giữ nhiệt
Nhờ móng và tường bằng đá, pallaza bền thiên niên. Người Ancares chỉ việc thay mái mỗi khi chúng mục. Theo giới sử học, kiểu kiến trúc nhà ở này có từ trước Công nguyên.
Tuy đơn giản nhưng nó hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh và gió mạnh của miền núi. Kiến trúc hình tròn cho phép ngôi nhà tránh bị gió lớn xô đổ. Lượng cửa sổ, lỗ thông hơi ít giúp giảm gió lọt vào. Tường đá dày nên vừa vững chãi, vừa cách nhiệt.
Bên trong pallaza, người Ancares đặt lò sưởi, gọi là lareira. Đây là dạng lò sưởi kiểu hầm, luôn được đào ở vị trí giữa nhà. Khi lửa được đốt lên, hơi ấm sẽ lan khắp nhà, được tường giữ lại và sưởi cho cả người lẫn vật nuôi.
Khu vực dành cho người ở trong pallaza được gọi là ástrago, chỉ bao gồm 1 phòng ngủ riêng (dành cho cặp vợ chồng lớn tuổi nhất) và không gian sinh hoạt chung. Người Ancares tận dụng không gian mái làm gác xép, trải cỏ khô làm nệm ngủ.
Khu vực dành cho động vật là estravariza, nhốt chung gia súc, gia cầm. Trong mỗi pallaza đều có lò nướng bánh mì, khoang chứa củi, để đồ và khung cửi (tự túc vải).
Mỗi pallaza đều là nơi ăn chốn ở của một đại gia đình, bao gồm 3, 4 thế hệ. Người miền núi Ancares rất hiếu khách, thích tụ tập bên lò sưởi trò chuyện đến khuya. Họ cũng hay nướng hạt dẻ, hầm thịt hoặc giữ nóng pho mát lâu trên bếp lửa.
Biến tấu để duy trì
Những thập niên gần đây, dân số trồng lúa mạch đen ở Ancares suy giảm trầm trọng. Thiếu rơm, các pallaza rơi vào tình trạng mất mái.
“Mỗi năm, chúng tôi phải chi từ 2 - 3 nghìn euro để sửa mái. Vì quá đắt đỏ, chúng tôi buộc phải lấy công làm lãi, tự thu hoạch rơm và chỉ sửa từng phần một”, cư dân Isolina Rodríguez López than thở.
Bây giờ, dưới sự trợ giúp từ các dự án bảo tồn pallaza, nhiều pallaza đã được “cứu”. “Sau khi tính toán chi phí sửa toàn bộ phần mái pallaza cha mẹ để lại, tôi biết phải tốn 50 - 60 nghìn euro. Đó là số tiền quá lớn. May mà tôi nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương”, cư dân Celia Alonso López bày tỏ lòng biết ơn.
Nhờ nỗ lực, Ancares duy trì được khá nhiều pallaza. Khác với bên ngoài vẫn “hệt như ngày xưa”, bên trong pallaza được tái cấu trúc triệt để, bao gồm từ phân chia phòng ốc thích hợp đến lắp đặt lò sưởi điện. Một số người còn nâng cấp pallaza lên thành bảo tàng, khách sạn, nhà hàng…
Pallaza nhà hàng nổi bật nhất có lẽ là La Palloza de Balboa, làng Balboa. Nó rộng 280 m2, được vợ chồng anh chị Miguel Angel Corullón Caurel và Patricia Prieto Mauriz tu sửa vào năm 1994. “Tôi dám tự tin, đây là cơ sở kinh doanh đẹp nhất vùng”, anh Caurel khoe.
Trong khi các thành phố ở Tây Ban Nha đều nhà bê tông san sát thì Ancares vẫn lều tranh, vách đá. Xung quanh các làng mạc nơi đây là thế giới tự nhiên hoang dã, không khí trong sạch, tầm nhìn thoáng đãng.
“Dẫu là pallaza tân trang hay cổ xưa thì vẫn nguyên vẹn không khí cổ tích, đem lại cho chúng ta cảm giác như vừa bước vào thế giới thần tiên. Mỗi lần thấy có khách trẻ con trầm trồ trước kiến trúc pallaza hài hòa, thân thiện với tự nhiên của mình, tôi lại trào dâng niềm kiêu hãnh”, anh Caurel hạnh phúc chia sẻ.
Theo BBC
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-leu-tranh-vach-da-xinh-nhu-nha-co-tich-post626569.html