Những 'liều thuốc quý' thiết thực giúp doanh nghiệp vượt khó

Những hành động hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được xem như 'liều thuốc quý' là điều mà bất kỳ doanh nghiệp (DN) Việt nào cũng cần để vượt khó ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đặc biệt là các hội DN, đầu mối kết nối, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cần tìm hiểu các khó khăn thực tế mà DN gặp phải để có được các giải pháp hỗ trợ một cách hiệu quả.

Ngay sau chuyến công tác và tham dự hội chợ quốc tế về công nghệ thực phẩm và đồ uống Sial Shanghai 2024 (vừa diễn ra ở Trung Quốc), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, đã nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề mà các DN Việt rất quan tâm khi tham gia xúc tiến hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thực phẩm.

Đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ

Để hỗ trợ các DN đẩy mạnh đưa hàng sang thị trường Trung Quốc, trong trung tuần tháng 6/2024, phía hội DN này sẽ tập hợp các DN nhằm trao đổi về vấn đề bảo vệ thương hiệu sản phẩm và các vấn đề pháp lý khi tham gia vào thị trường Trung Quốc.

Đẩy mạnh kết nối giao thương là hành động hỗ trợ thiết giúp DN Việt khơi thông đầu ra.

Việc hỗ trợ kịp thời như vậy có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức đối với các DN Việt. Nhất là việc bảo vệ thương hiệu và nắm vững các vấn đề pháp lý không chỉ giúp DN tránh được các rủi ro tiềm ẩn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong thị trường quốc tế.

Hoặc khi nhìn lại những ngày kết nối giao thương với 300 kênh phân phối, nhà nhập khẩu, tập đoàn công nghiệp uy tín từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khuôn khổ sự kiện “VietNam International Sourcing Expo 2024” tổ chức tại Tp.HCM trong thượng tuần tháng 6/2024 sẽ thấy có nhiều điều mà các DN Việt “thu hoạch” được. Đặc biệt là nhiều thỏa thuận, giao dịch thương mại được ký kết thành công, đơn đặt hàng mới được mở ra, có thêm đối tác mới tiềm năng, có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở hoặc là rút ra những bài học để họ hoàn thiện tốt hơn khi xuất khẩu.

Có thể nói việc tổ chức đoàn DN ra nước ngoài tham gia hội chợ quốc tế hay kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế như kể trên là rất thiết thực cho các DN Việt vượt qua khó khăn trong lúc này. Trong đó phải kể đến vai trò hỗ trợ của hội DN, các đầu mối về kết nối giao thương, chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý có liên quan đến xúc tiến thương mại.

Nói về việc hỗ trợ DN dưới góc độ quản lý tại một thành phố là “đầu tàu” kinh tế của cả nước như Tp.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết thời gian qua Thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Điều này nhằm giúp DN sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Nhờ đó, theo ông Dũng, xuất nhập khẩu của Tp.HCM đã tiếp tục phục hồi và tăng trưởng sau khi thích ứng với những biến động lớn của thị trường thế giới. Đơn cử như riêng 4 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết kim ngạch XK theo mặt hàng và thị trường đều tăng so với cùng kỳ, là điểm sáng và mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng cho thời gian tới.

“Để góp phần phát triển kinh tế một cách bền vững, chúng tôi cần phải tăng cường hỗ trợ cộng đồng DN phát triển lớn mạnh bằng cách tạo điều kiện để họ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và có tính cạnh tranh. Đồng thời cũng cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp DN quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế”, ông Dũng nói.

Còn theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, với những kết quả nổi bật về XK trong thời gian qua không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường XK. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp.

Gỡ khó bằng hành động cụ thể

Ở góc độ của một hội DN, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, cho biết thời gian tới hội sẽ tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước. Qua đó nhằm cố gắng tạo điều kiện để kết nối cho được các công ty xuất nhập khẩu với các khách hàng quốc tế.

“Tất nhiên để bên bán và bên mua gặp nhau rồi trở thành đối tác của nhau cũng phải có cái duyên. Chẳng hạn khi DN tiếp xúc được năm đối tác mà trong đó có một đối tác thỏa thuận ký hợp đồng cũng đã là thành công. Như vậy còn hơn là ngồi ở nhà sẽ không gặp được bất kỳ đối tác nào”, ông Hồng nói.

Trong việc hỗ trợ DN vượt khó, đứng ở góc nhìn của một DN chuyên về tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, trao đổi với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Tổng giám đốc Công ty Bizco, nhấn mạnh sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhiều DN nội địa đối mặt với vô vàn khó khăn về đầu ra sản phẩm, và điều mong mỏi của họ là được hỗ trợ kết nối với các đối tác để có được đơn hàng mới, khơi thông đầu ra, giảm thiểu áp lực hàng tồn kho. Họ cũng cần được hỗ trợ liên kết với các quỹ hỗ trợ tài chính để có được các khoản vay ưu đãi nhằm tái cấu trúc DN và phát triển thị trường.

Ngoài ra, theo bà Hiền, để thoát đáy khó khăn thì điều quan trọng là cần giúp cho các DN Việt nâng cao kỹ năng quản trị khủng hoảng chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới hậu đại dịch. Họ cũng cần được hỗ trợ để quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và XK sao cho ngày càng đổi mới và sáng tạo hơn.

“Để cụ thể hóa việc hỗ trợ cho DN, mới đây chúng tôi đã quyết định lập ra một câu lạc bộ doanh nhân và nghệ thuật nhằm đưa ra những sáng kiến, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cùng những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các DN vượt qua khủng hoảng. Nhất là giúp các DN sử dụng nghệ thuật đổi mới sáng tạo để gia tăng mở rộng đối tác, từ đó phục hồi kinh doanh”, bà Hiền chia sẻ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhung-lieu-thuoc-quy-thiet-thuc-giup-doanh-nghiep-vuot-kho-1100287.html