Những lỗ hổng bảo mật thẻ tín dụng thường gặp mà chị em không hay để ý
Bảo mật thẻ tín dụng là một trong những việc làm vô cùng quan trọng, giúp khách hàng hạn chế được tối đa các rủi ro liên quan đến tài sản và quyền lợi của cá nhân mình khi sử dụng phương tiện thanh toán bằng thẻ.
Lý do cần bảo mật thông tin thẻ tín dụng
Thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm hàng hóa hoặc giao dịch trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng, nhưng đây cũng là đích ngắm của những kẻ gian, khiến nhiều người tiêu dùng mất tiền oan.
Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ ngày càng gia tăng, đã có không ít các vụ việc liên quan đến đánh cắp thông tin trên thẻ, giả mạo người dùng đi mua sắm chiếm đoạt số tài sản lên tới hàng tỷ đồng khiến khách hàng lo ngại trong việc sử dụng thẻ tín dụng.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ 3 lỗ hổng bảo mật mà hầu như khách hàng nào cũng mắc phải. Để đảm bảo an toàn tài khoản, người dùng cần hiểu rõ các vấn đề liên quan đến việc bảo mật thông tin thẻ tín dụng.
3 lỗi bảo mật thẻ tín dụng thường gặp
1. Để lộ số CVV/CVC2
Số CVV/CVC2 là mã số bảo mật của thẻ tín dụng dùng trong thanh toán quốc tế, để xác minh quyền sở hữu thẻ của người dùng. Mã CVV/CVC gồm 3 chữ số được in ngay ngắn ở phần dưới dải băng đen do ngân hàng phát hành thẻ cấp và quản lý giao dịch mỗi khi người dùng thanh toán hoặc chi tiêu trên thẻ.
Các chuyên gia tài chính khuyến cáo để phòng chống nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng khi dùng thẻ tín dụng, khách hàng nên ghi nhớ mã CVV/CVC và xóa mã này đi.
Nếu bạn tự dưng nhận được một email yêu cầu click vào một liên kết hoặc một file đính kèm để thiết lập lại thông tin tài khoản như số tài khoản hoặc mã bảo mật CVV/CVC của bạn thì tuyệt đối không nên cung cấp thông tin. Đây là một dạng lừa đảo trực tuyến rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần phải lưu ý chỉ dùng thẻ tín dụng tại những trang web có bảo mật an toàn hoặc quẹt thẻ tại những máy POS của cửa hàng lớn và đảm bảo mình luôn có mặt trong lúc giao thẻ cho nhân viên thanh toán.
Để an toàn khách hàng nên lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng quốc tế của các ngân hàng có trang bị bảo mật bằng OTP hoặc các phần mềm tiên tiến khác khi thanh toán online.
2. Mua sắm tại các trang web giả mạo, thiếu uy tín
Cách đơn giản và phổ biến nhất mà tin tặc thường dùng để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng là dựng lên các trang web mạo danh những trang thương mại điện tử nổi tiếng.
Một số trang web mua sắm trực tuyến phổ biến như Amazon, hay Tiki hoặc Lazada ở Việt Nam sẽ là mục tiêu hấp dẫn để kẻ xấu nhằm đến, tạo trang web mạo danh nhằm đánh lừa người mua hàng.
Vì thế, trước khi bắt đầu mua hàng hoặc nhập thông tin thẻ tín dụng để thanh toán ở bất kỳ trang web nào, hãy đảm bảo rằng đó là trang web chính thức và đáng tin cậy.
Một chiêu mà tin tặc rất hay sử dụng để lừa người mua hàng truy cập vào trang web mạo danh là đặt tên miền giống trang web “chính chủ” và chỉ khác 1-2 chữ cái.
3. Bất cẩn khi thanh toán trên hệ thống POS
Nếu đã từng sử dụng thẻ tín dụng các bạn sẽ biết được rằng cách thanh toán bằng thẻ rất dễ dàng. Khi thanh toán tại các cửa hàng bằng máy POS bạn chỉ cần quẹt thẻ và ký tên vào hóa đơn là xong. Có nhiều chủ thẻ tinh ý, ký tên sẵn vào mặt sau của thẻ để nhân viên dễ so sánh.
Tuy nhiên, thực chất đa số nhân viên thanh toán đều bỏ qua bước so sánh này. Một phần cũng là vì sự chủ quan, một phần vì không hiểu rõ quy tắc bảo mật trên thẻ. Điều này đã vô tình tạo ra một lỗ hổng bảo mật lớn.
Rất nhiều khách hàng bị mất thẻ tín dụng và nhận được tin nhắn từ ngân hàng trừ tiền thanh toán hóa đơn mua sắm tại một cửa hàng nào đó.
Khi đến cửa hàng và yêu cầu nhân viên cho xem biên lai giao dịch thì chữ ký là hoàn toàn khác nhau. Tiền trong thẻ đã bị mất mà cách xử lý thì chưa được quy định chặt chẽ nên rất khó để giải quyết.
Không chỉ thanh toán dễ dàng trên máy POS, mà thẻ tín dụng còn thanh toán trực tuyến vô cùng nhanh chóng. Khách hàng chỉ cần nhập số thẻ, ngày hết hạn và mã CVV/CVC (có những cửa hàng còn không cần đến nhập mã này) là đã được thanh toán.
Sự "tiện lợi 2 lưỡi" này tạo cơ hội cho những tên trộm thông tin thẻ tín dụng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Vì vậy khi thanh toán các bạn nên xóa bỏ mã CVV/CVC đồng thời sử dụng mã OTP để xác nhận giao dịch để đảm bảo an toàn.
Để không trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua thẻ tinh vi, khách hàng phải tuyệt đối lưu ý những lỗ hổng bảo mật thẻ tín dụng ở trên để có phương án khắc phục kịp thời.
Cách bảo mật thông tin thẻ tín dụng
Việc lộ thông tin bảo mật thẻ tín dụng không chỉ xuất phát từ lòng tham của các tin tặc mà một phần nguyên nhân cũng do người dùng không cẩn trọng trong việc bảo mật. Sau đây là những điều cần lưu ý để bảo mật thông tin thẻ một cách an toàn:
- Người dùng cần dán nhãn che 3 số bí mật sau thẻ (mã số CVV/CVC) hoặc ghi nhớ rồi xóa đi.
- Khi sử dụng thẻ tín dụng luôn đảm bảo rằng thẻ của mình được bảo mật trước sự quan sát của người khác, không cho bất kì ai mượn thẻ tín dụng cá nhân để thanh toán.
- Khi sử dụng thẻ tại các địa điểm chấp nhận thanh toán, chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên quẹt thẻ quẹt tại quầy, không nên đưa thẻ cho nhân viên để nhân viên chạy đến địa điểm khác quẹt thẻ.
- Chỉ vào website bằng cách gõ trực tiếp vào trình duyệt, không bấm vào những đường link lạ. Không sử dụng các phần mềm lậu do dễ bị cài malware đánh cắp thông tin tài khoản của bạn.
- Sau khi đăng nhập vào các tài khoản ngân hàng, cần thoát ngay và tránh đánh dấu vào tiện ích lưu mật khẩu trên trang.
Hy vọng với những thông tin trên bạn biết chú ý hơn tới 3 lỗ hổng bảo mật thẻ tín dụng và biết cách phòng ngừa việc bị lộ thông tin, bảo vệ tài khoản tín dụng của mình tránh khỏi những rắc rối không đáng có. Nếu bạn nghi ngờ thông tin thẻ tín dụng của mình bị lộ thì nên liên hệ ngay với ngân hàng phát hành thẻ để được hỗ trợ kịp thời.
(Theo Pháp Luật và Bạn Đọc)