Những lo ngại sau khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan
Khủng hoảng nhân đạo, người tị nạn, tụt hậu về giáo dục, lan truyền tư tưởng cực đoan… là những vấn đề 'nóng' đang gây ra nhiều lo ngại kể từ sau khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.
Dòng người tị nạn từ Afghanistan đổ về các nước láng giềng hiện đang là một mối đe dọa ngày càng lớn, vì hầu hết trong số họ sẽ cố gắng tìm đường đến châu Âu, nhưng cùng lúc sẽ chắc chắn gây ra những rắc rối lớn cho các quốc gia nơi họ có thể đến mà không được mời. Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), cho tới cuối năm nay sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan di tản khỏi nước này. Nhiều người được cho là sẽ tới Pakistan hoặc Tajikistan. Hiện, Tajikistan cam kết tiếp nhận 100.000 người tị nạn, trong khi Anh cũng tuyên bố nhận khoảng 20.000 người tị nạn.
Các tay súng Taliban tại Afghanistan.
Phát biểu hôm 11/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất có thể. Ông cho rằng, các quốc gia liên quan đến tình hình hiện nay ở Afghanistan, đặc biệt là các nước đã làm bùng phát cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Tây Nam Á, cần triển khai những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp dành cho vấn đề người tị nạn. Ông nêu rõ những phản ánh về vấn đề nhân đạo liên quan đến những gì đã xảy ra là hết sức nghiêm trọng và cần phải giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước đó, UNHCR đã kêu gọi việc cấm đưa người Afghanistan trở lại các tình huống nguy hiểm và nhắc nhở các nhà nước về “trách nhiệm pháp lý và đạo đức” trong việc cho phép đến lãnh thổ các nước những người đã phải chạy trốn khỏi Afghanistan để tìm kiếm sự an toàn và không trục xuất người tị nạn, cho đến khi nào “tình hình an ninh, Nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng nhân quyền được cải thiện” đủ để người dân Afghanistan hồi hương an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cảnh báo, Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập niên trong việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, khi viễn cảnh bạo lực xuất hiện với sự trở lại của chính quyền Taliban.
Báo cáo cho biết số lượng người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa trong nước được dự báo sẽ tăng lên, kéo theo sự gia tăng nguy cơ thất học ở trẻ em, biến điều này thành “thảm họa mang tính thế hệ” và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước trong nhiều năm tới.
Theo báo cáo, kể từ năm 2001, khi lực lượng Mỹ lật đổ chế độ Taliban cầm quyền ở Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9, số lượng trẻ em gái học tiểu học ở nước này đã tăng từ “gần như không” lên 2,5 triệu vào năm 2018. Tỷ lệ biết đọc, biết viết của nữ giới tăng 30% và hiện có 4/10 học sinh ở các lớp tiểu học là trẻ em gái. Nhìn chung, khoảng 10 triệu trẻ em và thanh thiếu niên Afghanistan đang đi học, tăng so với gần 1 triệu vào năm 2001.
Tuy nhiên, chính quyền mới của Taliban đã ra lệnh phụ nữ theo học các trường đại học tư thục, vốn đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây sẽ không được học cùng nam giới. Học sinh nữ cũng phải dùng áo choàng dài abaya và mạng che mặt niqab. Các quy tắc cứng rắn hơn cũng sẽ được áp dụng trong các cơ sở giáo dục công lập. Đây là một vấn đề lớn ở một quốc gia vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nữ.
Báo cáo của UNESCO cho rằng, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào cơ hội tham gia của phụ nữ Afghanistan vào giáo dục đại học và giáo dục của trẻ em gái, tác động tiêu cực đến cuộc sống, công việc và quyền công dân của họ. Việc rút viện trợ quốc tế cũng gây ra một mối đe dọa khác, vì một nửa số đó là đầu tư cho giáo dục của Afghanistan. Và ngay cả với những khoản tiền đó, lương giáo viên cũng thường xuyên bị trả muộn, khiến nhiều người chán nản, không muốn theo nghề.
Cũng theo báo cáo, trước khi Taliban trở lại nắm quyền, những thách thức về giáo dục ở Afghanistan đã rất lớn, “một nửa số trẻ em ở độ tuổi tiểu học không có cơ hội đến trường, trong khi 93% trẻ em ở độ tuổi cuối tiểu học không đọc thông, viết thạo”.
Nhân dịp này, tổ chức của LHQ kêu gọi những nỗ lực nhằm “xóa bỏ rào cản” trong việc đưa trẻ em gái đến trường học, bằng cách thuê thêm giáo viên nữ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Theo Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, việc duy trì những thành quả đạt được trong giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em gái và phụ nữ, là “cực kỳ cần thiết” ở quốc gia Tây Nam Á này.
Việc Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và tuyên bố sớm thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo” cũng đã làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ tái hiện tư tưởng cực đoan và khủng bố tại Trung Đông, trong đó Israel là một trong những quốc gia lo ngại nhất.
Giáo sư Uzi Rabi, Giám đốc Trung tâm Moshe Dayan nghiên cứu Trung Đông, châu Phi thuộc trường Đại học Tel Aviv, bày tỏ lo ngại Taliban sẽ truyền cảm hứng cực đoan cho các tổ chức khủng bố trong khu vực như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al Qaeda và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza. Trên thực tế, Taliban đã 2 lần giành quyền kiểm soát Afghanistan, lần đầu tiên là giai đoạn 1996-2001 và lần thứ 2 là từ tháng 8/2021. Đây là tín hiệu xấu đối với cả thế giới, đặc biệt là người dân Afghanistan và những người mong muốn khu vực Trung Đông-Trung Á trở nên hòa bình hơn khi các quốc gia tích cực đối thoại với nhau. Khi Mỹ rút đi, người dân Afghanistan đang hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn thì Taliban xuất hiện và kéo lịch sử của quốc gia Trung Nam Á vào giai đoạn tồi tệ mới.
Theo Giáo sư Uzi Rabi, dự báo đây sẽ là chương đen tối mới trong lịch sử Afghanistan khi Taliban chủ trương lãnh đạo đất nước bằng tôn giáo và cố gắng thiết lập một mô hình tôn giáo chính trị tại Afghanistan. Điều này không có lợi cho người dân Afghanistan bởi Taliban không biết cách điều hành nhà nước và xã hội, chỉ hô hào những câu khẩu hiệu cũ và cuối cùng sẽ đưa tất cả tới thảm họa. Chiến thắng của Taliban trước quân chính phủ Afghanistan được nhìn nhận dưới góc độ đây là những kẻ cực đoan đang đánh bại nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là các tổ chức như IS, Al Qaeda, Hamas và các nhóm vũ trang khác sẽ khiến dư luận có cảm giác tiêu cực hơn. Việc lan truyền ý thức hệ của các nhóm cực đoan này cũng sẽ gây hại cho khu vực Trung Đông.