Những loại quả mùa hè có nguy cơ bị ngâm hóa chất nhiều nhất

Một số loại quả mùa hè có nguy cơ cao bị ngâm hóa chất, người tiêu dùng cần cảnh giác khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường về màu sắc và mùi vị.

Trái cây là thực phẩm quán trọng giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Vào mùa hè, việc sử dụng trái cây trong chế độ ăn càng cần thiết để giúp tăng sức đề kháng của cơ thể. Mùa hè cũng là lúc thị trường có rất nhiều loại trái cây thơm ngon, hấp dẫn.

Tuy nhiên, mặt hàng này có thể thiếu an toàn khi được ngâm hóa chất để kéo dài thời gian bảo quản, để thúc chín hoặc giúp trái cây có vẻ ngoài bắt mắt, hấp dẫn hơn.

Các loại quả mùa hè có nguy cơ cao bị ngâm hóa chất

Dưới đây là một số loại quả mùa hè dễ bị ngâm hóa chất mà bạn cần lưu ý khi chọn mua:

Quả đào

Loại đào quả to thường được gọi là đào tiên bởi màu sắc bóng đẹp, nhìn rất bắt mắt. Tuy nhiên, đào rất dễ dập nát và mất nước trong quá trình vận chuyển. Vì thế, người bán thường ngâm loại quả này với axit citric công nghiệp để giữ được màu sắc hấp dẫn và độ cứng, giòn.

Đào là một trong những loại quả mùa hè có nguy cơ bị ngâm hóa chất nhiều nhất. (Ảnh: Pinterest)

Đào là một trong những loại quả mùa hè có nguy cơ bị ngâm hóa chất nhiều nhất. (Ảnh: Pinterest)

Một số người có thể bị dị ứng khi ăn đào ngâm hóa chất, gây ra các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn đỏ, hoặc khó thở. Loại hóa chất trên có thể gây hại cho hệ thần kinh nếu tích tụ nhiều trong cơ thể.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua đào, chọn những quả có màu sắc tự nhiên, không quá bóng bẩy và nên mua từ những nguồn tin cậy để tránh nguy cơ tiêu thụ trái cây ngâm hóa chất.

Sầu riêng

Đây là một trong những loại quả mùa hè có nguy cơ bị ngâm hóa chất nhiều nhất. Sầu riêng được xem là “vua trái cây” bởi hương vị thơm ngon đặc biệt và giá trị dinh dưỡng của nó, tuy nhiên giá lại cao nên để có lãi, các thương lái thường mua cả vườn (mua mão). Đến kỳ thu hái, họ thuê người bẻ hết một lượt từ trái già đến trái non rồi dấm thuốc cho chín hàng loạt. Họ nhúng trái sầu riêng vào thùng hóa chất ép chín đã pha sẵn rồi đưa ra thị trường. Sầu riêng được nhúng hóa chất sẽ chín đồng loạt và rất bắt mắt.

Sầu riêng chín do hóa chất thường có múi rất khó tách rời, không giống sầu riêng chín tự nhiên. Cơm sầu riêng ép chín thường bị sượng, không có hương vị nổi bật và độ mềm dẻo như sầu riêng chín cây.

Sầu riêng ép chín bằng hóa chất chứa các chất độc hại, tích lũy trong cơ thể và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các vấn đề về hệ tiêu hóa.

Thuốc ngâm sầu riêng có màu vàng mù tạt, do đó nhiều người ưu tiên chọn mua những quả sầu riêng có màu xanh rêu hơi vàng.

Quả mít

Mít là loại quả được ưa chuộng vào mùa hè, tuy nhiên thời gian thu hoạch khá dài. Vì vậy để có lãi, nhiều người bán dùng hóa chất để giúp mít chín nhanh hơn, múi đẹp và ngon hơn. Hóa chất càng mạnh thì thời gian thúc mít chín càng ngắn, thường chưa đầy 12 giờ sau khi tiêm thuốc là mít đã chín.

Mít ngâm hóa chất ép chín thường bị đổi vị, gây hại sức khỏe người dùng. (Ảnh: Istock)

Mít ngâm hóa chất ép chín thường bị đổi vị, gây hại sức khỏe người dùng. (Ảnh: Istock)

Mít chín tự nhiên sẽ có mùi thơm đặc trưng, ngửi được từ xa mà không cần phải bổ quả mít ra. Múi mít có vị ngọt thanh, bùi, giòn nhưng không cứng. Còn mít ngâm hóa chất có màu vàng óng nhưng múi mít cứng và sượng, cắn vào có vị lờ lợ.

Quả xoài

Xoài cũng là loại quả khó giữ được chất lượng trong quá trình thu hái và vận chuyển, vì vậy người ta thường thu hoạch xoài xanh rồi dùng hóa chất kích chín để xoài trông ngon hơn và không bị giập nát.

Khi mua xoài, bà nội trợ nên tránh những quả có vỏ ngoài còn xanh nhưng bên trong chín vàng, vì chúng có thể đã được dùng hóa chất. Xoài ép chín thường có vị nhạt nhẽo, không ngon ngọt như xoài chín tự nhiên.

Quả nhãn

Để bảo quản nhãn được lâu hơn, người bán thường phun lưu huỳnh lên quả để giữ cho đầu quả không bị hỏng và vỏ quả bóng đẹp. Điều này cũng làm cho thịt nhãn giòn và cứng hơn.

Quả lê

Trong một số mẫu lê, người ta đã phát hiện hóa chất Endosulfan, một loại thuốc trừ sâu có độc tính cao. Endosulfan tích tụ trong cơ thể có thể gây vô sinh và phá vỡ hệ nội tiết. Ngoài ra, lê nhập khẩu từ nguồn không đảm bảo còn chứa nhiều hóa chất độc hại khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Lê và táo là những loại quả thường bị ngâm hóa chất để bảo quản được lâu dài (Ảnh: Fruitnet)

Lê và táo là những loại quả thường bị ngâm hóa chất để bảo quản được lâu dài (Ảnh: Fruitnet)

Những quả lê này thường có vỏ nhẵn mịn, da căng sáng bóng và hình thức bắt mắt nhưng ruột bị thâm đen, lỗ chỗ như kim châm, và có vị nhạt, không thanh chua, dịu mát như lê Việt Nam. Lê độc hại thường có mùi vị lạ hoặc hôi, không có hương vị đặc trưng.

Quả táo

Một số người trồng táo bọc những trái táo non bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng. Khi chín, táo sẽ trở nên láng mượt, căng hồng và không bị nấm mốc, do đó bán được giá. Những đốm trắng bên trong thành túi chính là bột thuốc.

Quả dưa hấu

Người trồng dưa hấu thường phun rất nhiều thuốc trừ sâu. Nếu những quả dưa chưa đến ngày thu hoạch đã bị hái, ruột bên trong thường có màu trắng nhợt, mùi lạ, phần giữa hay bị ủng, và lớp sọc xanh bên ngoài thường không đều, mờ nhạt.

Quả nho

Nho được xem là một trong những loại quả dễ bị ảnh hưởng bởi hóa chất nhất do vỏ mỏng và dễ bị thối. Do đó, việc sử dụng các loại hóa chất có thể làm cho quả nho trở nên "cứng cáp" hơn theo thời gian. Có khi người ta phát hiện tới 15 loại hóa chất trong một mẫu nho.

Quả hồng xiêm

Hồng xiêm cũng là một trong những loại quả mùa hè có nguy cơ bị ngâm hóa chất nhiều nhất. Để làm cho quả hồng xiêm trở nên hấp dẫn hơn, người bán thường ngâm chúng trong dung dịch bột sắt pha loãng với nước. Những trái hồng xiêm bị ngâm trong dung dịch bột sắt thường có màu vàng thẫm, trong khi hồng xiêm tự nhiên có màu xanh.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-loai-qua-mua-he-co-nguy-co-bi-ngam-hoa-chat-nhieu-nhat-ar873615.html