Những loại thuốc nhà nào cũng nên có trong nhà ngày Tết, đặc biệt là những gia đình có người già và trẻ nhỏ
Việc tích trữ một số loại thuốc thông thường như: thuốc hạ sốt, cảm cúm, trong những ngày Tết là rất cần thiết, đặc biệt là các gia đình có người già và trẻ nhỏ.
Trong những ngày Tết, hầu hết các cửa hàng, hiệu thuốc ở khu vực dân cư đóng cửa. Và thật khó khăn để tìm thuốc nếu không may nhà có người mắc những chứng bệnh thông thường như sốt, ho, chảy mũi, tiêu chảy, hoặc cần sơ cứu, cầm máu…
Vì vậy, ngoài việc mua đầy đủ thuốc bệnh theo đơn bác sĩ, mỗi gia đình cũng cần chuẩn bị những loại thuốc thông thường dưới đây để phòng khi phải dùng đến:
Thuốc hạ sốt, cảm cúm
Loại thuốc hạ sốt nên sử dụng là acetaminophen (thuốc paracetamol). Thuốc này có nhiều dạng: uống, đặt hậu môn, gói bột pha nước...Gia đình có trẻ em nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn, chủ động dùng thuốc khi người nhà sốt trên 38 độ C.
Liều dùng cho cả người lớn và trẻ em tính theo công thức 10-15mg cho một kg cân nặng, nhân với cân nặng. Ví dụ một người 50kg thì uống được 1 viên 500mg, người 75kg có thể uống 2 viên 500mg.
Thuốc uống cách nhau 4-6 tiếng/lần, một ngày tối đa 5 lần, không dùng quá 4 ngày. Thuốc Ibuprofen, Aspirin có thể sử dụng nhưng cần lưu ý hạn chế dùng trên người có bệnh nền tim mạch, suy thận mạn, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
Thuốc tiêu hóa
Việc cùng lúc ăn nhiều thức ăn nhiều đạm, nước ngọt, rượu bia, bánh kẹo... sẽ dễ gây rồi loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy, các gia đình nên dự trữ thuốc tiêu hóa đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
Những loại thuốc phổ biến gồm berberin (chống tiêu chảy, lỵ), men tiêu hóa, điện giải ORS (Oral Rehydration Saltisorezol, Oresol), thuốc trị táo bón, thuốc trị khó tiêu, đầy bụng...
Nếu bị tiêu chảy, đi ngoài chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng mất nước. Do vậy bù lượng nước đã mất bằng orezon là việc nên làm. Mỗi gia đình cần luôn có trong tủ thuốc 10-15 gói oresol.
Thuốc nhỏ mũi và mắt
Ngày Tết đi lại nhiều trong điều kiện thời tiết lạnh, gió rét, bụi bặm dễ gây khó chịu cho mắt và mũi. Bạn cần dự trữ sẵn Natri clorid 0,9% chỉ định dùng nhỏ mắt trong các trường hợp khô mắt hoặc cảm giác khó chịu, dùng để rửa mắt do bụi, rửa trôi các dị vật nhỏ bám vào mắt, làm giảm các triệu chứng nghẹt, sổ mũi.
Thuốc dị ứng
Tết là thời gian các gia đình thường có những chuyến đi xa hoặc về quê và thưởng thức nhiều món ăn khác nhau. Nguy cơ dị ứng với đồ ăn lạ hoặc do thời tiết, thay đổi môi trường sống... cũng từ đó mà gia tăng.
Hãy mua sẵn các thuốc có dạng bôi chống ngứa như Crotamiton&I - menthol và kháng viêm như Prednisolone Valerate Acetale, Chlopheniramin, Polaramin trong trường hợp bị dị ứng do ăn phải thức ăn lạ hoặc bị dị ứng do côn trùng cắn.
Cần làm gì để không bị ốm trong những ngày Tết?
- Những người bệnh đang dùng thuốc, nhất là bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh đái tháo đường, hen suyễn... ngoài việc có thuốc dùng đủ thì bạn cũng nên tự nhắc nhở mình là đang mang bệnh cho nên cần ăn, uống kiêng khem đúng mực (không lạm dụng và cũng không nên kiêng khem quá mức).
- Duy trì ăn điều độ, đúng bữa, không nên uống quá nhiều rượu, bia, cà phê hoặc hút nhiều thuốc lá, bởi vì ngày Tết người thân trong gia đình hoặc bạn bè, do tế nhị nên rất khó nhắc nhở.
- Khi đi mua thuốc, bạn nên nhờ tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ hướng dẫn cách sử dụng. Nên để thuốc và bảng hướng dẫn sử dụng thuốc trong bao bì và có dán nhãn ngoài ghi rõ tên thuốc.