Những lớp học nghề đặc biệt ở Yên Bái
Những lớp học nghề du lịch không chỉ mang lại sinh kế mà sau khi học, nhiều người đã chủ động chuyển đổi từ một nông dân thành một người làm dịch vụ du lịch; mở ra hướng phát triển mới cho người dân nông thôn, mang lại thu nhập ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Anh Hờ A Dì ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải tham gia lớp học nghề du lịch cộng đồng do Trường Cao đẳng Yên Bái phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức năm 2021. Sau lớp học, anh trở về mang theo ý tưởng mở homestay tại gia đình. Anh Dì chia sẻ: "Lúc bắt đầu đi học em chưa có ý định làm homestay. Khi đi học được thầy cô giảng rất dễ hiểu và em thấy phù hợp với gia đình nên sau khi học xong em quyết tâm làm”.
Không có nhiều vốn để làm liền lúc, anh Dì làm dần và tự làm nhiều khâu. Vừa làm Dì lại vừa xin tư vấn của cô giáo. Các thầy cô nhiệt tình chỉ bảo, tư vấn. Đến tháng 6 vừa qua, homestay của Dì chính thức đón khách với tên gọi SEE Bungalow.
Dì chia sẻ thêm: "Đến nay, nhà em đã đón được 4 đoàn khách. Hy vọng trong mùa vàng tới đây, lượng khách biết đến homestay nhà em nhiều hơn. Với em, được tham gia lớp học nghề du lịch cộng đồng có ý nghĩa rất lớn, từ một nông dân thực thụ trở thành một người làm du lịch chuyên nghiệp, em rất biết ơn vì điều này!”.
Anh Dì chỉ là một trong số rất nhiều nông dân ở khắp các địa phương trong tỉnh sau khi được học nghề du lịch cộng đồng đã mở được homestay, chuyển hướng phát triển kinh tế gia đình từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch như gia đình chị Lò Thị Thiên, Homestay Tuân Ký ở xã Sơn A, gia đình anh chị Thắng Nguyệt ở Thanh Lương, Sáu Hoàng ở Phù Nham… Nhiều gia đình đã nhanh nhạy liên kết chuỗi với các công ty du lịch nên có lượng khách ổn định.
Cô giáo Vũ Thị Hà - giảng viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Yên Bái chia sẻ: "Những lớp đào tạo nghề triển khai theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì hay những lớp đào tạo nghề theo Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với người dân nông thôn. Những hộ làm du lịch được đào tạo tăng lên. Hầu hết những hộ đã và đang làm du lịch đều được đào tạo. Tác động rất lớn vào tư duy của bà con, biến nghề du lịch trở thành nghề chính, chứ không phải làm phụ nữa. Họ bắt đầu chú trọng đầu tư và coi đó là sinh kế chuyển đổi.
Minh chứng cho việc đó, người dân bắt đầu đi theo các tiêu chuẩn du lịch như bỏ chăn nuôi chuồng trại - tức là người ta đã đầu tư cho du lịch trở thành một sinh kế mới, sinh kế thứ 2, làm lâu dài và ổn định”.
Mỗi lớp học kéo dài 22 ngày hoặc 10 ngày.
Hàng năm, Trường Cao đẳng Yên Bái (trước là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái) đào tạo ngoài trường từ 5 - 10 lớp rải rác trong năm; mỗi lớp 30 chỉ tiêu theo Đề án lao động nông thôn và 50 học viên đối với lớp theo Nghị quyết 14, Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh.
Từ năm 2019 đến nay đã đào tạo được gần 1.200 lao động nông thôn với các nghề du lịch cộng đồng, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú nhà dân…
Đối với những hộ làm du lịch homestay thì các lớp học mang tới cho người dân những kỹ năng phục vụ; còn với những người bắt đầu làm thì lớp học mang tới cho họ cách làm bài bản đúng tiêu chuẩn. Nhiều hộ gia đình sau khi học xong về tổ chức làm dịch vụ du lịch tại gia đình cho hiệu quả cao như gia đình chị Loan Khang xã Nghĩa Lợi, Chinh Cương Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), A Su homestay ở Mù Cang Chải… đều được các giáo viên tư vấn hoàn toàn miễn phí. Cũng có nhiều học viên sau khi học xong thì làm cho nhà hàng khách sạn, hay làm cho những homestay trong vùng…, tạo ra sự chuyên nghiệp cho du lịch ở vùng cao Yên Bái.
Những lớp học nghề du lịch tại các địa phương ở Yên Bái cho hiệu quả cao, không chỉ trang bị nghề cho lao động nông thôn mà đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; không chỉ mang tới sinh kế mới mà dần hình thành sự chuyên nghiệp cho du lịch ở Yên Bái.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/299251/nhung-lop-hoc-nghe-dac-biet-o-yen-bai.aspx