Những luận điệu trơ trẽn sau vụ tấn công khủng bố ở Đắk Lắk (kỳ 2)

Sau vụ việc kích động, tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, với sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan, lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân trên địa bàn, tất cả cả các đối tượng có liên quan đã phải đứng trước vành móng ngựa. Lời thú tội của các đối tượng cộng với tinh thần đoàn kết, đồng lòng hỗ trợ các lực lượng trong truy bắt các đối tượng của quần chúng nhân dân trên địa bàn đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn và bản chất của các thế lực phản động. Đồng thời, khẳng định về sức mạnh vô song của tình gắn bó keo sơn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở Tây Nguyên.

Kỳ 2: Luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch và hành động của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Ngày 16/1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 100 bị cáo. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 45 bị cáo về tội “Khủng bố”, số bị cáo còn lại được xét xử liên quan đến các tội danh khác. Phần lớn tham gia phạm tội là những người dân do thiếu hiểu biết, bị các đối tượng phản động, lưu vong dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ khủng bố, phá hoại.

Phiên tòa xét xử các đối tượng khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Đăng Thuận

Phiên tòa xét xử các đối tượng khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Đăng Thuận

Nỗi đau mất chồng, mất cha của gia đình các nạn nhân chưa nguôi, nhưng họ vẫn mong pháp luật khoan hồng cho những người có liên quan đến vụ việc, mong các đối tượng nhận ra được cái sai của mình, cải tạo bản thân thật tốt để buôn làng có thể dang tay chào đón họ trở về làm lại cuộc đời và cùng nhau xây dựng quê hương. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, thời điểm cả nước đồng lòng hướng về Tây Nguyên thì lập tức một loạt bài viết lan truyền trên các trang mạng thể hiện sự hả hê của các thế lực thù địch như một làn sóng nhằm bóp méo sự thật. Giữa lúc đồng bào ta đang quặn đau trước những hy sinh và mất mát của cả người dân và các cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống thì các tổ chức phản động thông qua các phương tiện truyền thông, báo đài như BBC, VOA, RFA ra sức xuyên tạc, kích động thù hận, kỳ thị dân tộc rằng “người Thượng bị đàn áp”, “người Kinh chiếm đất người Thượng”...

Nhìn một cách toàn diện về bản chất của vụ việc thì đây là hoạt động khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân do các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan, số phản động FULRO lưu vong, thậm chí có cả đối tượng là thành viên của các tổ chức nước ngoài nhận lệnh chỉ đạo xâm nhập vào Việt Nam, huấn luyện cho các đối tượng trong nước lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và dàn dựng vụ tấn công hòng chia rẽ khối đại đoàn kết, sau đó đưa nguyên nhân của vụ việc sang hướng xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ các dân tộc ở Tây Nguyên, gây tâm lý hoang mang, bất an cho quần chúng nhân dân trên địa bàn. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn muốn thế giới có một cái nhìn sai lệch về tình hình trong nước, lấy cớ để kêu gọi can thiệp vào Việt Nam, đòi lên án, biểu tình dưới chiêu bài dân tộc, dân chủ.

Sau khi sự việc xảy ra và ngay sau phiên tòa xét xử các đối tượng có liên quan, một loạt trang, nhóm, kênh truyền thông phản động đăng bài xuyên tạc và bóp méo sự thật rằng: “Vụ xả súng tại Đắk Lắk vào tháng 6/2023 là phản kháng, chống lại áp bức”, “Một số nhóm Tin lành truyền giảng phúc âm tại gia ở Đắk Lắk bị đàn áp” của Đài Châu Á tự do RFA. Báo điện tử BBC tiếng Việt đăng bài “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi”, hay bài “Người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ” của Đài VOA.

Cùng với đó, chúng dẫn lời của một số đối tượng tự xưng là thành viên của tổ chức phản động “Người Thượng vì công lý”, là người dân tộc Mông hoặc những đối tượng không rõ lai lịch cụ thể nhằm miệt thị chính quyền, quy cho nguyên nhân vụ khủng bố là “họ đã bị đẩy đuổi đến bước đường cùng”; rằng vụ việc ở Đắk Lắk là “hành động phản kháng của người Tây Nguyên theo đạo Tin lành bị áp bức về đức tin”, là “mâu thuẫn sắc tộc” âm ỉ từ lâu, “Người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân, bởi thực dân không muốn chiếm đoạt và đồng hóa như thế”.

Chúng còn xuyên tạc: “Có quá nhiều người sắc tộc ở Tây Nguyên nói họ không được phép thực hành niềm tin tôn giáo họ chọn”... nhằm quy kết rằng, việc tấn công vào trụ sở Công an và UBND tại 2 xã vừa qua rất có thể là phản ứng của sự phẫn nộ, phản kháng khi người sắc tộc bị dồn vào đường cùng và rằng các đối tượng bị bắt giữ thì “đa số là người vô tội”; hay “chính quyền nghi ai, ghét ai thì họ đều bắt hết”, “những người thực hiện vụ xả súng ở Cư Kuin hành động rất công khai và không có dấu hiệu của hành động khủng bố...”. Nhìn chung, những chiêu bài trên của các thế lực thù địch đã được lặp đi, lặp lại nhiều lần nhằm chống phá cách mạng nước ta.

Một số vũ khí của nhóm khủng bố bị thu giữ. Ảnh: Đăng Thuận

Một số vũ khí của nhóm khủng bố bị thu giữ. Ảnh: Đăng Thuận

Lật lại vấn đề: “Nếu gặp cán bộ và Công an xã thì giết chết, cướp tài sản, súng đạn”(*) là sự chỉ đạo của những kẻ cầm đầu cho các đối tượng trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Dao, bom xăng, thậm chí là súng và lựu đạn là những hung khí mà các đối tượng đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước và trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi giết người. Đập phá, ném bom xăng vào các phòng trong trụ sở, rất nhiều loại giấy tờ lưu trữ quan trọng tại UBND xã bị đốt, những thi thể không còn nguyên vẹn của cán bộ, Công an xã và cả những người dân là hiện trường lạnh người chúng để lại đã nói lên sự vô nhân tính của nhóm khủng bố, đặc biệt là những đối tượng cầm đầu.

Theo lời khai của các đối tượng phạm tội, họ đã bị lôi kéo, dụ dỗ và hứa hẹn sẽ được cho tiền và tài sản sau khi thực hiện hành vi. Cùng với đó, chúng đã nhận tiền do các tổ chức ở nước ngoài chuyển về và vận động các đối tượng tham gia tổ chức “Lính Đê-ga” đóng góp tiền mua vũ khí để tấn công khủng bố. Thậm chí, chúng đã lên kế hoạch đột nhập 2 lần vào một doanh trại Quân đội để cướp vũ khí nhằm trang bị cho các đối tượng tự xưng là “Lính Đê-ga” tấn công vào trụ sở, cơ quan chính quyền nhưng lo sợ bị phát hiện nên đã rút lui...

Thái độ ăn năn, hối hận của các bị cáo là đối tượng cầm đầu về hành vi của mình tại phiên tòa xét xử công khai là Y Sôl Niê, H Wuễn Êban, Y Jũ Niê, Y Thô Ayun, Y Tim Niê, Y Chun Niê cùng tất cả các bị cáo, sự đồng tình với cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk công bố là đúng người, đúng tội. Một số đối tượng do thức pháp luật còn hạn chế đã bị Y Mút Mlô (cầm đầu nhóm hỗ trợ người Thượng ở Mỹ), Y Quynh Bdap (thuộc tổ chức Người Thượng vì công lý ở Thái Lan) lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa, ép buộc thành lập tổ chức khủng bố “Lính Đê-ga”, thực hiện các hoạt động tấn công, khủng bố tại 2 xã Ea Tiêu, Ea Ktur (huyện Cư Kuin) ngày 11/6/2023.

Điều đó đã vạch trần mưu đồ xuyên tạc để đổi trắng thay đen, lấp liếm cho cái cớ rằng “hành động phản kháng của người Tây Nguyên theo đạo Tin lành bị áp bức về đức tin”, “người Kinh áp bức người Thượng” hay các đối tượng bị bắt giữ “đa số là người vô tội”, “chính quyền nghi ai, ghét ai thì họ đều bắt hết” và là minh chứng rõ ràng nhất cho hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân của bè lũ phản động chứ không hề có sự chèn ép nào của chính quyền dẫn đến người dân tộc thiểu số phản kháng như những gì chúng đã bịa đặt.

Kỳ 3: Đồng bào các dân tộc, tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc

(*)Trao đổi của Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an ngày 14/6/2023 với báo chí về một số nội dung liên quan đến vụ việc phức tạp xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Đỗ Đăng Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-luan-dieu-tro-tren-sau-vu-tan-cong-khung-bo-o-dak-lak-ky-2-post477536.html