Những lương y ở vùng cao Yên Bái

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành y. Bác căn dặn: 'Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật, mà còn nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu'. Làm theo lời Bác dạy, nhiều thầy thuốc ở vùng cao Yên Bái đã không ngừng vượt khó học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, hết lòng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Y sỹ Nguyễn Thị Kim Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu khám bệnh cho người dân địa phương.

Y sỹ Nguyễn Thị Kim Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu khám bệnh cho người dân địa phương.

Thật gần gũi - đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp y sỹ Nguyễn Thị Kim Hương, Trạm Y tế xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu với gương mặt hiền hòa, ánh mắt thân thiện, nụ cười tươi tắn.

Sinh ra và lớn lên thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Yên Bái (nay là Trường Cao đẳng Yên Bái), chị Hương đã tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Công tác tại nhiều trạm y tế địa phương như Phình Hồ, Trạm Tấu, Bản Công, Hát Lừu.

"Những năm đầu khá vất vả, đường sá đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, người dân tộc thiểu số ít đi khám chữa bệnh, chủ yếu họ mời thầy về nhà cúng ma. Khi đó, hàng ngày, các thầy thuốc phải đi bộ vào từng bản để tuyên truyền, vận động và khám chữa bệnh tại nhà cho bà con, để họ dần hiểu về phương pháp dùng thuốc chữa bệnh. "Mưa dầm thấm lâu", càng ngày người dân càng đến trạm y tế khám chữa bệnh nhiều hơn” - Y sỹ Hương kể.

Gần 30 năm qua, trên nhiều cương vị công tác, y sĩ Hương luôn thực hiện với tâm niệm nghề thầy thuốc là nghề cao quý. Chị luôn coi người bệnh như chính người thân của mình, gần gũi, hỏi thăm và quan tâm chia sẻ. Đặc biệt, y sỹ Hương luôn nhớ lời dạy của Bác đối với các thầy thuốc: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Cũng chính vậy, y sỹ Hương đã không ngừng học hỏi, rèn luyện để thực hiện tốt nhất trọng trách của mình.

Vừa quản lý, vừa trực tiếp khám, chữa bệnh, đến nay chị không nhớ mình đã chăm sóc sức khỏe, tư vấn phương pháp điều trị bệnh cho bao nhiêu người, song đáp lại là tình cảm yêu thương của người dân địa phương dành cho. Bà Lò Thị Tỉnh, thôn Hát 2 chia sẻ: "Mình bị cao huyết áp gần chục năm nay, thường xuyên phải đến Trạm Y tế xã để kiểm tra sức khỏe. Cũng có khi hoa mắt chóng mặt quá, mình nhờ người gọi y sỹ Hương đến khám, chữa bệnh tại nhà và lúc nào chị Hương cũng nhiệt tình. Mình rất vui khi Trạm Y tế có những thầy thuốc như chị Hương”. Nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm, nhiều năm qua, Trạm Y tế xã Hát Lừu đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, y sỹ Hương đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp khen thưởng.

Bác sỹ chuyên khoa I Lò Văn Minh (người bên phải) triển khai kỹ thuật mới tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu.

Cùng là thầy thuốc nhiều năm gắn bó với người dân vùng cao, sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, bác sĩ Lò Văn Minh đã về công tác tại quê hương Trạm Tấu. Trong quá trình công tác, chàng bác sĩ trẻ luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Không kể ngoài giờ hay nửa đêm, lúc nào bệnh nhân cần, bác sỹ Minh đều có mặt để khám, cấp cứu kịp thời, nhất là trong các trường hợp bệnh nhân phải mổ cấp cứu. Chính lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề đã gắn kết bác sĩ Minh với người bệnh; nhiều ca bệnh khó, nguy cấp đã được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời mà không phải chuyển tuyến.

Với bản chất ham học hỏi, năm 2017, Minh tiếp tục học chuyên khoa 1 theo Đề án 585 của Bộ Y tế. Anh cũng luôn chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Trung tâm triển khai ứng dụng những kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị bệnh và xây dựng thành công 10 quy trình chuyên môn chữa bệnh thường gặp tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi.

Những thầy thuốc như bác sỹ chuyên khoa I Lò Văn Minh, y sỹ Nguyễn Thị Kim Hương chỉ là hai trong số hàng trăm y, bác sỹ của huyện vùng cao Trạm Tấu đang từng ngày, từng giờ nỗ lực nâng cao năng lực bản thân, gắn hoạt động chuyên môn với thực hiện tốt 12 điều y đức của Bộ Y tế, luôn thực hành lời dạy của Bác "Lương y như từ mẫu”. Họ cũng cống hiến sức lực và trí tuệ của mình mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người bệnh, là người thầy thuốc luôn được bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, quý trọng” - bác sĩ chuyên khoa I Đinh Thị Minh Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu cho biết.

Nói đến gương thầy thuốc học và làm theo Bác không thể không nhắc đến bác sỹ Giàng A Lu, bác sĩ của nhiều đề tài, sáng kiến trong chuyên môn. Bác sĩ Lu là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại xã Chế Tạo, xã xa nhất của huyện vùng cao Mù Cang Chải. Lớn lên trong nghèo khó, chứng kiến những hủ tục khi người dân ốm đau bệnh tật ở vùng khó khăn, anh Lu quyết tâm trở thành bác sỹ để khám chữa bệnh cho bà con, thay tục cúng ma khi ốm đau bằng phương thuốc hiện đại. Năm 2007, tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Nguyên, anh trở về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải.

Hàng ngày, bác sỹ Lu trực tiếp tiếp nhận người bệnh vào khoa điều trị, chẩn đoán và đưa ra y lệnh điều trị. Hàng tuần, qua duy trì hoạt động sinh hoạt hội đồng người bệnh, anh nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người bệnh để kịp thời báo cáo và giải quyết. "Hàng năm, Khoa tôi đã tiếp nhận điều trị nội trú hàng nghìn ca, phẫu thuật hàng trăm ca ngoại như: viêm ruột thừa cấp; viêm phúc mạc ruột thừa; kết hợp xương đòn; tháo dụng cụ kết hợp xương đòn, cẳng tay; thoát vị bẹn thường, thoát vị bẹn nghẹt; khối u và hàng chục ca sản khoa…Tôi không ngừng, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi học hỏi đồng chí, đồng nghiệp của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- bác sĩ Lu chia sẻ.

Từ năm 2020 đến nay, bác sỹ Lu đã có 3 đề tài nghiên cứu: "Thực trạng mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi ”; "Thực trạng nhiễm khuẩn vết mổ”; "Thực trạng trẻ sơ sinh mổ đẻ trẻ sơ sinh được thực hiện đầy đủ cắt rốn chậm, da kề da, bú sớm trong 1 giờ đầu sau khi sinh”; đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài của Sở Y tế tỉnh nghiệm thu đưa vào ứng dụng thực tế trong ngành.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền, bác sỹ Lu được UBND tỉnh, Sở Y tế, UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện tặng bằng khen, giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà anh nhận được, đó là sự tin yêu, quý trọng của người bệnh và các đồng nghiệp đã dành cho trong suốt thời gian qua. Anh cũng là một tấm gương sáng để đội ngũ y, bác sỹ, nhất là bác sĩ trẻ vùng cao học tập và noi theo.

Bác sỹ Giàng A Lu, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải phẫu thuật mổ ruột thừa cho người bệnh.

Bác sỹ Giàng A Lu, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải phẫu thuật mổ ruột thừa cho người bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Lâm Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, cho biết: "Đảng bộ Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, y, bác sĩ học tập các chuyên đề của Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng 5 nhiệm vụ cụ thể của cán bộ ngành y gắn với quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức ngành y tế do Bộ Y tế quy định. Đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, y bác sĩ học tập, ký cam kết thực hiện. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên và từng y, bác sỹ trong đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ làm việc của cán bộ, nhân viên”.

Thực hiện lời dạy của Bác để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã thực hiện Đề án "Nâng cao y đức” và Kế hoạch "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Qua đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục, tập huấn nội dung phong trào thi đua, nâng cao y đức, quy tắc ứng xử gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, viên chức trong ngành.

Những thầy thuốc, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa với sự tận tâm hết lòng vì người bệnh đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong toàn ngành, giảm số bệnh nhân vượt tuyến và chuyển tuyến với nhiều trường hợp bệnh nặng đã được cứu sống, củng cố lòng tin trong nhân dân. Việc thực hiện Chỉ thị 05 cũng đã tạo nên chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động các chi, đảng bộ trực thuộc và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn ngành. Đây cũng là nền tảng, động lực để ngành y tế Yên Bái tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/323277/nhung-luong-y-o-vung-cao-yen-bai-.aspx