Những lưu ý cần biết khi bị tai nạn lao động

Trước việc những vụ tai nạn lao động thương tâm dồn dập xảy ra, người lao động cần biết những quyền lợi được hưởng khi xảy ra sự cố không mong muốn này.

Nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm

Chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều công ty sản xuất liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động thương tâm, làm nhiều công nhân thương vong. Điển hình là trong vòng 3 ngày (23/5 - 25/5), hai công nhân ở thị xã Chơn Thành, Bình Phước gặp tai nạn lao động và tử vong sau đó.

Trường hợp đầu tiên, chiều ngày 23/5, nam công nhân 38 tuổi cùng nhóm công nhân làm việc tại một công ty sản xuất ván ép tại thị xã Chơn Thành, trong lúc nam công nhân lấy một bao bột đổ vào thùng trộn keo đang hoạt động đã bị cần quay của máy trộn quấn lấy bao rồi kéo cả người vào trong thùng trộn và xoay nhiều vòng. Đồng nghiệp gần đó chạy tới ngắt điện, đưa nạn nhân vào bệnh viện trong tình trạng bị đứt lìa cánh tay trái, hai ống chân và nhiều chấn thương khác. Tuy nhiên nam công nhân đã tử vong.

Hình ảnh nam công nhân tại Bình Phước đổ bao bột vào thùng trộn keo đã bị cần quay của máy trộn quấn lấy bao rồi kéo cả người vào trong thùng. (Ảnh cắt từ clip).

Hình ảnh nam công nhân tại Bình Phước đổ bao bột vào thùng trộn keo đã bị cần quay của máy trộn quấn lấy bao rồi kéo cả người vào trong thùng. (Ảnh cắt từ clip).

Trường hợp tiếp theo, ngày 25/5, nữ nhân công 39 tuổi đứng trên càng xe nâng để sửa ống hơi của lò sấy, trong lúc sửa chữa, cửa lò sấy bất ngờ bật mở, chèn nữ công nhân này vào khung ngang trên cửa. Một số đồng nghiệp tắt công tắc điều khiển nhưng cửa không hạ xuống. Đến khi điện được tắt, cửa lò đóng lại, nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Nữ công nhân bị tai nạn trong lúc sửa lò sấy tại công ty chuyên sản xuất pin ở Bình Phước và tử vong sau đó. (Ảnh: An Bình).

Nữ công nhân bị tai nạn trong lúc sửa lò sấy tại công ty chuyên sản xuất pin ở Bình Phước và tử vong sau đó. (Ảnh: An Bình).

Trước đó là các vụ tai nạn lao động như vụ nổ lò hơi ở công ty sản xuất gỗ tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai làm 6 người chết hay vụ tai nạn lao động xảy ra ở nhà máy xi măng ở Yên Bái, 7 người tử vong.

Trước việc những vụ tai nạn lao động thương tâm liên tiếp xảy ra, ngày 21/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 51/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Trường hợp nào được tính là tai nạn lao động?

Theo Luật sư Nguyễn Anh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động (TNLĐ) là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Khi bị TNLĐ, người sử dụng lao động và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động có trách nhiệm hỗ trợ người lao động.

Người lao động bị TNLĐ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có một số trường hợp người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp chi trả, ví dụ như do mâu thuẫn cá nhân, do cố ý tự hủy hoại sức khỏe hoặc do sử dụng ma túy, chất gây nghiện.

Trách nghiệm của người sử dụng lao động

Về trách nghiệm của người sử dụng lao động, Luật sư Đức thông tin, căn cứ thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm TNLĐ sẽ được trợ cấp từ quỹ của cơ quan bảo hiểm và từ phía người sử dụng lao động.

Tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị TNLĐ được quy định bao gồm thanh toán chi phí y tế, viện phí, tiền lương trong thời gian bị TNLĐ. Đặc biệt là bồi thường cho người bị TNLĐ.

Người sử dụng lao động phải có trách nghiệm hỗ trợ, bồi thường đối với người lao động bị TNLĐ. (Ảnh minh họa).

Người sử dụng lao động phải có trách nghiệm hỗ trợ, bồi thường đối với người lao động bị TNLĐ. (Ảnh minh họa).

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động. Sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

- Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

- Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức áp dụng đối với trường hợp không có lỗi được nêu ở trên.

Đ.T

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-can-biet-khi-bi-tai-nan-lao-dong-169240528151900967.htm