Những lưu ý cho học sinh khi làm bài môn tiếng Anh
Cô Mai Thị Bích Hòa – giáo viên môn tiếng Anh (TP. Đà Nẵng) đã có một số chia sẻ, giúp các em học sinh ôn tập tốt, vững tâm lý trước khi thi.
Những điều cần biết về cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh
Theo cô Mai Thị Bích Hòa - giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Phan Thành Tài (TP. Đà Nẵng), trong phần thi môn tiếng Anh ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nội dung sẽ thuộc chương trình THPT, với kiến thức chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12.
“Với đề thi tham khảo của môn tiếng Anh, có khoảng 80% câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết, Thông hiểu. Còn phần còn lại là những câu hỏi về Vận dụng và Vận dụng cao”, cô Bích Hòa chia sẻ.
Cô Hòa cũng cho hay, đề tham khảo năm 2023 của Bộ GD&DT, ở phần ngữ pháp có khoảng 12 câu, với các kiến thức về: thì, so sánh, câu hỏi đuôi, rút gọn mệnh đề quan hệ, mạo từ, câu bị động, động từ khiếm khuyết, câu tường thuật, câu điều kiện, đảo ngữ… Những câu hỏi về kiến thức ngữ pháp thường là những câu hỏi nhận biết, rất dễ lấy điểm.
Những lưu ý trong quá trình ôn tập
“Đề thi chính thức thường bám rất sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Do đó học sinh nên tập trung luyện tập nhuần nhuyễn ở những dạng câu này để lấy trọn điểm. Bởi vậy việc luyện tập những đề thi thử bám với các điểm ngữ pháp sát đề minh họa chắc chắn sẽ giúp các em rèn luyện và nhớ kiến thức tốt nhất”, cô Hòa nhấn mạnh.
Đối với những câu hỏi thường rơi vào phần từ vựng, cô Hòa cho rằng, những câu hỏi này thường rơi vào những câu phân hóa với những kiến thức về collocations (các cụm từ cố định), idioms (thành ngữ), phrasal verbs (ngữ động từ), word choice (lựa chọn từ), word form (hình thức của từ), hay những câu hỏi về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa… Để làm tốt phần này học sinh cần trao dồi vốn từ vựng, ưu tiên học theo cụm từ, áp dụng từ vào trong ngữ cảnh, gắn phrasal verbs với ngữ cảnh.
Hơn nữa, với mỗi dạng câu hỏi chúng ta nên có những chiến lược làm bài riêng. Đặc biệt không được bỏ sót bất cứ câu hỏi nào dù cho đó là những câu mình không biết vì chúng ta vẫn có 25% cơ hội đúng ở những câu hỏi đó.
Môn tiếng Anh được xem là môn có điểm trung bình thấp hơn nhiều so với các môn thi còn lại, cô Hòa cũng chia sẻ, và để có thể làm bài thi hiệu quả thì tốt nhất các em học sinh nên luyện tập thật nhiều đề với cấu trúc và kiến thức bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Các em cũng nên tăng cường học từ vựng, collocations, idioms, phrasal verbs.
Khi luyện tập đề hãy đặt ra cho mình thời lượng làm bài 60 phút giống như thời gian thi chính thức để các em quen với áp lực thời gian cũng như biết phân bố thời gian hợp lí hơn khi bước vào kì thi chính thức.
Trong quá trình thi các em nên lưu ý một số điều cơ bản sau đây. Kiểm tra đề kĩ trước khi bắt tay vào làm bài: Các thí sinh sẽ có 10 phút (kể từ khi phát đề cho đến khi tính giờ làm bài) để kiểm tra đề và tô mã đề vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Tuy nhiên rất nhiều học sinh chủ quan sau khi nhận được giấy thi không điền đầy đủ thông tin, mà để đến cuối giờ mới viết. Điều này dễ gây ra nhầm lẫn và thiếu sót, đặc biệt là việc tô nhầm mã đề vào phiếu dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm số.
Đọc kĩ yêu cầu của mỗi phần thi. Nhiều thí sinh thường làm bài theo thói quen mà không để ý yêu cầu của đề bài, đặc biệt là loại bài tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Trong các bài luyện thường thì các em sẽ làm bài đồng nghĩa trước và ngược nghĩa sau, nhưng khi đi thi thì điều này chưa chắc đã đúng nên các em phải gạch chân hoặc khoanh tròn những từ khóa trong đề bài trước khi làm để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc.
Cần tẩy sạch đáp án cũ khi chọn một đáp án mới, tô đủ đậm và tô vừa khít với ô đáp án. Điều này hết sức quan trọng vì nếu không tẩy sạch đáp án cũ, khi chấm, máy sẽ tự động hiểu là có hai đáp án hoặc thí sinh không tô đáp án nên không có điểm.
Phân bố thời gian hợp lí cho toàn bài. Các em có thể làm câu dễ trước, sau đó quay lại làm câu khó. Tuy nhiên, việc này dễ làm các em quên trả lời những câu mà mình đã bỏ qua trước đó để tập trung suy nghĩ cho những câu khác. Chính vì vậy, các em phải đánh dấu những câu mình chưa làm để sau khi làm xong các câu dễ các em sẽ quay lại làm những câu mình đã bỏ qua trước đó để tránh mất điểm. Các em cũng cần tránh việc quá tập trung vào một vài câu hỏi, dễ dẫn đến không đủ thời gian để làm những câu khác.
Một số em có thói quen khoanh đáp án vào đề trước, rồi đợi tới cuối giờ mới tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi giám thị báo sắp hết giờ các em thường rơi vào tâm lí luống cuống dễ dẫn đến việc tô sai hoặc nhầm đáp án, hoặc tô quá mờ, tô không đầy ô, hoặc tẩy không sạch đáp án sai.