Những lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm mới
Đi chùa đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, nhiều người lựa chọn đi lễ chùa để cầu mong may mắn và bình an cho gia đình.
Mục đích chính của đi lễ chùa là nhờ nguyện lực vô biên của Phật, chư vị Bồ Tát và các bậc Thánh hiền mà được thiện duyên, giác ngộ, mong tâm được thanh tịnh, đạo được mở mang để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người. Chính vì vậy mà người ta thường có câu: “Đến chùa nhìn Phật tướng để soi lại Phật tâm”, chính là với ý nghĩa đó.
Ý nghĩa phong tục khi đi lễ chùa đầu năm
Cầu một năm mới an lành: Khi đi lễ chùa, mọi người luôn cầu mong một năm mới an lành, ấm no và hạnh phúc.
Tìm sự bình yên, thanh thản: Không gian bình an và thanh tịnh nơi cửa Phật sẽ làm cho lòng người được thanh thản, nhẹ nhàng, quên đi những gánh nặng, lo âu.
Thể hiện lòng thành kính: Khi cúng lễ, mọi người sẽ thể hiện tấm lòng thành kính trước Đức Phật và noi theo tấm gương của Ngài. Từ đó sẽ tự răn mình tránh làm những điều ác, tu tâm tích đức nhiều hơn.
Tuy nhiên, để có một chuyến hành hương đầu năm thuận lợi và trọn vẹn, du khách cũng cần chú ý một số điều dưới đây.
Lựa chọn trang phục
Khi đi lễ chùa nên ăn mặc lịch sự, kín đáo, không nên mặc trang phục quá sặc sỡ, hở hang; không nên mặc váy quá ngắn hoặc quần quá ngắn.
Ngoài ra, nên chọn trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt vì những ngày đầu năm lượng du khách đổ về rất đông, thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Lễ vật đi chùa
Việc sắm lễ vật đi chùa là điều rất cần thiết. Khi đến dâng hương ở các chùa chỉ sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè... Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả... cần lưu ý một số vấn đề sau:
Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu... không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Tránh suy nghĩ lệch lạc khi hành lễ với quan niệm: Lễ càng nhiều, phật phù hộ càng nhiều. Quan niệm trên hoàn toàn sai và lệch lạc, làm mất đi nét đẹp trong tôn giáo Việt Nam. Việc đi lễ chùa chủ yếu dựa vào tâm của người đi chùa do vậy cần phải thành tâm khi đó Phật mới phù hộ cho được.
Cách xưng hô khi đi lễ trong chùa
Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch Thầy... và xưng mình là Con. Xưng hô như vậy tức là nhìn thấy tăng mà tưởng nhớ thầy Thích Ca Mâu Ni, mình xưng hô như vậy là đang xưng hô với Đức Thích Ca. Nếu nhà sư đó là Thầy hướng dẫn mình tu tập thì xưng hô là Thầy thì ngoài ý nghĩa trên còn mang nghĩa là Thầy dạy học đạo. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen.
Nguyên tắc ra, vào chùa
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng – ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền.
Đầu năm đi chùa nên cầu gì?
Khi đến chùa, mọi người thường cầu mong bình an, tài lộc và thành công. Tuy nhiên, chùa chiền là nơi linh thiêng, nơi lòng từ bi của Phật giúp con người sám hối, tìm kiếm cơ hội sửa chữa và làm việc thuần tuệ, không chú trọng đến vật chất hay tiền bạc.
Có thể cầu nguyện cho sức khỏe, hạnh phúc gia đình, công việc thuận lợi. Đồng thời, cầu nguyện hướng dẫn công đức đến những linh hồn đã khuất và chúng sinh ở thế giới bên kia.
Đặc biệt vào Đình, Đền có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm của mình để cả năm luôn được may mắn và thuận lợi nhất.
Những việc cấm kỵ khi đi chùa
Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi, sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, tam bảo.
Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật
Vào Phật đường, tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu tán. Đi lễ chùa, tốt nhất không mang theo những đồ tùy thân khi vào tam bảo. Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.
Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa.
Tuyệt đối không được tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. Và cũng không nên mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-luu-y-khi-di-le-chua-dau-nam-moi-303008.html