Những lưu ý khi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng
Nắng nóng có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý cho bạn khi ra ngoài trong tiết trời gay gắt.
Lưu ý các dấu hiệu kiệt sức vì nóng
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, khi vận động, lao động nặng nhọc trong thời gian dài dưới trời nắng nóng gay gắt, cơ thể sẽ bị mất muối, nước. Bạn có thể gặp các triệu chứng như: Tiết mồ hôi rất nhiều, có cảm giác ớn lạnh, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, chuột rút, mệt mỏi, ngất xỉu...
Khi có những dấu hiệu này, bạn phải dừng ngay các hoạt động, chọn chỗ thoáng mát nghỉ ngơi, uống nước, bù nước bằng dung dịch điện giải. Bạn nằm xuống, nới lỏng quần áo, phủ lên người khăn hoặc quần áo ẩm để làm mát và tìm sự trợ giúp của y tế và mọi người xung quanh.
Nếu bạn vẫn tiếp tục ở trong môi trường nóng bức thì có thể sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ do nhiệt. Tai biến này là thể bệnh nặng nhất do tăng nhiệt độ gây ra.
Để phòng ngừa các bệnh lý do thời tiết nắng nóng gay gắt, bạn nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế ở ngoài trời trong thời gian từ 10h đến 16h hàng ngày.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Trang phục
Hạn chế đi ra đường khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải ở ngoài trong tiết trời nắng gắt, bạn phải đội mũ, mặc quần áo dài tay, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Thời tiết nắng nóng dễ đổ mồ hôi, nên các bạn cần lựa chọn trang phục thoải mái, dễ chịu. Các loại quần áo bằng chất liệu vải mỏng, nhẹ, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi, khô nhanh là ưu tiên số một.
Sử dụng áo chống nắng bất cứ khi nào ra ngoài trời. Áo chống nắng không chỉ giúp bạn bảo vệ làn da, tránh bị cháy nắng mà còn giúp bạn không bị rát da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời.
Mỹ phẩm
Lâu nay, một số người vẫn cho rằng, kem chống nắng là mỹ phẩm chỉ dành cho phái nữ. Tuy nhiên, thực tế suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm.
Kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 trở nên có tác dụng ngăn cản đến 93% tia cực tím (UV) - thủ phạm gây nám, tàn nhang, lão hóa sớm và ung thư da.
Chính vì thế, các chuyên gia khuyên chúng ta nên bôi kem chống nắng hàng ngày để làn da được bảo vệ tốt nhất dưới những tác hại của tia cực tím và môi trường.
Lưu ý, bôi kem ít nhất 15 phút trước khi ra ngoài, bôi lại sau 2 tiếng.
Uống nhiều nước
Thời tiết nắng nóng, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi để tự làm mát. Điều này dẫn đến cơ thể bị mất nước, vì vậy, bạn nên lưu ý bổ sung nước.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…Tuy nhiên, bạn không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Bạn cũng tuyệt đối không uống quá nhiều nước có gas, bởi các loại gas trong nước giải khát sẽ loại nước ra khỏi cơ thể.
Nước ngọt có ga chỉ có thể giải khát tạm thời, khoảng một vài phút sau khi uống, bạn sẽ càng cảm thấy khát nước hơn.
Thực phẩm
Thời tiết nắng nóng sẽ khiến bạn mệt mỏi, chán ăn. Bởi vậy, để có nguồn năng lượng dồi dào trong cả ngày dài, đồng thời giúp cơ thể luôn mát mẻ, không có cảm giác nóng bức, ngứa ngáy, bạn có thể chọn những loại thực phẩm mang tính hàn, dễ tiêu, giải nhiệt.
Ví dụ: Các món cuốn, các loại trà thảo mộc, các loại canh như: canh cua đồng nấu rau đay, mồng tơi, canh chua…
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.