Những lưu ý khi sử dụng nước muối trị ngạt mũi

Nước muối có thể được sử dụng để rửa mũi và họng, hỗ trợ giảm ngạt mũi, viêm mũi và các triệu chứng liên quan.

1. Rửa mũi có giảm ngạt mũi?

Mặc dù là tình trạng tạm thời, nhưng ngạt mũi ở người lớn là triệu chứng của một số bệnh như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm xoang… dẫn đến viêm màng nhầy trong hốc mũi và xoang. Sau đó, chính tình trạng viêm này tạo thành phù nề và làm tăng tiết chất nhầy.

Rửa mũi là một phương pháp vệ sinh mũi bằng cách sử dụng dung dịch nước muối y tế để làm sạch và làm ẩm niêm mạc mũi. Quá trình này giúp loại bỏ chất bẩn, vi khuẩn, phấn hoa và tạp chất khác khỏi mũi, đồng thời giúp giảm ngạt mũi và làm dịu các triệu chứng liên quan đến viêm mũi, dị ứng...

Ngạt mũi ở người lớn là triệu chứng của một số bệnh như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm xoang…

Ngạt mũi ở người lớn là triệu chứng của một số bệnh như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm xoang…

Rửa mũi thường được thực hiện bằng cách sử dụng một loại thiết bị như xi lanh, bình xịt mũi, ống hút mũi hoặc bình rửa mũi. Dung dịch muối được đổ vào thiết bị và sau đó dùng để xịt hoặc rửa mũi. Quá trình này giúp lưu thông và làm sạch mũi, loại bỏ chất bẩn và tạo ẩm cho niêm mạc mũi.

Rửa mũi thường được khuyến nghị trong các trường hợp:

Ngạt mũi do cảm lạnh, vi khuẩn, dị ứng hoặc môi trường khô.
Viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang.
Tình trạng mũi bị tắc do chất bẩn hoặc phấn hoa.

Rửa mũi là phương pháp đơn giản, có ưu điểm là tránh phải lạm dụng việc dùng thuốc. Đối với những bệnh nhân đang điều trị bằng kháng sinh hoặc dùng steroid trị viêm mũi do dị ứng, việc rửa mũi hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị.

Tuy nhiên, rửa mũi chỉ nên được thực hiện khi đã hiểu và tuân thủ đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất hoặc tư vấn y tế. Để tiến hành rửa mũi đòi hỏi phải thực hiện đúng phương pháp cũng như sử dụng sản phẩm phù hợp.

Có 2 loại nước muối được sử dụng để rửa mũi là: Dung dịch muối đẳng trương và ưu trương. Sự khác biệt của chúng là ở nồng độ muối:

- Nước muối đẳng trương: Chứa cùng nồng độ muối với các tế bào của cơ thể, tức là 9g/L nên còn được gọi là nước muối sinh lý. Nó làm giảm độ nhớt của chất nhầy, làm sạch khoang mũi, loại bỏ các tác nhân gây nhiễm trùng và chất gây dị ứng, đồng thời tham gia bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Loại dung dịch này có thể được chỉ định để vệ sinh mũi hàng ngày.

- Nước muối ưu trương: Có hàm lượng muối đậm đặc hơn các tế bào của cơ thể, tức là 22g/L, chỉ được khuyên dùng trong trường hợp ngạt mũi do bệnh lý như cảm lạnh, viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang... Nồng độ này cho phép thông mũi cơ học bằng dòng nước chảy vào. Khi tiếp xúc với dung dịch này, các tế bào của niêm mạc co lại và giảm tắc nghẽn. Vì vậy, không được sử dụng quá thường xuyên hoặc kéo dài để tránh làm khô niêm mạch mũi.

Rửa mũi giúp lưu thông và làm sạch mũi.

Rửa mũi giúp lưu thông và làm sạch mũi.

2. Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng nước muối rửa mũi giảm ngạt mũi

Khi rửa mũi để trị ngạt mũi, có một số lưu ý quan trọng sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

- Sử dụng nước muối chứa đúng tỷ lệ muối và nước tinh khiết. Không sử dụng nước muối thông thường để rửa mũi, vì có thể gây kích ứng và không an toàn.

- Thực hiện quy trình rửa mũi theo hướng dẫn đúng cách và tuân thủ quy trình vệ sinh để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

- Sử dụng dụng cụ rửa mũi (như ống hút mũi hoặc bình phun) sạch sẽ và đã được vệ sinh hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Khi rửa mũi, đặt đầu người nghiêng về phía trước và nhẹ nhàng đưa nước muối vào mũi, sau đó cho nước chảy ra từ mũi kia. Hãy đảm bảo nước muối không đi vào hệ thống hô hấp hoặc nuốt phải.

- Tránh sử dụng nước muối quá thường xuyên hoặc kéo dài dẫn đến làm khô và gây tổn thương niêm mạc mũi.

- Nếu có vấn đề về mũi hoặc hệ hô hấp khác, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường, kích ứng hoặc tác dụng phụ sau khi sử dụng nước muối, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Lưu ý rằng, rửa mũi bằng nước muối chỉ là biện pháp tạm thời để giảm ngạt mũi. Nếu tình trạng ngạt mũi kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Tham khảo thêm

Thuốc gì trị ngạt mũi?

DS. Vũ Thùy Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-su-dung-nuoc-muoi-tri-ngat-mui-169230708163351498.htm