Những lưu ý khi tảo mộ Tết Thanh minh

Những thông tin và lưu ý dưới đây sẽ giúp các gia đình chuẩn bị tốt cho việc tảo mộ Tết Thanh minh và thực hiện các nghi lễ một cách chu đáo, trọn vẹn nhất.

Tết Thanh minh là một trong những dịp lễ quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, gắn liền với phong tục tôn kính tổ tiên và tưởng nhớ người đã khuất. Vào dịp này, các gia đình thường đi tảo mộ để dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên và thực hiện các nghi lễ cúng bái nhằm bày tỏ lòng hiếu kính.

Những lưu ý khi tảo mộ Tết Thanh minh

Để nghi thức tảo mộ Tết Thanh minh được thực hiện một cách chu đáo và đúng phong tục, bạn cần có những hiểu biết và lưu ý nhất định.

Chuẩn bị trước khi tảo mộ

Trước khi đi tảo mộ, gia đình cần chuẩn bị đồ lễ cúng tế người đã khuất như nhang, nến, hoa quả, xôi, chè, và rượu. Nhiều người chuẩn bị thêm giấy tiền, vàng mã để đốt, tượng trưng cho của cải gửi đến thế giới bên kia. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, việc đốt vàng mã không được khuyến khích vì gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường và tăng nguy cơ hỏa hoạn, do đó bạn nên thận trọng và chỉ nên đốt số lượng ít, mang tính tượng trưng.

Các dụng cụ dùng để chăm sóc, dọn dẹp, sửa sang phần mộ như kéo, cuốc, xẻng, khăn lau... cũng cần được chuẩn bị. Việc làm sạch khu vực xung quanh mộ phần rất quan trọng để nơi tổ tiên, thân nhân đã khuất an nghỉ được tươm tất.

Trước khi đi tảo mộ, việc chuẩn bị kỹ lưỡng là rất cần thiết. (Ảnh: Ngô Nhung)

Trước khi đi tảo mộ, việc chuẩn bị kỹ lưỡng là rất cần thiết. (Ảnh: Ngô Nhung)

Lựa chọn thời gian phù hợp

Thời gian tảo mộ không cố định vào ngày nào mà tùy thuộc điều kiện từng gia đình sắp xếp sao cho hợp lý, miễn là trong Tiết Thanh minh. Thông thường, việc tảo mộ nên được thực hiện vào buổi sáng, khi khí trời thanh khiết và tiết trời mát mẻ.

Mặc dù Tết Thanh minh 2025 rơi vào thứ Sáu ngày 4/4 (tức 7/3 Âm lịch), nhưng theo sách "Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày" của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa thì ngày 5/4 (tức ngày 8/3 Âm lịch) được xem là ngày tốt để cúng Tết Thanh minh, tảo mộ.

Ngoài ra các gia đình có thể tham khảo một số ngày tốt khác để tảo mộ Tết Thanh minh như ngày 10/4 (thứ Năm, 13/3 Âm lịch), 14/4 (thứ Hai, 17/3 Âm lịch), 17/4 (thứ Năm, 20/3 Âm lịch).

Thực hiện nghi lễ tảo mộ

Khi đến nghĩa trang, mọi người dọn dẹp xung quanh phần mộ, nhổ cỏ, quét dọn và lau chùi bia mộ. Sau khi phần mộ được sạch sẽ, gia đình sẽ bày biện đồ lễ và thắp nhang kính cẩn trước mộ.

Lễ cúng tảo mộ thường bắt đầu bằng việc khấn nguyện với những lời cầu mong sự bình an, sức khỏe cho gia đình và sự phù hộ, che chở từ tổ tiên. Sau khi hoàn thành nghi thức cúng, cần đợi hương cháy khoảng 2/3 mới vái tạ, hóa vàng và mang theo lộc về nhà để tiếp tục các lễ nghi cho gia thần và gia tiên. Nếu sử dụng văn khấn viết trên giấy, hãy đốt sau khi đọc xong để hoàn tất nghi thức.

Các gia đình nên tảo mộ theo đúng trình tự. (Ảnh: Ngô Nhung)

Các gia đình nên tảo mộ theo đúng trình tự. (Ảnh: Ngô Nhung)

Những điều kiêng kỵ khi tảo mộ Tết Thanh minh

Khi tảo mộ, có một số điều cần kiêng kỵ để tránh mang lại điều không may mắn. Trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ mang thai hay những người bị ốm thường không được khuyến khích tham gia tảo mộ, vì theo quan niệm dân gian, họ có thể bị ảnh hưởng bởi khí không lành tại nghĩa trang.

Mọi người nên tảo mộ theo đúng trình tự từ dọn dẹp mộ phần, lên hương, dâng lễ cúng, mời rượu, khấn vái, và cuối cùng là hóa vàng mã. Các gia đình cũng không nên làm lễ cúng cầu kỳ và tránh làm vỡ đồ cúng.

Ngoài ra, khi tảo mộ Tết Thanh minh, mọi người tránh giẫm đạp lên mộ phần, không to tiếng hay nói những điều thiếu tôn trọng. Những hành động này được cho là bất kính và không phù hợp với văn hóa tâm linh.

(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-luu-y-khi-tao-mo-tet-thanh-minh-ar935463.html