Những lưu ý khi tẩy giun cho trẻ
Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác giun sẽ tranh giành chất dinh dưỡng với cơ thể, lâu dần làm cho trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Trẻ em rất dễ bị nhiễm giun
Do trẻ em thường rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất… Tất cả những điều này đã tạo cơ hội thuận lợi cho các loại giun xâm nhập vào cơ thể của trẻ.
Việc điều trị tẩy giun định kỳ được khuyến khích hàng năm cho trẻ để ngăn ngừa và loại bỏ sự lây lan của các loại giun. Tuy nhiên, trước khi quyết định cho trẻ uống thuốc giun, bạn nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Tùy theo lứa tuổi của trẻ để lựa chọn dạng thuốc cho phù hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Những lưu ý khi tẩy giun cho trẻ
Trước khi cho trẻ uống thuốc tẩy giun, cha mẹ nên cho trẻ ăn no. Thuốc tẩy giun hoạt động với cơ chế ngăn không cho giun hấp thụ glucose từ thức ăn. Sau khi uống thuốc, nếu trẻ cảm thấy mệt, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước, nước đường, sữa... Trường hợp trẻ ngày càng mệt hơn, kèm theo nôn ói thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Chỉ tẩy giun định kỳ khi trẻ đủ 2 tuổi trở lên. Trẻ dưới 2 tuổi nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa đi khám để làm xét nghiệm tầm soát, khi đã xác định có nhiễm giun, trẻ sẽ được điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Có một số bệnh chống chỉ định với thuốc tẩy giun, vì vậy cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi quyết định tẩy giun cho con. Nếu trẻ mắc một số bệnh mạn tính, tim bẩm sinh, suy tim, suy gan, suy thận, đang ốm, sốt... thì không nên tẩy giun hoặc nếu tẩy thì phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ.
Thuốc tẩy giun cũng có một số tác dụng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc như: trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
Một điều quan trọng là cha mẹ phải tránh tình trạng tái nhiễm giun cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh nhà cửa, hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ gìn vệ sinh ăn uống, bảo đảm ăn chín, uống sôi, ăn các loại trái cây sau khi đã gọt vỏ. Khi tẩy giun nên làm đồng loạt với tất cả các thành viên trong gia đình để tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa cha mẹ với con cái, anh em trong nhà, vì nếu không làm như vậy thì hiệu quả của tẩy giun sẽ bị mất và trẻ dễ dàng tái nhiễm trở lại.
Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun sán cho trẻ
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và ngăn ngừa nhiễm giun, có một số biện pháp phòng ngừa quan trọng mà cha mẹ cần thực hiện. Dưới đây là các chi tiết cụ thể về cách phòng tránh nhiễm giun ở trẻ:
Rửa tay đúng cách: Trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ cần rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây để loại bỏ vi khuẩn và các loại vi khuẩn gây bệnh.
Rửa sạch trái cây và rau quả: Trước khi ăn trái cây và rau quả cần được rửa sạch dưới nước chảy hoặc ngâm trong dung dịch rửa rau quả để loại bỏ bụi bẩn và các loại vi khuẩn có thể gây nhiễm giun.
Đảm bảo thực phẩm chín: Tránh cho trẻ ăn thực phẩm chưa nấu chín hoặc chưa chế biến kỹ càng, bao gồm thịt sống, trứng sống, cá sống và các loại thực phẩm khác có thể chứa giun hoặc vi khuẩn gây bệnh.
Chọn nước uống an toàn: Tránh uống nước từ các nguồn nước công cộng không được xử lý hoặc không được đảm bảo vệ sinh. Thay vào đó nên lựa chọn nước lọc hoặc nước đóng chai để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-tay-giun-cho-tre-169241220155948975.htm