Người bệnh Leukemia cấp nên thực hiện những bài tập nào?
Khi thực hiện các bài tập trước, trong và sau điều trị sẽ giúp người bệnh Leukemia cấp tăng khả năng chịu đựng, rút ngắn thời gian phục hồi, giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác...
NỘI DUNG:::
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh leukemia cấp
2. Các bài tập tăng cường sức khỏe cho người bệnh leukemia cấp
2.1 Các bài tập yoga
2.2 Các hoạt động thể chất khác hỗ trợ người bệnh leukemia cấp
2.3 Day huyệt huyết hải
3. Những lưu ý dành cho người bệnh leukemia cấp khi tập luyện
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh leukemia cấp
Bệnh leukemia cấp hay còn được gọi là ung thư máu cấp tính. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác.
Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường của tủy xương.
Khi mắc bệnh, người bệnh có các biểu hiện gầy sút nhanh, mệt mỏi xanh xao, sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, xuất huyết trên da, chảy máu khó cầm...
Thực hiện các bài tập luyện giúp người bệnh:
Giảm các triệu chứng stress căng thẳng, mệt mỏi liên quan đến bệnh, giúp người bệnh vui vẻ, phấn chấn hơn.
Tăng cường chức năng nhận thức, sức đề kháng cho cơ thể, giảm tác dụng phụ của quá trình điều trị bệnh.
Tập luyện vừa sức giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe xương, ăn ngon hơn, ngủ ngon sâu giấc, nâng cao thể lực, cải thiện chất lượng sống.
Giúp lưu thông khí huyết, giảm khả năng đông máu trong lòng mạch.
- Tập thể dục trước khi bắt đầu điều trị có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất sức và làm giảm các tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình điều trị.
- Tập thể dục trong quá trình điều trị có thể giúp tăng khả năng chịu đựng khi điều trị, hỗ trợ người bệnh duy trì các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và làm giảm một số tình trạng mệt mỏi liên quan đến ung thư.
- Tập thể dục sau điều trị ung thư có tác dụng giúp phục hồi và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.
2. Các bài tập tăng cường sức khỏe cho người bệnh leukemia cấp
2.1 Các bài tập yoga
- Tư thế cái cày:Đây bài tập giúp tăng cường các tế bào dòng bạch cầu trong máu, làm tăng cường hệ miễn dịch, giải tỏa căng thẳng.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa, duỗi thẳng người trên thảm hoặc sàn nhà, hai tay xuôi theo thân, lòng bàn tay úp xuống.
Hít thở sâu, ấn lòng bàn tay xuống sàn, từ từ nâng hai chân khỏi sàn tạo thành một góc 90 độ.
Sau đó, di chuyển bàn tay chống vào hông, hỗ trợ và nâng hông lên khỏi sàn. Tiếp theo cố gắng đẩy chân cao qua khỏi đầu, ngón chân chạm sàn.
Giữ tư thế từ 30 giây đến vài phút, tập trung vào hơi thở. Sau đó thở ra nhẹ nhàng, đưa cơ thể trở về trạng thái ban đầu. Lặp lại 5-7 lần.
- Tư thế em bé:Bài tập giúp lưu thông máu trên toàn cơ thể, đồng thời điều hòa hơi thở, giải tỏa căng thẳng, thư giãn ngực lưng và vai, nâng cao sức đề kháng.
Cách thực hiện:
Quỳ trên mặt sàn, hai mũi chân khép lại sát vào nhau và hai đầu gối chạm nhau, đặt tay lên đùi.
Thở ra đồng thời hạ thấp thân người về phía trước, đặt bụng trên đùi, hai tay duỗi thẳng qua đầu.
Giữ tư thế này trong 20 – 30 giây, rồi thả lỏng trở về trạng thái ban đầu. Lặp lại 5-7 lần.
- Tư thế sấm sét:Giúp thư giãn tinh thần, tăng cường khả năng tạo máu của xương.
Cách thực hiện:
Quỳ xuống sàn, 2 đầu gối hở rộng ngang chiều rộng 2 bắp đùi, úp mu bàn chân sát xuống sàn.
Thở ra đồng thời ngồi xuống trên 2 gót chân.
Đặt 2 bàn tay lên trên đùi, sát với 2 đầu gối, 2 lòng bàn tay úp xuống, thư giãn 2 vai và phần thân trên, nhưng phải giữ cho xương sống thẳng và rướn cao.
Hướng đỉnh đầu thẳng lên trần nhà và nhìn thẳng ra phía trước. Giữ tư thế từ 30 giây đến 1 phút. Lặp lại từ 5-7 lần.
- Xoa chi trên:Giúp lưu thông khí huyết hạn chế tạo cục máu đông gây tắc mạch, giảm nguy cơ xuất huyết, bầm tím.
Cách thực hiện:
Ngồi ở tư thế thòng chân, đưa tay trái thẳng ra trước úp xuống, bàn tay phải đè lên bàn tay trái, vuốt từ bàn tay vào đến vai, đồng thời dang tay sang ngang.
Ngửa tay trái lên, xoa từ trong ra ngoài đồng thời đưa tay trở ra trước, úp tay lại, trở lại từ đầu. Làm 10 – 20 lần. Đổi bên. Thở tự nhiên.
- Xoa chi dưới:Tăng cường lưu thông máu tại chi dưới.
Cách thực hiện:
Tư thế ngồi thòng chân, hơi co đầu gối trái, chân phải để thoải mái, hai bàn tay đặt trên đầu gối trái.
Xoa từ trên xuống phía trước và phía bên cẳng chân, rồi vòng tay ra phía sau và trong, xoa từ cổ chân lên đến mông 10 – 20 lần, đổi bên. Thở tự nhiên.
- Động tác gập đầu thư giãn:Giúp cơ thể thư giãn, ngủ sâu giấc, giảm lo lắng.
Cách thực hiện:
Ngồi thoải mái trên thảm và từ từ gập người về phía trước, hai tay đan vào nhau, đặt trước bàn chân.
Lưng thẳng, hai chân duỗi thẳng, đối mặt với đầu gối.
Giữ tư thế này trong 10-15 giây. Sau đó trở lại vị trí thư giãn ban đầu.
2.2 Các hoạt động thể chất khác hỗ trợ người bệnh leukemia cấp
- Đi bộ:Đi bộ là một cách hiệu quả để bắt đầu hoạt động thể chất. Nếu mức độ mệt mỏi cao, hãy bắt đầu với mức nhỏ và tăng dần. Có thể chỉ cần 5 phút để bắt đầu, sau đó tăng thêm vài phút mỗi lần.
Người bệnh leukemia cấp nên đi bộ ở nơi yên tĩnh, thoáng mát ngày 20-30 phút giúp thư giãn tinh thần, tăng cường miễn dịch, lưu thông khí huyết, ăn ngủ tốt hơn.
- Đạp xe đạp: Người bệnh leukemia cấp nên đạp xe mỗi ngày 20-30 phút trên đường hoặc đạp xe tại chỗ để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
2.3 Day huyệt huyết hải
Vị trí huyệt: Người bệnh đứng thẳng, từ bờ trên xương bánh chè đo lên 2 thốn, sau đó đo ngang từ ngoài vào trong 1 thốn là vị trí huyệt.
Tác dụng: Giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giúp tạo máu, tăng cường sức đề kháng.
Cách thực hiện: Day huyệt huyết hải 02 lần/ngày, mỗi lần 10 phút.
3. Những lưu ý dành cho người bệnh leukemia cấp khi tập luyện
Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng, cơ thể tràn năng lượng; tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, khi đói bụng; tránh tập đêm khuya, thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.
Trong giai đoạn bệnh cấp tính sốt, thể trạng yếu, nhiễm trùng, chảy máu dưới da niêm mạc không tập luyện. Khi bệnh tình điều trị ổn định bắt đầu tập, tập luyện cần tham khảo ý kiến bác sỹ.
Cách tập không gây hại sức khỏe
Chọn bài tập phù hợp tình trạng bệnh lý, sức khỏe, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập, khởi động trước khi tập luyện.
Tập trong môi trường thông thoáng, ăn mặc rộng rãi, uống đủ nước.
Khi tập luyện lắng nghe cơ thể khi có triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ sung vitamin A, B, C, canxi có trong các thực phẩm như trứng sữa, tránh xa dầu mỡ, chất kích thích như cà phê, rượu.
Tập thể dục khi năng lượng ở mức tốt nhất.
Tùy chỉnh bài tập mỗi ngày để phù hợp với tình trạng thể chất hoặc tâm lý của người bệnh.
Mời bạn xem tiếp video: