Những lý do chọn tỉnh Phú Thọ và đặt trung tâm hành chính tại TP Việt Trì
Ngày 30/4 vừa qua, dự thảo Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã được hoàn thiện, trình báo cáo Trung ương. Tại dự thảo Đề án đã đưa ra lý do, sự cần thiết và cơ sở lựa chọn tên gọi tỉnh mới là Phú Thọ và trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Việt Trì hiện nay.

Thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ mới
Tháng 4 vừa qua, dự thảo Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã được tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình xây dựng trình Chính phủ. Ngay đầu Đề án đã khẳng định việc sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, bổ trợ lẫn nhau về kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ); tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội và đầu tư phát triển; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tinh giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách.
6 căn cứ cơ bản cho việc sắp xếp, hợp nhất
Tại dự thảo Đề án cũng phân tích rõ những căn cứ, lý do chọn Phú Thọ làm tên tỉnh mới và Việt Trì là trung tâm hành chính sau sắp xếp.
"Phú Thọ là vùng đất cội nguồn, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết các Vua Hùng dựng nước và xây dựng Nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Với hàng nghìn năm văn hiến, Phú Thọ được xem là trung tâm văn hóa - lịch sử thiêng liêng, ghi dấu quá trình hình thành và phát triển của dân tộc".

Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối ba tỉnh, có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc
Việc lựa chọn Phú Thọ là tên gọi tỉnh mới khi sáp nhập 3 tỉnh và đặt trung tâm hành chính - chính trị tại TP Việt Trì (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
Về vị trí địa lý - giao thông: Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối ba tỉnh, có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc, là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng.
Về năng lực phát triển: Việt Trì là đô thị loại I, từng là trung tâm của tỉnh Vĩnh Phú trước đây; tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đã và đang hình thành hệ thống KCN, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Về hệ thống thiết chế hạ tầng - xã hội: Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực. Các cơ sở đào tạo đại học, bệnh viện chuyên sâu và các trung tâm thể thao - du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới.

Người dân về dâng hương vào ngày Giỗ Tổ 10/3 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Về văn hóa - lịch sử: Phú Thọ là vùng Đất Tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, với các di sản văn hóa được UNESCO công nhận - đây là yếu tố quan trọng về mặt tinh thần, bản sắc và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Về quốc phòng - an ninh: Phú Thọ là địa bàn trọng yếu, đóng quân của Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) và nhiều cơ quan Trung ương, có vai trò chiến lược trong bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô.
Về hiệu quả quản lý phát triển vùng: Việc đặt trung tâm tỉnh tại Phú Thọ giúp mở rộng không gian phát triển mới, khai thác đồng bộ hạ tầng vùng, giảm áp lực cho Hà Nội, thúc đẩy liên kết vùng, phù hợp với định hướng phát triển của Quy hoạch vùng Thủ đô và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trịnh Thế Truyền - TUV, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, cơ quan thường trực BCĐ sắp xếp, sáp nhập ĐVHC 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình khẳng định: Việc hợp nhất 3 tỉnh không chỉ là sự gộp địa giới hành chính mà còn là quá trình tái thiết mô hình quản trị, nhằm giảm tầng nấc trung gian, tăng tốc độ điều hành, phân cấp mạnh, gắn liền với chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số. Hướng tới thiết lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện đại, năng động, có đủ tiềm lực để trở thành cực tăng trưởng mới vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đây là cơ sở để tỉnh Phú Thọ mới khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của 3 địa phương, gồm lợi thế công nghiệp - dịch vụ của Vĩnh Phúc; tiềm năng du lịch - năng lượng - nông nghiệp của Hòa Bình và vị trí giao thương, lịch sử - văn hóa đặc sắc của Phú Thọ. Từ đó tạo nên một tỉnh mới có cấu trúc kinh tế cân bằng, hấp dẫn đầu tư, giàu bản sắc và phát triển bền vững!
Tỉnh Phú Thọ mới sẽ có 148 xã, phường
Ngày 30/4 vừa qua, Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã được hoàn thiện, trình báo cáo Trung ương. Việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị và tầm nhìn dài hạn của Đảng, Nhà nước trong xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chủ trương này được triển khai trên cơ sở các văn kiện chỉ đạo như Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản trị hiện đại, liên kết vùng và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình - ba tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc - có nhiều tương đồng về tự nhiên, dân cư, văn hóa và vị trí địa lý chiến lược. Việc sắp xếp lại ĐVHC sẽ mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, nâng cao hiệu quả điều hành, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, chuyển đổi số, phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững.

Hạ tầng đô thị tại thành phố Việt Trì phát triển xanh - sạch - đẹp
Sau sắp xếp, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2; dân số hơn 4 triệu người. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập là 148 (133 xã và 15 phường). Các địa phương giáp ranh với tỉnh Phú Thọ gồm phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Lào Cai; phía Đông giáp tỉnh Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội; phía Tây giáp tỉnh Sơn La; phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa.
Tỉnh Phú Thọ mới sẽ đảm bảo nguyên tắc tổng số cán bộ có mặt thực tế không vượt quá tổng số cán bộ của 3 tỉnh trước khi sáp nhập. Việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức, trong lộ trình 5 năm phải cơ bản hoàn tất bố trí theo đúng quy định.
Trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới dự kiến bố trí tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì. Trụ sở làm việc khối cơ quan Ủy ban MTTQ, các đoàn thể bố trí tại trụ sở hiện tại của MTTQ và các cơ quan đoàn thể của tỉnh Phú Thọ. Trụ sở làm việc của các sở và cơ quan chuyên môn thuộc 3 tỉnh bố trí tại trụ sở làm việc các sở, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Kết quả lấy ý kiến Nhân dân là cử tri đại diện hộ gia đình tại 207 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh về Đề án sắp xếp ĐVHC các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình cho thấy, có tới 412.389/413.684 người đồng ý với Đề án (đạt tỷ lệ 98,3%). Khẳng định việc sắp xếp, hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là bước đi chiến lược, cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đây là minh chứng cho quyết tâm chính trị trong việc tổ chức lại không gian phát triển quốc gia một cách chủ động, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.