Những mảng chạm kể chuyện đình trong phố
Trong lòng phố cổ Hà Nội, hàng chục ngôi đình vẫn tồn tại, không chỉ là những công trình kiến trúc cổ xưa mà còn là kho tàng nghệ thuật vô giá với các nét chạm khắc đẹp đẽ, ẩn chứa câu chuyện sâu sắc về lịch sử, văn hóa Việt.
Khám phá vẻ đẹp chạm khắc cổ
Triển lãm ảnh “Chạm khắc đình trong phố” tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc, Hà Nội, giới thiệu các mảng chạm khắc của những ngôi đình trong phố cổ như Kim Ngân, Hà Vỹ, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông…
Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, hiện tại khu phố cổ còn khoảng 60 ngôi đình. Không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng, nhân thần, phần lớn các ngôi đình được lập nên để thờ tổ nghề của các làng nghề lên kinh thành lập nghiệp như: đình Kim Ngân thờ tổ nghề vàng bạc; đình Hà Vĩ thờ tổ nghề sơn; đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu... Các ngôi đình thờ tổ nghề đã trở thành ngôi nhà chung, kết nối, hội tụ những người cùng họ tộc, quê quán, góp phần tăng tính gắn kết cộng đồng. Ngày nay, khi đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ, đình có thêm chức năng là không gian sáng tạo để các nghệ sĩ tổ chức triển lãm, đối thoại với câu chuyện của chính ngôi đình.
Nhiều năm ghi lại nét đẹp di sản văn hóa tại các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, tại Việt Nam, giá trị của ngôi đình luôn được đề cao. Đặc biệt, những năm gần đây, các ngôi đình trong phố cổ Hà Nội được trùng tu, như Kim Ngân, Nam Hương, Tú Thị, Hà Vĩ… Trong đó, đình Kim Ngân từ năm 2010 đã được trả lại hiện trạng (trước đó đình chia sẻ không gian với nhiều hộ dân).
“Tôi ngạc nhiên vì có đến 60 đình trong phố mà mình không biết hết. Đình Kim Ngân, đình Nam Hương… trước đây thường có hộ dân sống, chụp ảnh rất khó và nhiều mảng chạm khắc bị che lấp. Mặc dù đi khá nhiều đình, tôi chỉ chụp được sơ sơ. Khi các ngôi đình được giải tỏa, trùng tu, việc tiếp cận dễ dàng hơn và có thể công khai nghiên cứu, quảng bá” - nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ.
Đình Kim Ngân là công trình mở đầu cho dự án “Chạm khắc đình trong phố”. Nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, sắp tới, nhóm đề xuất chụp các mảng chạm khắc ở Hội quán Phúc Kiến, 40 Lãn Ông - một di tích rất đẹp và hy vọng sẽ có nhiều người nối dài dự án với các di tích khác. Từ đó có thể giới thiệu thêm nhiều nét đẹp mới lạ về các ngôi đình trong phố mà nhiều người chưa biết. Chẳng hạn, trong chạm khắc nhiều ngôi đình có lặp lại hình tượng cá hóa rồng, biểu tượng của việc học hành, thi cử đỗ đạt, nhưng được thể hiện biến hóa đa dạng…
Đưa di sản trở lại đời sống
Tham gia dự án “Chạm khắc đình trong phố”, kiến trúc sư Bùi Tiến, nhóm Bối Ân studio, chia sẻ: “Chúng tôi là những người trẻ gắn bó với việc sưu tầm, số hóa hoa văn họa tiết, tuyển tập thành chuyên đề. Dự án này vẫn là công việc như vậy, nhưng lần đầu chúng tôi tiếp cận một ngôi đình. Sau khi khảo sát, chụp các mảng chạm và chuyển thành nét, các chi tiết dần hiện lên, liên tục xuất hiện với mật độ lớn là đồ án Sen hóa La Hầu, nhưng khác biệt nhau về đường nét, chi tiết. Đây là điều bất ngờ, vì từng vẽ nét nhiều cửa võng, tôi chưa thấy xuất hiện Sen hóa La Hầu ở vị trí trung tâm… Phát hiện này đã đưa chúng tôi đi tiếp, cùng với các nhà nghiên cứu lý giải hình tượng này, kể được câu chuyện về chạm khắc, lịch sử của ngôi đình, từ đó nhận diện nét độc đáo của đình Kim Ngân”.
Trong quá trình tạo sưu tập ảnh cho triển lãm ở Đình Kim Ngân, các thành viên dự án cũng đặt vấn đề tiếp tục vận dụng sáng tạo di sản mỹ thuật xưa để đưa vào sáng tạo trong cuộc sống hiện nay. Các bức ảnh chụp mảng chạm lớn được bóc tách chi tiết, chuyển thành đường nét để từ đó nghệ nhân khắc trên mộc bản; hay nghệ sĩ lấy cảm hứng tạo nên họa tiết in trên khăn, chạm khắc bạc… trở thành những sản phẩm tinh xảo phục vụ đời sống.
“Các ngôi đình ẩn chứa nhiều câu chuyện và Bối Ân tìm hiểu, kể lại những câu chuyện ấy. Công việc này nằm trong series Nét giang sơn - vẽ lại đường nét của nghệ thuật truyền thống trên phù điêu, khảm trai, sơn mài… Sau đó, số hóa không phải là quan trọng nhất, mà tìm ra con đường giới thiệu nội dung, nét đẹp ấy tới mọi người” - kiến trúc sư Bùi Tiến chia sẻ.
Phố cổ Hà Nội có mật độ di tích khá lớn, mỗi ngôi đình có câu chuyện riêng, tìm ra những biểu tượng, bản sắc của từng ngôi đình sẽ góp phần giải mã những thông điệp ẩn chứa, đưa các hình tượng đến gần hơn với đời sống hiện đại. PGS.TS. Đinh Hồng Hải, chuyên gia nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật cổ truyền cho rằng, không chỉ chụp ảnh, các nghệ sĩ đã tiến xa hơn một bước, đưa văn hóa vào đời sống theo cách có chất xám. Đó là khai thác và ứng dụng di sản để tạo ra những sản phẩm mang hồn dân tộc, đóng góp phát triển kinh tế từ di sản văn hóa. Điều này cũng đã được quan tâm trong thời gian gần đây với nhiều sản phẩm cao cấp, hàng hiệu xa xỉ như đồng hồ, điện thoại in hình trống đồng Đông Sơn… “Các biểu tượng như dấu vân tay văn hóa, từ việc đưa các biểu tượng vào sản phẩm một cách tinh tế sẽ quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới” - PGS.TS. Đinh Hồng Hải nhận định.
Trong khi đó, TS. Trần Hậu Yên Thế - nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và biểu tượng nghệ thuật dân gian kỳ vọng, “Chạm khắc đình trong phố” sẽ mở rộng hoạt động giáo dục sáng tạo qua trải nghiệm in ấn, vẽ… tại các di tích. Hiện nay khách tham quan di tích chỉ để nhìn, nếu có các hoạt động trải nghiệm độc đáo sẽ tạo ấn tượng cho du khách, giúp quảng bá rộng rãi về di tích.