Những mảng màu sáng tối của ngành công nghiệp thiết bị phụ trợ
Những chuyển động trên thị trường cho thấy các nhà sản xuất quốc tế và doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang tăng cường tìm kiếm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để đưa vào trong chuỗi cung ứng của họ. Về phía các nhà cung ứng trong nước, ngoài việc tận dụng cơ hội, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Các nhà đầu tư khẳng định nhu cầu linh phụ kiện rất lớn, quan trọng là năng lực các nhà cung ứng trong nước có thể đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà sản xuất muốn đa dạng chuỗi cung ứng thay vì phải phụ thuộc nhiều vào “công xưởng” thế giới.
Khả năng hợp tác liên kết của nhà sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu dẫn đến chưa phát huy lợi thế khi nhà sản xuất quốc tế tìm nguồn cung thay thế.
Gia tăng tìm kiếm nguồn cung thiết bị phụ trợ
Sau gần tám năm tự tìm kiếm nhà cung cấp bản địa, Tập đoàn Takara Industry, doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất đồ gia dụng, lần đầu tiên tham gia vào sự kiện Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023 do Sở Công Thương TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức vào tuần vừa qua.
Theo chia sẻ của ông Kazutomi Miura, Trưởng văn phòng đại diện của Takara Industry tại TPHCM, có 3 doanh nghiệp tại Việt Nam đang gia công và cung ứng các linh kiện, vật liệu là nhôm đúc và ép nhựa cho công ty. Các sản phẩm này được sử dụng cho 2 nhà máy sản xuất các sản phẩm gia dụng của tập đoàn ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong xu hướng mở rộng năng lực sản xuất và đa dạng chuỗi cung ứng, tham gia sự kiện này tại TPHCM, tập đoàn kỳ vọng sẽ có thể tìm được thêm các nhà cung ứng mới để có thể không chỉ cung ứng linh phụ kiện mà có thể sản xuất, gia công hàng OEM (Original Equipment Manufacturing) cho tập đoàn. Tức Takara Industry tìm cả doanh nghiệp tại Việt Nam có thể trực tiếp sản xuất và cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của tập đoàn.
Ông Kazutomi Miura đánh giá doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng tốt lên, sản phẩm làm ra đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của tập đoàn, trong khi giá thành cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt còn yếu trong năng lực quản trị doanh nghiệp để duy trì ổn định chất lượng hàng hóa.
Trong khi đó, nhà máy sản xuất sản phẩm điện gia dụng của Sharp Việt Nam hiện có tỉ lệ nội địa hóa khoảng 50%. Sharp Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỉ lệ này lên mức 90% trong thời gian tới.
“Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã cải thiện nhiều so với trước đây, đủ khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài”, bà Lê Thị Mỹ Loan, đại diện Phòng Kỹ thuật sản phẩm đồ điện gia dụng Sharp Việt Nam, chia sẻ. Hiện công ty đang tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm ép nhựa, làm khuôn… cho ngành điện gia dụng.
Là tập đoàn FDI đầu tư vào Việt Nam từ cuối năm 2018, Techtronic Industries (TTI) – tập đoàn dụng cụ không dây của Mỹ không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm giá thành sản xuất.
Bà Sabrina Anh Tran, Giám đốc mua hàng TTI, cho biết công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp cho các thành phần kim loại, gia công tiện và phay, dập kim loại, đúc khuôn, các bộ phần của động cơ… nhằm hỗ trợ việc mở rộng sản xuất của các đơn vị kinh doanh và các ngành hàng của TTI tại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm các năm phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (CSID) tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đại diện TTI chỉ ra các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp thách thức về chi phí, chất lượng, dịch vụ và giao tiếp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà mua hàng là các tập đoàn lớn đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… như SamSung Electronics, Bosch, Nidec Powertrain System, Mabuchi Motor, Won Seal Tech, Konica Minolta,… cũng cho biết có nhu cầu tìm kiếm nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Hàng loạt nhà sản xuất quốc tế và doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam cũng cho biết mong muốn tìm được nhà cung cấp sản phẩm linh phụ kiện trong nước để đa dạng chuỗi cung ứng và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Cần sự chủ động, tự tin để nắm bắt cơ hội
Làn sóng chuyển dịch đầu tư, sự gia tăng quy mô sản xuất tại Việt Nam cùng những hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19, xung đột địa chính trị… khiến bài toán đa dạng chuỗi cung ứng với các nhà sản xuất quốc tế và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa đối với các nhà sản xuất tại Việt Nam càng trở nên cấp thiết.
Nói về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ông Tom Over, Giám đốc hậu cần và khu công nghiệp của Công ty JLL khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được các nhà đầu tư quan tâm khi tìm kiếm địa điểm cho sự chuyển dịch và Việt Nam đang là điểm đến được hưởng lợi trong xu thế này.
Theo ông Tom Over, xét tính bền bỉ của chuỗi cung ứng và những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á thì Việt Nam liên tục đứng thứ nhất và thứ hai về các chỉ số đầu tư. Riêng về tính bền bỉ của chuỗi cung ứng, Trung Quốc từng có chi phí thấp, nhưng vì những diễn biến trên toàn cầu, rủi ro đang tăng lên. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có tính toán chuyển sang các nước khác có ít rủi ro hơn.
“Xu hướng này rất thú vị, không chỉ Việt Nam là quốc gia đang hưởng lợi. Nhà đầu tư châu Âu cũng đang có xu hướng chọn đầu tư tại chỗ”, ông Tom Over nhận định.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương TPHCM), cho biết các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Theo bà Oanh, những nhà sản xuất nước ngoài muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa trong sản xuất, từ lâu và sau dịch Covid-19, đặc biệt là hiện nay xung đột địa chính trị giữa các nước càng khiến nhu cầu tăng tỉ lệ nội địa hóa của các nhà đầu tư này càng cao.
Dù tình hình kinh tế thế giới đang rất khó khăn và cầu thị trường khắp nới yếu, nhưng theo bà Oanh, nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn đều đã vạch ra chiến lược phát triển lâu dài nên cần có rất nhiều nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt tiêu chuẩn. Do đó, bà cho Rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ càng, nghiêm túc để đón nhận sự dịch chuyển và lựa chọn Việt Nam là nơi cung ứng.
Mặt khác, bà Oanh cũng khuyến nghị doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần thường xuyên giữ liên lạc hoặc gặp gỡ doanh nghiệp FDI để nắm bắt được những cơ hội “vươn mình” quý giá này dù những cuộc gặp trước đó chưa thành công.
Bản thân các doanh nghiệp FDI hoặc nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối rất muốn gặp lại một số nhà cung cấp cũ để xem sự tự tin, sự cương quyết cam kết tham gia cùng với họ hay không.
“Nhìn chung doanh nghiệp FDI rất thiện chí song họ cũng chia sẻ rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện còn thiếu sự tự tin”, bà Oanh nói, và cho biết: “Có những doanh nghiệp trước đó không đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp FDI và qua 2-3 năm sau có sự đổi mới và đã vào được một số chuỗi. Tuy vậy họ lại không có sự tự tin đi kiếm lại khách hàng cũ để chào mời”.
Bà Duy Oanh kể câu chuyện Fujikuza Fiber Optics từ nhiều năm trước đã làm việc với Nhật Minh nhưng thời điểm đó doanh nghiệp nội địa này không đáp ứng được tiêu chí của Fujikuza. Bốn năm sau đó, mặc dù Nhật Minh đã có sự thay đổi và có thể cung ứng được cho một số tên tuổi lớn nhưng theo phản hồi từ Fujikuza, Nhật Minh đã không có sự liên hệ với họ.
“Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tinh thần chủ động. Qua thời gian nếu khả năng đã được nâng lên thì cần chủ động liên hệ với nhà mua hàng, khách hàng cũ để chào hàng”, bà Oanh nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần cho đối tác thấy được hệ thống, thấy được sự minh bạch trong sản xuất, sự cam kết trong đơn hàng (trễ hạn, đúng hạn ra sao)… Bởi lẽ nếu doanh nghiệp vượt qua những điều kiện này thì đơn hàng sẽ rất tốt.
Giảm thiểu bất lợi từ sự thiếu liên kết
Trong xu hướng hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đang rút ngắn quy trình sản xuất, giảm dung sai cho sản phẩm nên sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đa chi tiết hóa. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng linh phụ kiện trong nước cần có sự liên kết để tự nâng cao năng lực cung ứng hay hợp tác thành lập chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đa chi tiết tương ứng…
Có như vậy theo các chuyên gia công nghiệp và giới phân tích, khả năng cạnh tranh và duy trì đơn hàng cũng như gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp đầu cuối mới thuận lợi hơn.
Thế nhưng đây lại là vấn đề yếu kém của các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước vốn dĩ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thường đi riêng lẻ, ít có sự kết nối, tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất.
Bà Trương Thị Thu Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH In ấn Minh Mẫn, cũng cho rằng năng lực cung ứng và kỹ thuật của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngày càng tốt lên. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là doanh nghiệp Việt còn thiếu sự liên kết để tạo thành chuỗi sản xuất đầy đủ hoặc cụm chi tiết đa linh kiện nhằm đáp ứng xu hướng đơn đặt hàng mới cho doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Thu Trâm dẫn chứng câu chuyện các đơn vị công nghiệp hỗ trợ trong nước thua ngay trên sân nhà khi thiếu sự chủ động, nối kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng từ A-Z cho nhà sản xuất.
Cụ thể, một tập đoàn công nghiệp lớn Việt Nam khi có ý định tham gia sản xuất đồ điện gia dụng thì ngay lập tức những doanh nghiệp Trung Quốc đã chủ động tiếp cận và bàn giải pháp cung ứng trọn gói nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất cho đơn vị này. Họ đề nghị được cung ứng từ kim loại, vít, đến sơn, nhãn mác, in ấn… để cấu thành một sản phẩm cuối cùng, điều mà những nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước đến nay chưa thể nào thực hiện được.
Bên cạnh đó, tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu sản xuất đang là nguyên nhân chính đẩy doanh nghiệp nội địa có nguy cơ mất chỗ đứng trên sân nhà.
Cũng theo bà Thu Trâm, có những đơn hàng mà dù doanh nghiệp Việt chào bằng giá vốn cũng không thấp bằng các doanh nghiệp nước ngoài chào giá.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất ở nước sở tại hoặc quy mô sản xuất lớn hơn nhiều nên chi phí đầu vào thấp. Còn doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu nên chi phí giá thành khó cạnh tranh hơn.
Trước thực tế trên, đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần phải duy trì ổn định chất lượng sản xuất, nâng cao năng lực quản trị và gia tăng đầu tư cho công nghệ sản xuất. Đáng chú ý là cần đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao lợi thế sản xuất và tìm nguồn nguyên liệu trong nước để giảm sự lệ thuộc và chi phí.ghiệp nhỏ của Việt Nam đều thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị và việc tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng đối với họ là vô cùng khó khăn.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đều có quy mô nhỏ hoặc vừa, chưa có đủ nguồn lực để đầu tư quy mô lớn, xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thiếu kết nối, thiếu cơ chế phối hợp.