Những mảnh đời chìm nổi ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Bằng lối viết chậm rãi, tao nhã, phong cách chép sử đượm chất văn chương, Haydon Cherry đã tái hiện bối cảnh Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20 với những mảnh đời chìm nổi, những phận người bé mọn dường như đã rơi vào quên lãng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Được xem là cuốn sách đầu tiên và duy nhất lấy thân phận người nghèo ở Sài Gòn làm chủ đề trung tâm, cuốn sách Chìm nổi ở Sài Gòn (Omega+ & Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2024) của Haydon Cherry mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc về Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20, cũng như tình cảnh của những người dân bần cùng ở một thành phố thuộc địa và nỗ lực mưu sinh của họ trong giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Miền đất hứa

Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn là thủ phủ thịnh vượng của xứ thuộc địa Nam kỳ thuộc Pháp. Việc buôn bán lúa gạo hưng thịnh khiến Sài Gòn trở thành nơi phồn vinh hoa lệ, thu hút những di dân khắp nơi từ phương xa tới tìm kiếm cơ hội việc làm. Sài Gòn là miền đất hứa, vẫy gọi những thân phận nghèo xơ xác tìm đến, cho họ hy vọng về một cuộc sống sung túc và dễ chịu hơn.

Khi đó, chính quyền thuộc địa Sài Gòn đã thành lập một số cơ quan mới, với những bộ quy tắc, quy định, tiêu chuẩn về hành vi và cách ứng xử riêng để quản lý số dân nghèo thành thị đang mọc lên như nấm. Họ áp đặt các loại thuế mới, quy định các tội danh mới và có những kỳ vọng mới về hành vi của người Việt.

Bìa cuốn sách Chìm nổi ở Sài Gòn.

Cuốn sách Chìm nổi ở Sài Gòn bắt đầu từ thời điểm năm Giáp Thìn 1904, cách đây tròn 120 năm, khi bão lớn tràn qua làm hư hại mùa màng, khiến việc buôn bán lúa gạo rơi vào tình trạng hỗn loạn, gây ra cảnh khốn cùng ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Những thăng trầm của nền kinh tế lúa gạo đã ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi cá nhân. Qua từng chương sách, theo trình tự thời gian, tác giả đã vén màn những cảnh đời bần cùng trong xã hội thuộc địa những năm 1904-1929.

Dựa trên các nguồn sử liệu lưu giữ nhiều mô tả, thước đo và sự quan sát cuộc sống hằng ngày ở thuộc địa Sài Gòn, với phạm vi rộng lớn và tính chính xác cao, như: số liệu thống kê đã xuất bản, thư truyền giáo, các báo cáo chính thức, lời kể của du khách, phóng sự và nghiên cứu khoa học xã hội thuộc địa... tác giả đã tái hiện bức tranh xã hội toàn diện về thành phố Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Theo Haydon Cherry, lịch sử của thành phố thuộc địa Sài Gòn tựa như những dòng suối và kênh rạch lớn nhỏ uốn lượn trên khắp tỉnh Gia Định, hợp lưu ở nơi này và phân lưu ở nơi khác. Đó không phải một lịch sử mà là nhiều lịch sử, không phải là một câu chuyện mà là sự kết hợp của nhiều câu chuyện.

Qua cuốn sách, tác giả đã làm sáng tỏ những góc khuất trong xã hội thuộc địa, như: các chế tài và cách quản lý của chính quyền thuộc địa với nghề mại dâm từng được hợp pháp hóa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, với việc buôn bán á phiện; chuyện về căn cước kiêm thẻ đóng thuế và nộp phạt; hoạt động của các hội từ thiện, hội cứu tế; nỗi ám ảnh mà hội kín Thiên Địa Hội gây ra cho chính quyền thuộc địa, nhất là sau khởi nghĩa do Phan Xích Long dẫn đầu... Bên cạnh đó, cuốn sách còn như một cuốn địa chí, cung cấp thông tin về một số địa danh của Sài Gòn xưa.

Những phận đời bé mọn trong giai đoạn lịch sử đầy biến động

Haydon Cherry chia sẻ, để viết Chìm nổi ở Sài Gòn, ông đã miệt mài nghiên cứu tài liệu tại các thư viện, văn khố ở Pháp và Việt Nam. Theo Haydon Cherry, các học giả tuy đã làm sáng tỏ lịch sử chính trị Việt Nam, song phần lớn lịch sử xã hội của xứ sở này vẫn còn rất mù mờ. Do vậy, ông đã đi sâu vào cuộc sống của những người nghèo ở thuộc địa Sài Gòn - những con người đang bị cuốn vào cơn lốc vận hội mới trên quê hương, với sự biến động của nền kinh tế lúa gạo khu vực và những ràng buộc thể chế của đời sống dưới chế độ thực dân.

Haydon Cherry nhận định: “Quá khứ thuộc địa không có gam màu nâu đỏ hay đơn sắc và người nghèo thành thị không chỉ là một đám đông vô danh”. Qua từng trang sách, tác giả đã đưa người đọc bước vào thế giới của các nhân vật với những số phận và nỗi thống khổ riêng: một gái mại dâm đến từ Biên Hòa cố gắng trốn tránh chính quyền thuộc địa rồi bị giam trong khám đường và trạm xá thành phố; một thợ đá người Hoa ở tỉnh giáp ranh Sài Gòn sử dụng hệ thống tư pháp để chống lại sự lạm dụng và bóc lột của chủ cũ; một di dân từ Bình Định dùng bí danh làm phu xe rong ruổi khắp thành phố Sài Gòn để mưu sinh; một bé gái lai Âu - Á lớn lên trong viện dục anh, về sau nhận ra mình mồ côi thêm một lần nữa giữa dòng đời; một người tàn tật, vật vã ăn xin khắp đường phố Sài Gòn; một công chức Pháp nghèo khổ, nghiện ngập, sống nhờ cơ quan từ thiện của chính quyền...

Hình ảnh Rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi) qua ống kính của nhiếp ảnh gia Ludovic Crespin. Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp.

Hình ảnh Rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi) qua ống kính của nhiếp ảnh gia Ludovic Crespin. Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp.

Những nhân vật kể trên sống ở những giai đoạn khác nhau, có xuất thân khác nhau, song số phận đều vô cùng nghiệt ngã, bi ai. Họ đều sống trong những khu phố Sài Gòn, cùng đi trên những con đường giống nhau, cùng trải qua bao thăng trầm, nỗ lực tồn tại ở thành phố trong những lúc phồn vinh cũng như khốn khó...

Chuyện đời của các nhân vật trong Chìm nổi ở Sài Gòn xoay quanh những sự kiện nhỏ nhặt, thường nhật như: bị giam giữ trong trạm xá thành phố; lá thư hiểm độc gửi cho quan chủ tỉnh; chuyến đi nước ngoài để dưỡng bệnh; trận dịch bất ngờ; nhu cầu đăng ký nơi cư trú; nhu cầu có được nguồn cung á phiện ổn định...

Những biến cố này nghe qua thì ngỡ là chuyện vặt vãnh trong dòng chảy lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, nhất là khi đặt cạnh các dấu mốc nổi bật như phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Thế chiến thứ hai (1939-1945), Cách mạng Tháng Tám (1945), Hiệp định Gèneve (1954), Sự kiện Vịnh Bắc bộ (1964), Hiệp định Hòa bình Paris (1973)... Song, chúng lại là những sự kiện có tầm quan trọng thiết yếu, thậm chí mang tính sống còn đối với cuộc sống của người nghèo.

Bằng lối viết chậm rãi, tao nhã, phong cách chép sử đượm chất văn chương, Haydon Cherry đã tái hiện những mảnh đời chìm nổi, những phận người bé mọn, dường như đã rơi vào quên lãng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Và cũng như tác giả chia sẻ, những câu chuyện trong Chìm nổi ở Sài Gòn có thể sẽ khiến độc giả cảm thấy u uất, buồn rầu, thậm chí là vỡ mộng, tuyệt vọng. Song, đó là minh chứng cho sự bền bỉ, ngoan cường và sáng tạo của những người nghèo thành thị trên hành trình tạo dựng cuộc sống ở vùng đất thuộc địa Sài Gòn.

Haydon Cherry là Tiến sĩ Sử học người New Zealand chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại. Ông hiện đang giảng dạy tại một số trường đại học ở Mỹ, như Đại học Northwestern, Đại học bang North Carolina...

Haydon Cherry có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam và Myanmar, nổi bật nhất là cuốn sách Down and Out in Saigon: Stories of the Poor in a Colonial City do Nhà xuất bản Đại học Yale ấn hành năm 2019.

Được biết, cuốn sách tiếp theo của Haydon Cherry viết về tiểu sử của học giả Đào Duy Anh và lịch sử giới trí thức Việt Nam thế kỷ 20.

Hà Thy Linh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-manh-doi-chim-noi-o-sai-gon-dau-the-ky-20-42411.html