Những mẫu xe tạo ra đột phá về công nghệ an toàn
Dây an toàn, túi khí, hệ thống cân bằng điện tử được coi là những tính năng an toàn quan trọng nhất trên xe hơi ngày nay.
Chrysler 300D (1958): Hệ thống phun xăng điện tử
Công nghệ phun xăng điện tử đã có một khởi đầu khó khăn.
Hãng xe AMC của Mỹ đã mua công nghệ này từ công ty Bendix với ý định cung cấp nó như một tùy chọn trên chiếc Rambler Rebel 1957. Tuy nhiên, nó hoạt động không ổn định trong quá trình thử nghiệm và không được thương mại hóa.
Tới năm 1958, Chrysler tiếp tục đưa công nghệ này lên chiếc 300D của họ nhưng cũng xảy ra trục trặc khiến công ty này phải tiến hành triệu hồi sản phẩm.
Các bằng sáng chế của Bendix sau đó đã được bán cho hãng Bosch của Đức, công ty đã hoàn thiện nó và đã đạt được thành công ngoài kỳ vọng.
Volvo Amazon (1959): Dây an toàn 3 điểm
Như đã nói trong phần trước, Volvo và Saab luôn cạnh tranh nhau để tạo ra chiếc xe an toàn nhất. Nhờ đó Saab đã sáng chế ra kết cấu cabin an toàn, còn Volvo cũng không kém cạnh khi tạo ra dây an toàn 3 điểm. Đây là tính năng an toàn quan trọng nhất, cứu được nhiều mạng người nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Vì sự an toàn của xã hội, Volvo cũng cho phép các công ty khác sử dụng sáng chế này mà không phải trả phí.
Jensen FF, Mercedes S-Class (1968, 1978): Hệ thống chống bó cứng phanh
Jensen FF là mẫu xe đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh cơ học vào năm 1968. Vào thời điểm ra mắt thị trường, công nghệ này có giá rất đắt và còn lạ lẫm với người dùng nên chiếc Jensen FF đã chịu thất bại về mặt thương mại.
Tới khi Mercedes trang bị hệ thống chống bó cứng phanh điện tử (ABS) trên chiếc S-Class W116 hàng đầu của hãng, công nghệ chống bó cứng phanh mới được thế giới công nhận về độ an toàn và hiệu quả mà nó mang lại.
General Motors (1974) - Túi khí
Kỹ sư John Hetrick (1918-1999) đã phát minh ra túi khí vào năm 1952 nhưng phải đến thập niên 70, túi khí mới được sử dụng rộng rãi trên xe hơi. GM là hãng xe đầu tiên mang công nghệ này lên các mẫu xe Buick, Cadillac và Oldsmobile cỡ lớn của mình năm 1974.
Ban đầu, túi khí được đặt tên đầy đủ là ‘Hệ thống hạn chế va đập bằng đệm khí’.
Mazda Eunos Cosmo (1990): Dẫn đường vệ tinh
Ý tưởng về một hệ thống định vị tích hợp trên xe hơi đã được nhen nhóm từ lâu nhưng phải đến thập niên 90, khi dịch vụ định vị GPS được cung cấp miễn phí cho người dân, tính năng này mới thực sự trở thành hiện thực. Và Mazda Eunos Cosmo là mẫu xe đầu tiên được trang bị công nghệ này.
Dù quân đội Mỹ đồng ý chia sẻ dịch vụ GPS cho người dân trên toàn thế giới, nhưng họ lo ngại rằng các đối tượng khủng bố sẽ lợi dụng công nghệ này để chế tạo tên lửa dẫn đường nên trong thời gian đầu tín hiệu GPS dân sự bị giới hạn về độ chính xác. Đến năm 2000, những hạn chế này mới được gỡ bỏ nhờ một sắc lệnh của tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Ngày nay, tính năng định vị, dẫn đường bằng vệ tinh trên xe hơi có độ sai lệch chỉ vài chục cm.
Mercedes-Benz CL600 (1995): Hệ thống cân bằng điện tử
Hệ thống cân bằng điện tử (ESC) là một phát minh quan trọng của ngành sản xuất ô tô. Bằng các cảm biến điện tử, ESC giúp cho chiếc xe nhanh chóng lấy lại cân bằng trong các tình huống nguy hiểm, ngăn ngừa hiện tượng mất lái, trượt bánh hay lật xe.
Mercedes-Benz CL600 là chiếc xe đầu tiên được trang bị ESC vào năm 1995. Hai năm sau đó, Mercedes tiếp tục mang công nghệ này lên dòng A-class. Tới nay, ESC đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên những chiếc xe bán ra tại Mỹ và châu Âu.
Infiniti Q45 (2002): Điều khiển bằng giọng nói
Lần đầu tiên người sử dụng có thể giao tiếp với ô tô bằng giọng nói trên chiếc Infiniti Q45 đời 2002. Ban đầu, tính năng này khá hạn chế, chỉ được dùng để ra lệnh định vị dẫn đường, trong khi cơ chế nhận dạng giọng nói cũng chưa thật chính xác.
Tới hiện tại, tính năng điều khiển bằng giọng nói đã phát triển hơn trước rất nhiều, người lái có thể ra lệnh cho chiếc xe thực hiện rất nhiều thao tác như bật nhạc, gọi điện, nhắn tin... mà không cần phải chạm tay.
Toyota Prius (2003): Tự động đỗ xe
Công nghệ tự động đỗ xe được coi là cứu tinh cho những người lái xe non tay, và nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2003 trên chiếc Toyota Prius phiên bản nội địa Nhật. Phải mất ba năm nữa, Toyota mới xuất khẩu công nghệ này ra nước ngoài bằng trang bị trên mẫu xe hạng sang Lexus LS.
Dù công nghệ rất thông minh, hiện đại nhưng thời gian để chiếc xe tự đỗ về đúng vị trí vẫn lâu con người tự điều khiển rất nhiều.
Volvo S80 (2006): Hệ thống cảnh báo điểm mù
Volvo là công ty đầu tiên trang bị tính năng cảnh báo điểm mù lên chiếc S80 của hãng. Bằng cách sử dụng camera gắn ở dưới 2 gương chiếu hậu, hệ thống sẽ phát hiện được những phương tiện khác đang ở khu vực điểm mù của ô tô và đưa ra cảnh báo tương ứng. Công nghệ này đang được áp dụng rộng rãi trên những chiếc xe hiện đại ngày nay.
Mercedes-Benz S-Class (2006): Phanh khẩn cấp tự động
Mercedes giới thiệu hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2006, và được cung cấp dưới dạng tùy chọn trên chiếc S-Class W221 và CL-Class C216.
AEB sử dụng các radar để quan sát con đường phía trước và gửi tín hiệu đến bộ xử lý ECU. Nếu chúng phát hiện một vụ va chạm sắp xảy ra, hệ thống sẽ phát ra cảnh báo bằng âm thanh, hình ảnh và tự động phanh một lực bằng 40% lực phanh cực đại nếu người lái xe vẫn không có động thái xử lý. Quá trình này diễn ra chỉ trong tích tắc.
Từ các nghiên cứu cho thấy, AEB đã giúp giảm đáng kể các vụ tai nạn và hạn chế mức độ nghiêm trọng khi va chạm xảy ra. Trong vòng 1-2 năm tới, đây sẽ là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các chiếc xe hơi được bán tại châu Âu và Mỹ.
Ngân Vũ (Autocar)
Trân trọng mời bạn đọc gửi bài viết, ảnh, video về Ban Ô tô xe máy qua email: otoxemay@vietnamnet.vn. Những thông tin phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!