Những máy bay ném bom có sức tàn phá khủng khiếp nhất trên thế giới
Trang Military Today đã tiến hành phân tích, xếp hạng dựa trên thông số, dữ liệu có sẵn và các so sánh kỹ thuật, để có được bảng xếp hạng những chiếc máy bay cực kỳ nguy hiểm và có mức sức tàn phá khủng khiếp này.
Các máy bay này được xếp hạng dựa trên khả năng tàng hình, khả năng trang bị vũ khí, tải trọng, tốc độ, phạm vi và công nghệ. Danh sách chỉ bao gồm các máy bay ném bom đang hoạt động trên toàn thế giới, không bao gồm những máy bay đang trong giai đoạn nguyên mẫu.
1, Máy bay Northrop Grumman B-2 Spirit của Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược này được thiết kế trong thời Chiến tranh Lạnh. Hiện, máy bay ném bom hình dơi màu đen B-2 Spirit là viên đạn bạc của chính phủ Mỹ, được dành để chống lại các mục tiêu có mức ưu tiên cao nhất.
Do thiết kế phức tạp cùng lớp thẩm thấu sóng radar của nó, nên B-2 gần như hoàn toàn tàng hình. Vì vậy, nó có thể dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương. Không những thế, rất nhiều cảm biến và hệ thống điện tử của B-2 vẫn được giữ bí mật. Ngoài ra, B-2 cũng có thể mang theo rất nhiều loại vũ khí với trọng lượng lớn. Nó có thể mang theo tới 18.000 kg vũ khí bao gồm tên lửa hành trình, bom nhiệt hạch rơi tự do và bom dẫn đường chính xác. Nó có thể bay hơn 12.000 km sau mỗi lần tiếp đầy nhiên liệu.
Hiện tại, B-2 Spirit là mẫu máy bay ném bom tốt nhất từng được chế tạo trên thế giới. Đồng thời, B-2 cũng là máy bay đắt nhất từng được chế tạo trên thế giới. Do mức giá cao nên Không quân Hoa Kỳ hiện chỉ vận hành 20 chiếc B-2. Máy bay chiến lược hiện đại này cũng không được bán cho bất kỳ nước nào ngay cả các đồng minh trong khối NATO.
2, Rockwell B-1B Lancer, Mỹ
B-1B Lancer là một máy bay ném bom chiến lược được đưa vào phục vụ từ năm 1986. Lancer có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân. Chiếc máy bay này được trang bị một số công nghệ tàng hình. Nó sử dụng hệ thống biện pháp đối phó toàn diện và có thể vượt qua hệ thống phòng không tinh vi của đối phương.
B-1B Lancer có tải trọng lớn hơn bất kỳ máy bay ném bom nào khác của Mỹ, và nó có thể mang theo số tên lửa hoặc bom có trọng lượng lên tới 34.000 kg. Có tổng cộng 100 chiếc B-1B đã được sản xuất. Hiện khoảng 70 chiếc B-1B có thể phục vụ chiến tranh ngay lập tức. Dự kiến, B-1B sẽ tiếp tục phục vụ tới năm 2030, sau đó sẽ được thay thế bởi các máy bay ném bom thế hệ tiếp theo.
3, Boeing B-52H Stratofortress, Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân. Nó đã phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1955. Tính tổng cộng mọi phiên bản, có 744 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 đã được sản xuất. Chiếc B-52H là phiên bản cuối cùng.
Mặc dù có nhiều máy bay ném bom mới đã được ra mắt, nhưng B-52 vẫn được sử dụng do hiệu suất cao và chi phí vận hành thấp. Hiện vẫn còn 85 chiếc B-52, đang được sử dụng trong Không quân Mỹ. Dự kiến, B-52 sẽ hoạt động tới năm 2044.
4, Tupolev Tu-160 của Nga
Tu-160 là máy bay chiến đấu lớn nhất và nặng nhất từng được sản xuất trên thế giới. Tu-160 có thể mang tên lửa hành trình và tên lửa tấn công các công trình mặt đất được trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Máy bay ném bom này cũng có thể chứa lượng bom rơi tự do lên tới 40 tấn. Phạm vi hoạt động của nó là 14.500 km.
Có tổng số 39 chiếc Tu-160 được sản xuất và chi phí sản xuất cũng như bảo trì của máy bay này cực kỳ tốn kém. Theo một số nguồn tin cho biết, hiện Nga chỉ vận hành 16 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 này.
5, Tupolev Tu-95, Nga
Máy bay ném bom chiến lược động cơ phản lực cánh quạt Tu-95 (NATO gọi là Bear), được đưa vào phục vụ từ năm 1956 và hiện vẫn là một phần quan trọng của sức mạnh không quân tầm xa của Nga.
Ban đầu, máy bay này được thiết kế với mục đích mang bom hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ. Nó có thể mang theo 15.000 kg bom và phạm vi hoạt động là 12.500 km. Mô hình hiện tại đã được cập nhật của Bear có thể mang theo 6 tên lửa hành trình tầm xa. Phạm vi hoạt động của mô hình mới cũng được nâng lên 15.000 km.
Hiện có khoảng 60 chiếc Tu-95MS đang phục vụ trong Không quân Nga. Và Tu-95 cũng là máy bay ném bom chiến lược duy nhất sử dụng động cơ phản lực cánh quạt. Mặc dù có tuổi đời khá cao nhưng máy bay ném bom này vẫn sẽ được phục vụ ít nhất là tới năm 2040.
6, Tupolev Tu-22M, Nga
Tu-22M được phát triển từ thiết kế Tu-22 trước đó, nhưng được thay đổi về thiết kế hình dạng cánh bên ngoài. Máy bay ném bom này có thể mang theo tới 24.000 kg vũ khí, bao gồm cả tên lửa và bom rơi tự do.
Hơn 570 máy bay Tu-22M đã được sản xuất. Trong đó, Tu-22M3 là phiên bản mới nhất và vẫn còn là máy bay ném bom chiến lược quan trọng nhất của Không quân Nga.
7, Xian H-6K, Trung Quốc
Chiếc Xian H-6 cơ bản là một phiên bản sản xuất dựa trên thiết kế đã được mua bản quyền của chiếc máy bay ném bom tầm trung Tu-16 của Liên Xô. Một số phiên bản H-6 có thể mang theo tên lửa hành trình có khả năng phóng trên không. Ngoài ra, H-6 có thể mang theo vũ khí hạt nhân. Hơn 100 chiếc H-6 vẫn đang phục vụ quân đội Trung Quốc.
Còn phiên bản mới nhất H-6K, được phát triển thành một máy bay ném bom chiến lược tầm xa và mới đi vào phục vụ trong vài năm qua.
Mẫu máy bay mới có động cơ mới và có thể mang thêm nhiều nhiên liệu giúp mở rộng phạm vi hoạt động hơn nữa. Nó được trang bị tên lửa hành trình có thể phóng ra từ bên dưới cánh. Ngòa ra, H-6K có khả năng tấn công các nhóm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ và các mục tiêu ưu tiên trong khu vực châu Á. Nó cũng có thể mang theo vũ khí hạt nhân.