Những miền quê nông thôn mới rộn vang tiếng cười
Hết năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đạt các nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia về tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025. Hình hài, diện mạo của từng thôn, xã NTM hiện diện ở khắp mọi vùng quê trong tỉnh.
Xã Húc Động (huyện Bình Liêu) giờ đây không còn là ngôi làng hẻo lánh của đồng bào Sán Chỉ nữa. Con đường thảm nhựa êm ru nối liền từ trung tâm thị trấn Bình Liêu tới tận xã, rồi từ đây lại có tuyến đường liên xã Húc Động - Hoành Mô - Đồng Văn để kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực.
Chúng tôi đến Húc Động vào những ngày cuối năm, khi cả xã tất bật với vụ miến Tết. Anh Trần A Chiu - chủ cơ sở sản xuất miến dong Trần Chiu (thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) đang cùng với công nhân chất những bao miến cuối cùng lên chiếc xe tải của nhà, chuẩn bị chuyển tới khách hàng ở Bắc Giang. Anh Chiu kể: Từ ngày giao thông thuận lợi, khách đến thăm cơ sở và đặt hàng nhiều hơn. Còn nhớ những năm trước chở từng bao miến bằng xe máy ra chợ Bình Liêu mất cả tiếng đồng hồ, giờ chỉ đi 15 phút là tới.
Không chỉ ở xã Húc Động, khắp huyện Bình Liêu người dân đều tích cực, chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng không phù hợp, năng suất thấp sang trồng cây dong riềng, hoặc cây lâm sản có giá trị. Cùng với đó huyện tiếp tục vận động, định hướng người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, đóng góp tích cực vào kết quả giảm nghèo của huyện. Hết năm 2023, huyện Bình Liêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương; năm 2024 huyện chỉ còn 8 hộ nghèo (chiếm 0,1%), 645 hộ cận nghèo (chiếm 8,24%) theo chuẩn nghèo của tỉnh.
Khắp các vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ninh ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP của nông dân được thị trường tin dùng, vươn xa đến các tỉnh, thành trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Đây chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân tự tin bước vào thị trường, tự mình nâng cao chất lượng sản phẩm để mang lại thu nhập ngày càng cao.
Qua nhiều năm kiên trì triển khai, hiện nay Tiên Yên đã định hình được mô hình kinh tế nông nghiệp chủ đạo, đó là “hai con, một cây” với con gà, con tôm và cây bản địa. Đàn gà ở Tiên Yên năm 2024 đạt tới trên 1,3 triệu con, cao hơn so với những năm gần đây. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán này, Tiên Yên có sẵn khoảng 120.000 con gà thương phẩm để cung ứng ra thị trường. Ngoài gà thương phẩm, Tiên Yên hiện có trên 1.000ha quế, trong đó có 200ha quế được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cả chu trình sản xuất này, người trồng rừng không sử dụng phân, thuốc hóa học, khiến cho chất lượng vỏ quế nâng lên, tỷ lệ tinh dầu và những vi chất có lợi trong cây quế đạt cao.
Sự khấm khá về kinh tế góp phần quan trọng mang đến sự phong phú về đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Tại các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, mỗi dịp lễ hội, ngày hội truyền thống, bà con lại rộn ràng, vui tươi ca hát. Các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, dân ca văn nghệ truyền thống phát triển sôi nổi khắp các thôn, xóm, thu hút người dân tham gia rèn luyện sức khỏe, giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần. Từ đây khuyến khích người dân thể hiện vai trò chủ thể trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm 2024, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu ấn mới với việc Bình Liêu là huyện miền núi biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là hai huyện miền núi đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.