Những mô hình kiểu mẫu theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn ra sức thi đua, bằng những việc làm cụ thể, phấn đấu để trở thành công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, thôn bản kiểu mẫu, huyện kiểu mẫu, tỉnh kiểu mẫu.
Mô hình vườn mẫu ở xã Quảng Lưu (Quảng Xương). Ảnh: Trần Thanh
Trong lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, ngay tại thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), nói chuyện với các nhân sĩ, trí thức, phú hào của tỉnh, Bác mong muốn “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn ra sức thi đua, bằng những việc làm cụ thể, phấn đấu để trở thành công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, thôn bản kiểu mẫu, huyện kiểu mẫu, tỉnh kiểu mẫu.
Khi những chồi cây đang bung lộc biếc trong nắng xuân, chúng tôi về thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến (Hà Trung). Không gian làng quê nơi đây thật êm đềm, thơ mộng, phong quang đẹp đến ngỡ ngàng trong cảm giác thân thương. Cùng với những con đường bê tông trải rộng là hình ảnh ngôi đình cổ kính hàng trăm năm tuổi, kề bên cây đa cổ thụ, giếng làng, tường rào đá đậm nét rêu phong. Dường như ở vùng quê cách mạng Bái Sơn đang có sự hòa quyện giữa hồn quê Việt xưa với diện mạo nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu hôm nay. Sau khi được tỉnh lựa chọn làm mô hình thí điểm xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đảng ủy, UBND xã Hà Tiến đã ban hành các nghị quyết, đề án để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, chi bộ thôn Bái Sơn cũng ra nghị quyết chuyên đề xây dựng thôn NTM kiểu mẫu và thành lập ban kiến thiết thôn. Đáng nói hơn, khi triển khai thực hiện, chi bộ và ban kiến thiết thôn đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân trong thực hiện các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, xã và thôn đã thống nhất quan điểm, song song với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến thiết các thiết chế văn hóa như nâng cao chất lượng làng văn hóa, gia đình văn hóa... để đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày một nâng cao của người dân, là việc chú trọng bảo tồn, lưu giữ lại tất cả vẻ đẹp hồn cốt vốn có của Bái Sơn. Với quyết tâm xây dựng Bái Sơn trở thành thôn NTM kiểu mẫu, cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận và các đoàn thể trong thôn “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động mọi người dân cùng chung tay thực hiện. “Ý Đảng - lòng dân” hòa hợp, nhân dân thôn Bái Sơn đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, tiền để bê tông hóa đường nội thôn, tu sửa nhà văn hóa, tôn tạo đình làng Bái Sơn. Ngoài ra, các hộ dân trong thôn đều tự giác chỉnh trang nhà ở và khuôn viên theo đúng quy hoạch của thôn NTM kiểu mẫu. Nhờ tinh thần đoàn kết, Bái Sơn đã “cán đích” thôn NTM kiểu mẫu.
Trở lại thôn Yên Thịnh, xã Thành Tâm - 1 trong 2 thôn đầu tiên của huyện miền núi Thạch Thành được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, qua mỗi ngõ xóm, thăm từng hộ gia đình cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là diện mạo nông thôn đổi mới với những gam màu sáng. Ở Yên Thịnh không chỉ có hạ tầng khang trang, không gian thoáng mát, trong lành, mà những nếp sống văn hóa mới còn hiện hữu trong từng con người, mỗi gia đình. Toàn thôn có 106 hộ dân, với 428 nhân khẩu, đồng bào Mường chiếm hơn 36%. Xác định và nhận thức rõ được tiêu chí văn hóa luôn là một tiêu chí quan trọng nên khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, cấp ủy chi bộ thôn Yên Thịnh rất quan tâm đến việc xây dựng những công dân, gia đình kiểu mẫu. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cấp ủy chi bộ tập trung củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thông qua công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đặc biêt, cấp ủy chi bộ và lãnh đạo thôn đã tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ để giáo dục con cháu thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; những quy định của chính quyền các cấp, tôn trọng pháp luật, gắn với xây dựng gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Qua đó, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, từng khu dân cư. Hiện nay, toàn thôn Yên Thịnh có trên 83% hộ dân đạt danh hiệu “gia đình kiểu mẫu”, nhiều gia đình xây dựng thành công mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”. Song song với xây dựng văn hóa, người dân Yên Thịnh cũng rất năng động với những mô hình phát triển kinh tế. Các hộ dân địa phương đã tiến hành cải tạo lại vườn tạp và đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, như: Trồng cây thanh long ruột đỏ, dứa, mít, ổi,... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, trong thôn còn có 1 HTX chăn nuôi tổng hợp, với quy mô khoảng 4.000 đôi chim bồ câu Pháp; 4 hộ dân có mô hình gia trại, trang trại tổng hợp có quy mô lớn. Bên cạnh đó, người dân trong thôn đã chú trọng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, đó là cây mía nguyên liệu với Nhà máy Đường mía Việt Nam - Đài Loan. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 61 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của xã 20 triệu đồng. Đó chính là những hạt nhân quan trọng góp phần để Yên Thịnh đạt thôn NTM kiểu mẫu.
Nhằm góp sức cùng các địa phương tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đầu năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu” tại 5 huyện: Đông Sơn, Yên Định, Hà Trung, Thiệu Hóa, Thạch Thành. Tháng 3-2019, Hội LHPN huyện Yên Định triển khai xây dựng mô hình điểm “Nhà sạch, vườn mẫu” tại thôn Thọ Lộc, xã Yên Trung, với 10 hộ gia đình tham gia. Để thực hiện mô hình, các hộ tham gia đã tiến hành cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Là 1 trong 10 hộ tham gia mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu” ở thôn Thọ Lộc, chị Lê Thị Hiền cho biết, kể từ ngày tham gia mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”, được tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền, gia đình chị đã chuyển chuồng trại chăn nuôi ra phía sau và cách xa nơi ở để giữ vệ sinh. Đồng thời, thực hiện cải tạo lại vườn tạp, tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ. Thời gian tới, gia đình chị Hiền tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí theo quy hoạch để nâng cao thu nhập, cũng như trồng hoa, trang trí tường rào góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp chung của thôn và khu dân cư.
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phân công cán bộ xuống từng gia đình hướng dẫn từng chị em vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, phân loại và xử lý rác thải, cải tạo vườn tạp... Việc làm tuy nhỏ, nhưng mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu” đã phát triển thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh với những thay đổi thiết thực trong nhận thức của nhân dân về việc tạo cảnh quan, môi trường sống sạch đẹp, trong lành. Đến nay các mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu” đã xây dựng được 50 con đường hoa, hàng rào xanh với chiều dài 5,2 km, hoàn thành sơ đồ thiết kế quy hoạch vườn mẫu cho từng hộ; 47/50 hộ lắp cổng vòm để trồng cây leo; 13/50 hộ lắp hệ thống tưới tự động, 50/50 hộ có thùng rác phân loại rác thải ngay tại gia đình và sắp xếp bố trí đồ đạc, chuồng trại chăn nuôi gọn gàng, ngăn nắp. Mặc dù mới triển khai, nhưng những mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu” đã và đang lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, góp phần tạo nên những gia đình kiểu mẫu, thôn bản kiểu mẫu ở các địa phương.
Đông Sơn là huyện vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cách đây 73 năm. Ngay tại thị trấn Rừng Thông, nói chuyện với các nhân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh ta, Bác mong muốn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Ý thức sâu sắc lời dạy của Người và chỉ đạo của tỉnh, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Đông Sơn đã xây dựng Đề án “Xây dựng con người, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2020 có 70% công dân, gia đình, thôn và tổ dân phố kiểu mẫu; 5 xã, thị trấn kiểu mẫu; 22 cơ quan, đơn vị kiểu mẫu. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong việc xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu. Nhiều phong trào xây dựng những điển hình tiên tiến, danh hiệu kiểu mẫu đã được các cấp ủy đảng, đoàn thể trong huyện triển khai. Điển hình như các phong trào: “Chi hội phụ nữ kiểu mẫu, 5 không - 3 sạch, xây dựng NTM kiểu mẫu”, “Đường hoa sạch - đẹp kiểu mẫu”; “Hội cựu chiến binh tham gia xây dựng tường rào mẫu”; “Hội viên nông dân cải tạo vườn tạp và xây dựng vườn mẫu”... Các phong trào đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt là đã thu hút 59.228 công dân, 20.760 gia đình, 115 cơ quan, đơn vị, thôn và tổ dân phố đăng ký thực hiện xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cách làm phù hợp, huyện Đông Sơn đã có 76,1% người đạt danh hiệu công dân kiểu mẫu, 74,1% gia đình đạt danh hiệu kiểu mẫu, 46,8% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu kiểu mẫu. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của huyện. Đó cũng là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Sơn phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng thành công huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Cùng với việc xây dựng, nhân rộng, lan tỏa những công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu, huyện kiểu mẫu ở các địa phương, những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế đưa Thanh Hóa lên vị thế mới, với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đó chắc chắn là tiền đề, động lực để chúng ta tin tưởng đến năm 2030, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.