Những mùa tràm bừng cháy

Dũng mơ màng nhớ lại những lần được ba chở đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch của ông. Ngồi sau lưng ba, anh ngửi thấy mùi mồ hôi gắt nồng của ông, lại còn bị cái bàn xoa độn dưới mông rất đau, vì ông luôn 'kiêm' cả thợ chính. Nhưng ông luôn hồ hởi chỉ cho Dũng những cây tràm bông vàng thơm ngát hai bên đường. Ông hay nói với Dũng: 'Con nhìn đi, mai sau ở đây sẽ mọc lên những ngôi nhà, những công trình lớn. Thân cây tràm sẽ được làm cọc móng rất chắc chắn…'.

Việc ông Linh đến thăm làm đảo lộn hết cuộc sống thường ngày của Dũng. Một căn hộ chung cư với đầy đủ tiện nghi hiện đại là niềm tự hào của Dũng, nhưng đối với ông Linh thì đó là một sự xa xỉ, phí phạm không cần thiết.

- Dũng à, con mới vào nghề được hơn năm năm mà sống trong một căn hộ sang trọng như thế này sao? Con không thấy ngại à?

Dường như ông muốn ám chỉ đến những “phi vụ” mà Dũng tham gia với nhà thầu xây dựng. Nhưng đây là lần đầu tiên ba Dũng lên thành phố thăm con; tận mắt chứng kiến sự “thành đạt” của con trai, có lẽ ông cũng… choáng. Vì thế, anh im lặng hoặc tìm cách đánh trống lảng trước những nhận xét tương tự như thế của ba. Anh nghĩ ba mình là một người bảo thủ, tư duy cũ kỹ, hơn nữa, xuất thân là một anh thợ xây, làm sao ông hiểu được những vinh nhục trong nghề thiết kế, xây dựng.

Thuở nhỏ, Dũng thường được ba đưa đi học trên chiếc xe đạp cọc cạch dính đầy vôi vữa. Theo cảm nhận của anh thì ông rất yêu nghề xây dựng. Khi Dũng tốt nghiệp đại học ngành xây dựng, anh biết mình đã mang đến hạnh phúc lớn cho ba mình.

Được vài hôm, ông lại than phiền với Dũng:

- Ở đây ngột ngạt quá, không thấy một bóng cây nào cả... Ba không hiểu sao thời đại càng tiến bộ, con người lại càng phải chui rúc vào những cái hộp bé xíu bé xiu thế này, lại còn chất đầy xung quanh các loại máy móc thiết bị. Cứ y như là người máy vậy…

Dũng gãi đầu gãi tai, cười trừ. Khỏi phải giải thích thì ông cũng hiểu đây là xu thế của thời đại mới, rằng đây là bước “quá độ” trong quá trình đô thị hóa… mà con trai ông đang góp phần giải quyết nó. Nhưng người già thường có thái độ không mấy thiện cảm đối với những điều mới mẻ, hiện đại. Biết ba buồn nên Dũng hướng dẫn ông mở các kênh HBO, Star Movies… hoặc “lướt web” để xem thông tin thay vì đọc báo… Nhưng rồi ông cũng úp mở đề nghị con trai:

- Ba có người bạn… lâu lắm rồi không gặp mặt. Con thu xếp đưa ba đi gặp bác ấy, rồi ba về sớm…

Nhìn vào mắt ba, tự nhiên Dũng thấy nguôi đi nỗi bực dọc trong lòng. Anh biết ông không thể thích nghi với cuộc sống hiện tại của anh, càng không thể thích nghi với cuộc sống đơn côi khi mẹ anh qua đời. Từ một người đàn ông có thân hình chắc nịch, bờ vai vạm vỡ, bây giờ trông ba nhỏ bé, chậm chạp, lại có ánh mắt sợ hãi khi nhìn vào dàn máy karaoke tối tân, hay là vào nhà vệ sinh sáng choang của Dũng… Anh cảm thấy thương ba vô cùng. Lần đầu tiên trong đời, Dũng tự cho phép mình vỗ vai ba như một người đàn ông thực thụ:

- Ba đừng vội, cứ ở đây chơi với con. Con hứa sẽ không đưa bạn bè về làm ồn ba đâu. Rồi con sẽ đưa ba đi Vũng Tàu, đi Đại Nam chơi…

*

Một tuần trôi qua, Dũng không thấy ba than thở gì nữa. Nhưng mỗi sáng, mỗi chiều nhìn thấy ba cặm cụi mở cửa ra ban công hóng gió, anh lại nhớ đến lời hứa chưa thực hiện được với ba. Nhưng anh đang ở trong giai đoạn ráo riết giám sát một loạt các công trình sắp hoàn thành, không thể nào buông ra được. Cũng có nghĩa là anh cũng ráo riết nắm bắt lấy cơ hội làm thân với các nhà thầu, và bằng mọi cách phải ở lại thành phố này để tiếp tục công việc yêu thích của mình. Làm sao mà có thời gian đưa ba đi chơi như đã hứa.

Công việc của Dũng là giám sát thi công xây dựng công trình. Anh vừa được cấp chứng chỉ hành nghề sau năm năm cháy mặt tại các công trình trong thành phố Biên Hòa và các huyện. Bây giờ mục đích lớn nhất của anh là trụ lại tại thành phố Biên Hòa thay vì đi Nhơn Trạch trong vòng hai năm như gợi ý phân công. Anh thấy cần phải khuấy lên cuộc chiến đấu giữa những công trình và những bàn nhậu, phải nắm được trong tay cơ hội thuận lợi nhất; nếu không, mãi mãi anh vẫn chỉ là một anh chàng giám sát thi công tầm tầm mà thôi.

Sáng hôm ấy, Dũng tạt vào công trường mở rộng công viên Biên Hùng. Công trình mới trong giai đoạn khởi công, vẫn còn ngổn ngang đủ thứ. Thấy một nhóm công nhân túm tụm bên bức tường đang đập dở, Dũng rảo bước tới, mục đích là để nhắc nhở họ. Anh thấy họ cười rộ lên và chỉ trỏ vào cái gì đó trên bàn tay của anh Cung, trưởng nhóm công nhân. Dũng hỏi:

- Cái gì vậy bác Cung? Sao không bảo anh em làm việc đi…

Mắt bác Cung sáng lên, đưa cho Dũng một mảnh bao xi măng và nói có vẻ bí mật:

- Tụi tui mới “khai quật” được cái này đây. Cậu xem có thú vị không?

Dũng cầm lấy mảnh giấy, vốn được cuộn tròn và dính đầy vôi vữa. Anh nhìn lên hốc tường và chợt hiểu. Có lẽ mảnh giấy này đã nằm ở đó mấy chục năm rồi, từ lúc căn nhà này bắt đầu được xây dựng.

Minh họa: Đỗ Dũng

Minh họa: Đỗ Dũng

Anh mở nó ra xem. Mảnh giấy khá vuông, một bên vẽ một kết cấu nhà trông ngộ ngộ, còn một bên chằng chịt những chữ. Anh liếc qua hình vẽ rồi đọc phần chữ viết: “Chúng tôi đang phải xây một căn nhà cho một ông tướng ở Biên Hòa, để ông ấy lập “phòng nhì” ở đây. Ước gì chúng tôi là người đập tan nó ra chứ không phải ngày đêm dùng tuổi thanh xuân của mình để làm một công trình vô nghĩa như thế này. Ở đây phải là một công viên đẹp, một góc nhìn thoáng đãng. Công trình chúng tôi muốn xây dựng nên phải là thế này (một mũi tên chỉ thẳng sang hình vẽ): Một Thần vệ nữ phương Đông!”.

Trong khi những người công nhân tản ra vì cái nheo mắt khó chịu của Dũng, thì anh Cung vẫn còn nấn ná bên cạnh, chỉ để phát biểu thêm một câu nữa:

- Cậu Dũng, cậu thấy cái này giống cái gì nào?

Dũng nhìn sang bức phác họa tòa nhà bên cạnh. Ban đầu, anh chưa nhận ra ý đồ của người vẽ. Nhưng cái tên “Thần vệ nữ phương Đông” làm anh bừng nhận ra: Đó là một tòa nhà mô phỏng dáng đứng của một người phụ nữ khỏa thân. Trong một thoáng, Dũng nhận thấy hình vẽ này khá giống bức tượng Dương Quý Phi bằng ngọc thạch ở Tây An - Trung Quốc. Nhưng nó có vẻ gì đó phóng khoáng, mạnh bạo hơn. Dũng mỉm cười, nhưng anh làm bộ nghiêm khắc gạt nó xuống đất:

- Thôi, ba cái nhảm nhí để tâm làm gì. Anh bảo anh em làm việc đi…

Dũng đi một vòng, lúc quay ra lấy xe, anh thấy mảnh giấy vẫn còn nằm dưới đất. Ngần ngừ một lát, anh lại cúi xuống nhặt lấy nó, nhét vào cặp táp.

Tối hôm đó, về nhà, vô tình Dũng lại mở mảnh giấy đó ra. Anh chăm chú xem nó một lúc và cảm thấy hình vẽ tòa nhà rất hấp dẫn. Phải công nhận là nó mang một vẻ đẹp rất mới mẻ, rất lãng mạn (mặc dù nó đã được vẽ ra không dưới bốn mươi năm). Lại ở một cái “view” rất đẹp, rất nổi bật. Không biết anh thợ nào, hay người họa viên nào đã sáng tác ra nó trong lúc sao nhãng công việc đây. Dòng chú thích bên cạnh hình vẽ khiến Dũng bật cười. Anh nghĩ rằng người vẽ ra nó phải là một anh chàng lãng tử, tài hoa, và còn táo bạo nữa.

Thấy ba đang ngồi bó gối xem thời sự trên truyền hình, Dũng đến gần, chìa cho ông xem mảnh giấy:

- Ba, hôm nay con nhặt được cái này ở ngoài công trường. Ba xem có lạ không?

Thấy con trai bắt chuyện với mình, ông Linh hào hứng quay ra ngay. Dũng lấy làm lạ khi thấy tay ông chợt run rẩy, những ngón tay cứ miết cho thẳng tờ giấy ra, còn mắt thì chăm chú nhìn hình vẽ không rời.

- Ba!

Dũng thoáng sợ, không biết bệnh cao huyết áp có làm ông mệt không. Khi ông ngẩng lên, Dũng nhận thấy mắt ba mình chợt sáng lên như một ngọn lửa. Môi ông mím chặt, mắt ông nhìn Dũng rất sắc.

- Ba!

Ông Linh nắm chặt lấy mảnh giấy, rồi bất ngờ ông nhìn thẳng vào mắt Dũng và hỏi:

- Bây giờ ba con mình nói chuyện nghiêm túc một chút được không?

- Dạ… - Dũng thoáng lúng túng - nhưng mà tấm hình phác họa này…?!

- Nó không quan trọng - ông Linh nói nhỏ, nhưng nghiêm khắc - dù sao thì nó đã thuộc về quá khứ rồi. Còn hiện tại… và cả tương lai của con mới quan trọng. Con có hiểu ý ba nói không?

Dũng cười gượng, anh hiểu rằng ba đang có ý phê phán mình, nhưng về chuyện gì thì anh chưa nghĩ ra.

- Dạ… mà về chuyện gì hả ba?

- Ý ba hỏi con hoạch định cuộc đời mình như thế nào, con sẽ chọn cách sống nào để có được hạnh phúc?

Dũng lại cười, anh giả vờ gãi đầu gãi tai cho qua chuyện:

- Ba hỏi chuyện to tát vậy. Thanh niên tụi con chỉ cần sống hết mình, làm việc hết mình là vui rồi, ba ơi!

Ông Linh lại nhìn thẳng vào mắt Dũng. Chưa bao giờ ông nhìn con trai theo cách đó, vừa ngang hàng vừa dữ dội.

- Con nói vậy, nhưng chưa đủ… Còn phải theo ý riêng của con nữa, đúng không?

- Ba…

Dũng hiểu rằng ba đã nắm lấy vũ khí của người cha, đó là sự phán xét. Ông dừng lại thở một lát, rồi nói tiếp:

- Con giải thích cho ba vì sao con phải đi nhậu với đối tác thâu đêm suốt sáng như vậy? Con giải thích vì sao con chuẩn bị quà cáp cho các sếp, và còn cấu kết với đồng nghiệp để “hạ bệ” anh Phó phòng của mình? Vì sao con không chấp nhận một thử thách lớn là về Nhơn Trạch để xây dựng những công trình hoàn toàn mới mà lại tìm mọi cách ở lại Biên Hòa? Ba đã nghe con gọi điện thoại liên tục và bày ra đủ thứ trò… Bây giờ con hãy nói rõ ràng cho ba nghe…

Nhìn mặt ba đỏ lên, Dũng hiểu là cơn xung huyết lại hành hạ tim ông. Anh nói:

- Chẳng có gì đâu ba. Ba hãy lo cho sức khỏe, bây giờ con chỉ còn ba thôi…

- Biết vậy, nên con hãy nói đi…

Trước mặt ba, Dũng dần trở lại làm một đứa trẻ, nhưng hoàn toàn không phải là một đứa trẻ con ngày nào ngồi sau xe đạp của ba nữa. Anh xuôi hai tay xuống, ngồi phịch xuống ghế đối diện rồi nói:

- Dạ được, con giải thích với ba: Thứ nhất, nếu được ở lại Biên Hòa, con sẽ được giám sát những công trình lớn, có tiếng tăm, điều đó có lợi cho sự nghiệp của con hơn. Thứ hai, con đã quen cộng tác với những nhà thầu lớn ở đây, nếu thay đổi, con phải làm lại từ đầu. Con sẽ chỉ là một anh công nhân xây dựng có bằng đại học, suốt đời đi giám sát những công trình với đủ thứ việc không tên mà chẳng ai biết đến…

- Con nói sao? Con mặc cảm với cái tên “công nhân xây dựng” lắm sao? Con có biết là bây giờ, tất cả mọi người đều là công nhân. Nếu không có bằng đại học thì mới thật đáng trách đó, con ạ.

- Nhưng ba không hiểu. Nếu duy trì tốt những mối quan hệ, con sẽ có chút quyền hành trong công ty. Khi có quyền lực trong tay, anh sẽ làm được những điều anh mơ ước. Tất cả đều thỏa mãn cho khát vọng tuổi trẻ của con, khát vọng nghề nghiệp của con…

- Thôi im đi, thật là nhảm nhí…

Ba Dũng đập bàn một cái rồi bỏ vào giường nằm.

*

Dũng bổ nhào đi tìm ba. Ông đã đi mà không hề nói với anh một tiếng. Nhưng gọi điện thoại về Định Quán thì hàng xóm nói ông chưa về. Không biết ông bỏ đi đâu nữa…

Xẩm tối, một cú điện thoại gọi tới, báo cho Dũng biết ông Linh đang nằm ở bệnh viện, bị tai biến nhẹ. Anh bổ tới nơi thì gặp một ông già trạc tuổi ba mình đang rụt rè đọc tên bệnh nhân ở bàn hướng dẫn. Dũng vội hỏi:

- Bác ơi, bác có phải là bạn của ba cháu không? Sao bác biết ba cháu ở đây?

Ông già nhíu hai hàng lông mày trắng như cước nhìn Dũng rồi nhè nhẹ gật đầu, miệng ông cười móm mém nhưng đôi mắt còn tinh nhanh lắm. Cả hai bước vào phòng bệnh, nơi ông Linh đang nằm truyền dịch. Ông già không nói một câu nào cho đến khi điều dưỡng trả cho Dũng một cái bọc ni lông được buộc bằng dây thun rất cẩn thận; trong đó là mảnh giấy ghi vài số điện thoại và tấm hình phác thảo Dũng nhặt được ở công trường.

- Ồ, sao mà anh Linh lại tìm thấy được cái này nhỉ?

Bác Tám - ông già ấy - cầm nhanh mảnh giấy lên và ngắm nghía. Dũng giật mình. Anh quay nhìn và thấy ba mình đang ngủ.

- Bác biết cái này hả bác?

- Phải, tôi và anh Linh biết nó. Hơn thế nữa, chính tay tôi và anh Linh đã phác thảo ra nó rồi nhét vào một bức tường ở nhà ông Tỉnh trưởng… Hơn bốn mươi năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in về nó…

- Cháu nhặt được nó ở ngoài công trường… Bây giờ cháu đang làm kỹ sư xây dựng…

Bác Tám lại nhìn Dũng, nụ cười của ông hiền hòa, nhưng có vẻ hơi bí hiểm. Ông gật đầu:

- Tôi biết rồi, anh Linh rất tự hào về cháu. Nói đúng hơn là chúng tôi rất tự hào về cháu…

Ba Dũng đã qua được cơn nguy kịch, và thiêm thiếp ngủ. Anh mừng quá, vội mời bác Tám xuống căn tin bệnh viện uống cà phê. Trong khoảng không gian chật chội ấy, bác Tám đã kể cho Dũng nghe mọi chuyện. Bác Tám và ba Dũng vốn là bạn thân từ lúc còn học Trường Ngô Quyền, rồi cùng vào học ngành kiến trúc ở Học viện Quốc gia Kỹ thuật (tiền thân của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh hiện nay). Được hai năm thì cả hai đều bị bắt đi quân dịch.

Nhưng vốn có tư tưởng chống đối nên cả hai tìm cách trốn. Bị bắt lại, cả bác Tám và ba Dũng đều bị trừng phạt rất nặng, sau đó, biết cả hai đều có trình độ nên một ông tướng ở Biên Hòa “đặc cách” cho về xây dựng một số công trình ở Biên Hòa thay vì phải học quân sự ở Long Khánh. Khoảng năm 1972, hai người phải vừa xây, vừa coi thợ làm “phòng nhì” cho ông tướng ở khu vực gần công viên Biên Hùng, khu vực Chợ đêm bây giờ. Ức cho thân trai bị rẻ rúng, tài năng bị mai một, cả hai đã vẽ cái công trình mình tưởng tượng và nhét đại vào tường nhà hắn ta, để làm phép “thắng lợi tinh thần” cho bõ ghét!

Tưởng rằng sau giải phóng, cả hai anh em sẽ được đổi đời, nhưng không may, ba Dũng không thể đi học tiếp. Cả gia đình đi vượt biên hết nên ông chỉ còn một mình. Rồi ông lấy vợ, đưa cả gia đình đi kinh tế mới ở Định Quán, được bảy năm thì quay lại Biên Hòa tìm kế mưu sinh, nhưng không thành công lại phải lộn trở về Định Quán. Ông Tám khá hơn một chút, vì nhờ vợ ra làm tiểu thương ở chợ Biên Hòa, quanh năm phụ vợ lấy hàng chạy chợ, bỏ hẳn nghề xây dựng…

- Cháu có biết vì sao ba cháu lại phải quay về Định Quán lần thứ hai không?

Ông già hỏi một cách hóm hỉnh, cặp lông mày của ông hấp háy cười thay cho đôi mắt. Dũng gật đầu trả lời:

- Dạ, cháu biết! Ba cháu làm quản lý công trình, nhưng sau bị tai nạn, cụp xương sống, nên đành phải quay về. Nhưng…

Dũng mơ màng nhớ lại những lần được ba chở đi học bằng chiếc xe đạp cọc cạch của ông. Ngồi sau lưng ba, anh ngửi thấy mùi mồ hôi gắt nồng của ông, lại còn bị cái bàn xoa độn dưới mông rất đau, vì ông luôn “kiêm” cả thợ chính. Nhưng ông luôn hồ hởi chỉ cho Dũng những cây tràm bông vàng thơm ngát hai bên đường.

Ông hay nói với Dũng: “Con nhìn đi, mai sau ở đây sẽ mọc lên những ngôi nhà, những công trình lớn. Thân cây tràm sẽ được làm cọc móng rất chắc chắn…”. Ông đã yêu nghề xây dựng đến chừng nào. Dũng nhớ mình đã đi qua những khu quy hoạch ở Nhơn Trạch, nơi sếp anh dự định đưa anh về. Ở đó cũng ngập tràn những cây hoa tràm vàng rộm, chạy ngút mắt bên cạnh cao su và đất đỏ.

- Có thể ba cháu chưa nói với cháu, nhưng để giúp cháu học thành tài, ba mẹ cháu đã phải nhịn nhục, và trong thâm tâm của ông ấy, luôn muốn cháu thay ông ấy thực hiện được ước mơ cháy bỏng mà chúng tôi chưa thể làm được.

- Không ạ, cháu có biết điều đó. Nhưng…

Dũng cúi đầu thấp hơn một chút nữa. Anh nhớ rồi, có lẽ mấy ngày nay, ba đã nghe anh gọi điện thoại cho bác Hai bên Mỹ để kêu gọi “viện trợ” một số tiền để “chạy” ở lại thành phố. Và có lẽ bác Hai cũng đã nói chuyện với ông…

Bác Tám chẳng đếm xỉa gì đến vẻ mặt lạ thường của Dũng, ông nâng mảnh giấy xé từ bao xi măng lên gần bóng đèn tròn thòng từ trên cao xuống, ngắm nghía một hồi rồi chép miệng thở dài:

- Đẹp quá… Đó luôn là mơ ước của hai anh em tôi… một ước mơ trong vô vọng.

- Bác ơi, nhưng mà sao cháu thấy nó giống một bức tượng…

Ông già phẩy tay:

- Ý tưởng trùng hợp thôi. Nguyên mẫu của bức vẽ này chính là mẹ cháu đấy. Cháu biết không, cả hai chúng tôi đều đem lòng yêu cô ấy, từ lúc cô ấy còn là một nữ sinh mười lăm tuổi của Trường Ngô Quyền. Nhưng mẹ cháu đã chọn ba cháu, vì bà ấy cảm mến con người có nghĩa khí, dám từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Ba cháu không nói cho cháu biết sao? Đúng là cái thằng kỳ cục…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nhung-mua-tram-bung-chay-i674568/