Những nàng tiên trên thớ gỗ
Đối với nghệ thuật chạm khắc gỗ xứ Thanh, hình tượng con người bình dân cũng ít khi xuất hiện, chủ yếu là hình ảnh thần tiên hoặc con người gắn với các tích truyện của Nho giáo. Xuất hiện phổ biến nhất là hình tượng tiên nữ cưỡi rồng.
Trong nhiều nền văn hóa thế giới, tiên nữ xuất hiện với hình dạng như con người nhưng thường có những uy lực đặc biệt và thường bất tử. Ở phương Tây, bên cạnh những nàng tiên xinh đẹp, dịu hiền và tốt bụng, còn có những tiên nữ tà ác (như tiên Hắc Ám, yêu tinh…). Tuy nhiên, ở phương Đông, tiên nữ thường được nghĩ tới với dáng vẻ xinh đẹp, thanh cao, ít khi hạ phàm, thường xuất hiện để giúp đỡ những trường hợp khó khăn, hoạn nạn nên được con người tôn sùng, yêu mến.
Trong những công trình kiến trúc gỗ truyền thống ở Việt Nam, hình tượng tiên nữ chủ yếu xuất hiện trong các mảng chạm khắc với hình thức phong phú, vừa khỏe khoắn, vừa mềm mại, mang chuẩn mực vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: mặt tròn, tai to dài, tay, xiêm y lộng lẫy hay mặc yếm…
Đối với nghệ thuật chạm khắc gỗ xứ Thanh, hình tượng con người bình dân cũng ít khi xuất hiện, chủ yếu là hình ảnh thần tiên hoặc con người gắn với các tích truyện của Nho giáo. Xuất hiện phổ biến nhất là hình tượng tiên nữ cưỡi rồng. Trong đó, con rồng là linh vật gắn với mây và tầng trời, có vai trò gây mưa, tạo nguồn hạnh phúc vô bờ bến cho trần gian, và tiên nữ cưỡi rồng có tư cách là một vị thần mưa, đáp ứng nguyện vọng hằng xuyên của người nông dân Việt.
Ở đình Bảng Môn (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) có một mảng chạm hai tiên nữ cưỡi rồng đối xứng nhau. Điểm đặc biệt là tiên được tạc không có mắt mũi miệng, không biểu hiện khối mà chỉ có dạng hình phẳng, trong khi cùng mảng chạm này, các chi tiết xung quanh đều được tạo khối và đường nét rõ ràng. Có người phỏng đoán hình chạm tiên nữ này đã bị đục phẳng theo quan niệm Nho giáo khắt khe với phụ nữ, đặc biệt ở ngôi đình của làng có truyền thống khoa bảng như đình Bảng Môn, hoặc là đã bị hư hoại theo thời gian. Mặc dù vậy, người xem vẫn như thấy hình tượng này được xử lý trau chuốt, có chủ đích ngay khi tạo tác, mang đậm tính dân gian.
Ở đình Thượng Phú (xã Hà Đông, huyện Hà Trung), hình tiên cưỡi rồng lại được biểu hiện đa dạng ở 4 bố cục khác nhau: tiên nữ cưỡi trên đầu rồng có hai người hầu hai bên), tiên cưỡi rồng với những con rồng trúc hóa, cúc hóa, mang phong cách nửa cuối thế kỷ XVII. Ở đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) cũng bắt gặp hình tượng tiên nữ cưỡi rồng với những con rồng hóa như trên, tuy nhiên, nếu ở đền thờ Trần Khát Chân, hình tiên nữ được bao phủ chìm ngập trong vân mây, đao mác, thì ở đình Thượng Phú, các hình rồng được chạm đơn giản, đầy tính dân gian.
Ở mái bẩng của đền thờ Trần Khát Chân còn có hình tiên được tạc trên lưng rồng, ngực đầy đặn, lưng thắt dải lụa, mặt tròn, tai dài như tai Phật, đeo hoa tai dài, dáng người thon thả, áo bó sát người khoét nách như mặc yếm. Tay trái giơ lên cao, gần khuỷu tay đeo một chiếc bình như bình vôi (trong quan niệm dân gian, bình vôi chứa nguồn sinh lực lớn nên người ta hay tôn trọng gọi là ông bình vôi), tay trái giơ lên ngang ngực. Nhìn tổng thể, hình tượng tiên nữ này có dáng dấp của thôn nữ Việt.
Ở đình Phú Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), trên một bộ vì nách có chạm hình tiên nữ dang cánh, đầu đội mũ, xiêm y lộng lẫy, đang cưỡi trên lưng rồng. Nét khắc không dày, được khéo léo chạm nổi trên gỗ, mang phong cách đầu thế kỷ XVIII.
Không riêng ở xứ Thanh, hình tượng tiên nữ cưỡi rồng xuất hiện khá nhiều trong các di tích của người Việt, như trên tấm bia Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội), bia chùa Keo (Xuân Trường, Nam Định), bia chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), đền vua Đinh, vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình) và nhiều đình, đền, chùa ở khắp vùng châu thổ sông Hồng, có niên đại chủ yếu trong ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII.
Điểm đáng lưu ý là, hình tượng này xuất hiện ở nhiều vị trí trang trọng, tôn nghiêm của di tích như trán bia, cửa võng, các mảng chạm trong gian chính thờ thần linh…, dường như đối lập với quan niệm trọng nam khinh nữ của hệ tư tưởng Nho giáo. Khi nhìn sang nền văn hóa Trung Hoa, con rồng là biểu tượng cho quyền lực tối cao của thiên tử, quan lại và dân thường không được tùy ý sử dụng hình tượng con vật linh thiêng này. Văn hóa Trung Hoa không chấp nhận hình ảnh một người phụ nữ cưỡi lên rồng (dù dưới dạng tiên nữ). Trong khi đó, ở Việt Nam, con rồng ngoài gắn với vương quyền còn là biểu tượng cho nguồn nước, cho sự sinh sôi, phát triển, rồng xuất hiện khá nhiều trong mỹ thuật dân gian. Nhiều lúc người ta nhìn thấy những mảng chạm khắc rồng có cả những con thú nhỏ như thạch sùng, cá, rắn, hổ, lân… đang leo trèo, nghịch ngợm trên thân rồng, râu rồng như những đứa con của chúng. Theo đó, hình tượng tiên nữ cưỡi rồng đã không còn gắn với ý nghĩa vương quyền, mà gắn với ước vọng về nước, về mùa màng bội thu, về sự sinh sôi, phát triển của người Việt.
Ở đình Phú Điền có một bức chạm tiên nữ độc lập với dáng đứng thẳng, dang rộng hai cánh tay, khối giản lược, nét mộc mạc, mang phong cách cuối thế kỷ XVII. Tuy kỹ thuật chạm khắc không tỷ mỉ, nhưng đây là hình tượng con người đầu tiên xuất hiện trên đấu kê rường, được biết đến duy nhất trong kiến trúc truyền thống tại Thanh Hóa và cũng là số ít hình tượng tiên nữ đứng độc lập ở Việt Nam mà không hòa vào những hình trang trí rồng, mây, hoa, lá…
Tại chùa Hoa Long (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) có hình tượng tiên nữ được tạc đứng trên đài sen. Ở đây, hình tiên nữ mặc áo dài, hai cánh tay dang rộng giơ lên ngang tầm đầu tựa như cánh tiên, gần gũi với hình tiên nữ ở đình Ngọc Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhưng điểm khác của hình tiên nữ ở chùa Hoa Long là đội mũ hình hoa sen và đứng trên đài sen. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng đây là hình Phật bà. Qua phong cách tạo hình, lịch sử chùa và đặc biệt hệ thống chạm di vật khắc gỗ thì có thể nhận định bức chạm này có niên đại rất sớm, cùng thời với bệ đá hoa sen hình hộp tại chùa (khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI).
Hình tượng tiên nữ ở đền Cả Đế Thích (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) lại ở dưới dạng phù điêu nổi. Điểm khác biệt là hình chạm này thể hiện tiên có đầy đủ mắt mũi tai và hai cánh dang lên qua đầu. Thông thường, các hình tượng tiên trên công trình kiến trúc tôn giáo được chạm đầy đủ toàn thân, nhưng ở đây hình chạm chỉ thể hiện chân dung, chạm liền với thân gỗ, như đang được “nở” ra trong lòng một bông hoa, với ý nghĩa biểu đạt về một chu kỳ sinh sôi phát triển mới của muôn loài, muôn vật.
Một số hình tượng tiên nữ được đề cập đến ở trên là số ít hình tượng con người của nghệ thuật chạm khắc gỗ xứ Thanh còn lại đến ngày nay. Một mặt, chúng ẩn chứa ước vọng thường trực của người dân làng xã về một cuộc sống sung túc, đầy đủ, mưa thuận gió hòa... Mặt khác, dù ít ỏi, nhưng chúng đã góp phần làm rõ hơn sự tương đồng với nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống Bắc bộ, để biểu hiện về sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa xứ Thanh qua nghệ thuật chạm khắc.
Thảo Lê – Việt Anh
(Ảnh trong trang: Hiếu Trần - Thảo Lê - Việt Anh).
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nhung-nang-tien-tren-tho-go/25664.htm