Những nẻo đường mưu sinh
Những bãi rác chất cao như núi, ruồi nhặng bu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc... đó là nơi nhiều người phụ nữ đang ngày đêm vật lộn, lo cho cuộc sống gia đình. Mặc dù biết phải đối diện với bệnh tật và những nguy hiểm từ bãi rác ô nhiễm, nhưng họ vẫn quyết định gắn bó công việc này vì kế sinh nhai.
Theo chân một xe chở rác xuất phát từ thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, khoảng 10 phút sau, tôi có mặt tại khu xử lý rác thải tập trung của huyện tại đồi Xi măng, khu 2, thị trấn Thanh Thủy. Đứng cách xa khoảng 500m, mùi hôi thối theo gió bao trùm cả không gian. Bãi rác khổng lồ được dẫn vào bằng con đường màu đen kịt, lẹp nhẹp bùn đất.
Men theo lối mòn, tôi tiến lại gần một người phụ nữ đang cặm cụi cào bới, nhặt thật nhanh “chiến lợi phẩm” cho vào chiếc bao tải đang cầm trên tay đã rách nát, khuôn mặt bà sạm đen vì nắng gió, quần áo lấm lem. Bà là Trần Thị N. năm nay 70 tuổi, ở thị trấn Thanh Thủy, đã có ba năm “kinh nghiệm” làm công việc này. Bà chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhà có hai vợ chồng già liên tục đau ốm, tiền ăn còn không đủ, nói gì đến tiền chữa bệnh, con cái cũng vất vả nên không giúp đỡ được gì. Tôi già, sức khỏe yếu, không làm nghề này cũng không biết làm gì”.
Vừa phân loại đống đồ nhựa nhặt được, bà N. kể: “Mỗi ngày, tầm 8h sáng, tôi bắt đầu có mặt ở các bãi rác, tìm kiếm bìa, bao ni-lông, ve chai đến khoảng 13h chiều. Đi làm người lúc nào cũng bẩn, ám mùi hôi thối, nhiều lúc dẫm phải thủy tinh, mảnh sành làm đứt tay, đứt chân. Nhưng nếu cố gắng nhặt nhạnh, mỗi ngày tôi cũng có thể thu được 150-200 nghìn đồng từ bán phế liệu. Tôi làm đến khi nào mệt thì nghỉ, nhưng nghỉ ngày nào là nhịn ăn ngày đó”.
Ông Trần Văn Kiên – Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy cho biết: “Mỗi ngày, nếu trời nắng, tại khu tập trung rác thải của huyện sẽ có khoảng chục người đến nhặt rác, tìm phế liệu. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế đến khu vực này, vì đây là môi trường độc hại, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, vì cuộc mưu sinh nên nhiều người vẫn bất chấp cảnh báo để tiếp tục làm công việc này”.
Quả thật, tận mục sở thị tại khu bãi rác dễ dàng phát hiện đủ thứ “bẫy” với con người như: Mảnh chai lọ, kính vỡ, đinh sắt, thậm chí kim tiêm... thế nhưng những người như bà Nga vẫn tin tưởng vào “bộ đồ bảo hộ” mà họ đang mặc trên người, đó là một chiếc khẩu trang thông dụng, đôi găng tay mỏng, chiếc nón đã bạc màu... có thể bảo vệ được bản thân. Vì thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nên những người làm công việc này mắc nhiều căn bệnh về đường hô hấp, xương khớp.
Chị Khổng Thị V. quê ở xã Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc làm nghề nhặt phế liệu đã ngót chục năm. Từ ngày thông cầu Vĩnh Phú, nối liền hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc qua Sông Lô, chị thường xuyên đạp xe sang thành phố Việt Trì để thu mua phế liệu. Với chị, bao nhiêu năm làm nghề là chừng ấy năm sống trong mặc cảm, bởi nghề này gắn liền với những vòng quay rong ruổi khắp các ngõ ngách, các con phố để tìm kiếm nguồn sống từ những thứ người khác bỏ đi.
Chị tâm sự: “Tôi đi làm từ sáng sớm, lúc bọn trẻ còn chưa dậy, mọi việc lo cho chúng ăn, đưa đón đi học phải nhờ cả vào mẹ chồng. Chiều tối mù mịt về đến nhà mới lo tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa mệt nhoài nên chẳng còn thời gian chơi với con nữa. Ngày nào may mắn thì kiếm được trên dưới một trăm nghìn đồng còn nếu không chỉ được khoảng vài chục nghìn đồng. Nhiều lúc mệt mỏi, về nhà không thể nuốt nổi cơm do ám ảnh bởi mùi xú uế từ bãi rác nhưng rồi ngày mai lại vẫn phải tiếp tục công việc, để lấy tiền trang trải cuộc sống”.
Phải đối mặt trước những mối đe dọa, bệnh tật chực chờ nhưng vì cuộc sống, họ phải chấp nhận hàng ngày gắn liền với rác để kiếm tiền. Mong rằng cuộc sống của những người chọn nghề “bới rác tìm tiền” sẽ bớt đi khó khăn, vất vả, để cuộc sống dần ổn định hơn.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/nhung-neo-duong-muu-sinh/202780.htm