Những nét đặc sắc trong tín ngưỡng và lễ hội ở Thường Tín
Không chỉ nổi tiếng là đất danh hương, khoa bảng…, huyện Thường Tín còn nổi tiếng với những cụm di tích lịch sử, tín ngưỡng và lễ hội văn hóa, truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, Thường Tín là nơi tiếp nhận, lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa đa dạng, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống ở Thường Tín mang đậm màu sắc dân gian, tiêu biểu cho văn hóa phía Nam Thăng Long - Hà Nội và thường diễn ra vào dịp đầu năm.
Những nét văn hóa nổi bật

Lễ hội rước kiệu tại chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi) - nét văn hóa đặc sắc được lưu giữ đến nay. Ảnh: Tô Quý
Theo lịch sử Thường Tín còn ghi chép lại, Thường Tín nổi tiếng cả nước với tín ngưỡng đa thần thờ Tứ Pháp. Theo các chuyên gia lịch sử, xưa kia khi khoa học chưa phát triển, con người hình dung tất cả các hiện tượng thiên nhiên đều là thần thánh, nên mới có tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Thường Tín gắn với những ngôi chùa, như: Chùa Đậu ở làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi) thờ thần mưa, chùa Pháp Lôi ở làng Văn Hội (xã Văn Bình) thờ thần sấm và chùa Pháp Vân ở làng Văn Giáp (xã Văn Bình) thờ thần mây. Các ngôi chùa trong hệ thống Tứ Pháp ở Thường Tín có kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên một diện tích rộng, thoáng đãng, địa thế đẹp và chùa Đậu thờ thần Pháp Vũ là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được lưu giữ tại nhiều địa phương của Thường Tín; tiêu biểu là ở đền Lộ, đền Dầm (xã Ninh Sở). Đền Lộ có nhiều sắc phong khẳng định là ngôi đền thờ “Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương”. Đền Lộ có nhiều bàn thờ mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thoải.
Nét nổi bật nữa ở Thường Tín chính là tín ngưỡng thờ tổ nghề. Tín ngưỡng thờ tổ nghề đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện sự biết ơn đến những vị sáng lập, mở mang ngành nghề cho nhân dân. Ở hầu hết các làng nghề của Thường Tín, trong những ngôi đình, đền, miếu đều đặt ban thờ tổ nghề bên cạnh ban thờ đức Thành hoàng làng, như: Đình Văn Trai, đình Cống Xuyên, đình Khánh Vân. Một số làng xây đền thờ tổ nghề, như: Thụy Ứng, Trát Cầu. Một số làng thuộc xã Thắng Lợi, Quất Động tôn vị tổ nghề Lê Công Hành làm Thành hoàng làng. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín Đặng Hữu Tiệp, từ tín ngưỡng thờ tổ nghề, thờ Thành hoàng làng dẫn đến lễ hội, bởi lễ hội thường được tổ chức vào ngày sinh hoặc ngày hóa của đức Thành hoàng làng. Giai đoạn trước năm 1945, huyện Thường Tín là một trong những địa bàn nhiều lễ hội nhộn nhịp của xứ Bắc Hà. Thời gian lễ hội thường vào mùa xuân và mùa thu.

Đấu gậy - một trò chơi dân gian tại Lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu). Ảnh: Đỗ Phong
Cùng với các di tích lịch sử, cứ mỗi độ xuân về, khắp các làng xã ở huyện Thường tín lại tưng bừng tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với tập tục, tín ngưỡng và di tích trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín là một trong những địa phương đứng đầu Thủ đô Hà Nội về số lượng di tích lịch sử, văn hóa với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng; trong đó có 126 di tích đã được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố). Gắn với hệ thống di tích là các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), Lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), Lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu)...
Đại đức Thích Quang Minh, Trụ trì chùa Đậu thông tin, Lễ hội chùa Đậu có từ thời nhà Mạc, luôn được nhân dân quanh vùng trông đợi và chuẩn bị một cách công phu và trang nghiêm. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với Thành hoàng làng và Bồ Tát Pháp Vũ (Thần mưa), mà còn là cơ hội để mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui, hy vọng vào một năm mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu...
Xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ những di sản
Thường Tín là một trong số ít các địa phương tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hóa; trong đó có các dự án tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, phát triển các làng nghề truyền thống.

Tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" hứa hẹn mở ra tuyến du lịch làng nghề đặc sắc. Ảnh: Tô Quý
Phát huy thế mạnh về làng nghề, ngay đầu năm 2025, huyện Thường Tín đã tổ chức cắt băng khánh thành, khởi động tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái". Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Nguyễn Văn Oánh cho biết, nghề sơn mài Hạ Thái được xác định có từ thế kỷ XVII. Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông - Tây. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác, như vỏ trứng, ốc, cật tre…; đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài xuất hiện từ đó. Năm 2020, Hạ Thái được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng giúp Hạ Thái xây dựng, củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội. “Xuất phát từ định hướng phát triển du lịch của Thủ đô, huyện và nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước, tại điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái hiện có rất nhiều worshop trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề. Tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" hứa hẹn mở ra tuyến du lịch làng nghề đặc sắc, mang những nét đặc trưng riêng có; được quảng bá, giới thiệu rộng tới du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương”, ông Nguyễn Văn Oánh chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh thông tin, huyện đã và đang xây dựng các đề án, như: “Phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề và làng sinh thái huyện Thường Tín giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030”, “Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” (xã Nhị Khê) và “Khu du lịch văn hóa làng nghề Thượng Phúc” (xã Văn Bình)… Trong những năm qua, nhiều công trình văn hóa, lịch sử, làng nghề cũng được huyện chú trọng phát triển và đầu tư. Đây là nền tảng cơ bản để huyện phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa vốn có, đồng thời định hình thương hiệu du lịch Thường Tín trong thời gian tới.

Đến làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái) du khách có thể trải nghiệm quá trình làm sơn mài của làng nghề. Ảnh: Đỗ Phong
Song song với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị, công trình văn hóa, lịch sử, Thường Tín còn chú trọng đẩy mạnh hạ tầng giao thông, tạo tính liên kết giữa các không gian văn hóa, lịch sử. Chính vì vậy, các quy hoạch của huyện thời gian qua đều chú trọng đến kết nói trục kinh tế, văn hóa, lịch sử, làng nghề giữa các địa phương, từ đó làm đòn bảy cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện.