Những nét tương đồng giữa kinh đô Nam Bình và kinh đô Cổ Loa

Theo nhiều tài liệu và truyền thuyết thì cả hai kinh đô là Nam Bình ở Cao Bằng và Cổ Loa ở Hà Nội đều do Thục Phán - An Dương Vương xây dựng, cho nên giữa hai kinh thành có nhiều điểm liên quan, tương đồng rõ nét.

Di tích Cổ Loa thuộc địa phận huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: M.T

Di tích Cổ Loa thuộc địa phận huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: M.T

Trước khi Thục Phán - An Dương Vương về nối ngôi vua Hùng đã xây dựng kinh đô Nam Bình. Hiện nay vẫn còn di tích của kinh đô này, đó là tòa thành cổ được ghi trong Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn, đó là: “Hiện tại, còn dấu vết của một tòa thành ở Cao Bằng, dân gian gọi là thành Bản Phủ… Thành này có hai lớp tường thành đất bao bọc gợi ra truyền thống đắp thành Cổ Loa sau khi An Dương Vương rời Cao Bằng xuống đóng đô ở đồng bằng”.

Qua nghiên cứu cho thấy cả hai thành cổ đều được xây đắp bằng đất nện, đều lợi dụng một phần địa thế tự nhiên để làm vòng thành ngoài, đều có mặt thành giáp sông và giếng nước, các điểm thờ… ở kinh thành. Cùng với đó còn có nhiều câu truyện liên quan về việc xây thành và phong tục tập quán của cư dân vùng kinh đô Nam Bình và kinh đô Cổ Loa. Những liên quan và tương đồng đó có mối liên hệ gắn bó mật thiết từ xa xưa, đến nay vẫn còn đậm nét trong sinh hoạt của cư dân.

Đó là các biểu tượng rùa vàng, gà trắng, trong đó gà trắng phá hoại việc xây thành Cổ Loa, rùa vàng giúp xây thành. Rùa vàng, gà trắng có thể gọi là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày từ xưa đến nay.

Khi Thục Phán - An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa, gà trắng đã phá hoại việc xây thành, còn rùa vàng giúp xây thành. Truyền thuyết cho biết: Tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) An Dương Vương xây thành đến đâu là lở đến đấy. Vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần. Sau đó được rùa vàng giúp đỡ… nên quỷ tinh gà trắng bị diệt. Thành xây xong rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa thành (tức thành Cổ Loa), hay còn gọi là Tư Long thành.

Nhân dân coi rùa vàng là thần giúp sức, phù trợ nhân dân diệt trừ yêu ma, mang đến những điều tốt đẹp nên con rùa được quý trọng, tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là ‘‘vật ký thác linh hồn”, hiện nay đồng bào vẫn coi “ma gà” (phi cáy) là hiện tượng đáng sợ, khi bị “ma gà” nhập. Nhất là con gà trắng, đồng bào coi gà trắng là ‘‘cáy khoăn” (tức gà gọi hồn vía), vì vậy thường kiêng nuôi gà trắng, kiêng thịt gà trắng trong những dịp lễ vui mừng… Từ những quan niệm đó đến những phong tục, tập quán của người Tày về rùa vàng, gà trắng và nhiều sự trùng hợp trong tập tục sinh hoạt đời sồng của cư dân hiện nay vẫn duy trì, có thể thấy rõ trong sách: Đóng góp của các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái trong tiến trình lịch sử Việt Nam, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia xuất bản năm 2006 là: “Sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, những nét tương đồng ấy phải chăng có cội nguồn từ nguồn gốc Tày cổ của Thục Phán - An Dương Vương. Vì nhà vua là Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa”. Điều đó càng có thêm cơ sở để khẳng định Thục Phán từ Cao Bằng nối ngôi vua Hùng và đến Cổ Loa đóng đô, xây thành.

Các tác giả sách Địa chí Cổ Loa, trong phần Tư liệu lịch sử và các giả thuyết khoa học đã xác nhận một giả thuyết, trong đó cho rằng: “Thục Phán là một thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía Bắc nước Văn Lang, theo truyền thuyết của đồng bào Tày thì liên minh bộ lạc đó là nước Nam Cương… với địa bàn cư trú gồm vùng Nam Quảng Tây, Cao Bằng và có thể rộng hơn, cả vùng núi phía Bắc Bắc Bộ, mà trung tâm là Cao Bằng. Nhân dân Cổ Loa (Hà Nội) cũng tương truyền rằng, Thục Phán - An Dương Vương vốn là “một tù trưởng miền núi”, là người quê quán gốc tích ở miền rừng núi phía Bắc”. “Thậm chí truyền thuyết còn nói rõ quê gốc của Thục Phán - An Dương Vương là Cao Bằng”.

Một điểm nữa là khi nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa tộc người càng thấy rõ sự gắn kết gữa hai vùng kinh đô. Đó là, đến ngày nay các địa danh, các câu chuyện gắn liền với Thục Phán - An Dương Vương và nước Nam Cương đến nước Âu Lạc và kinh đô Nam Bình với kinh đô Cổ Loa vẫn còn in sâu đậm trong ký ức nhân dân và trong tâm thức nhân dân vẫn còn nhiều tập tục - có thể gọi là một loại hình văn hóa tộc người lưu lại, liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và hai kinh thành.

Tên đất và tên thành Cổ Loa cho thấy ảnh hưởng của yếu tố Tày - Choang trong văn hóa Việt - Mường cổ. Các nhà khoa học đã chứng minh một cách sáng tỏ: “Chạ chủ”, “Kẻ Chủ” từ cổ Việt - Mường dần dần được thay thế bởi “Kẻ” từ cổ Tày - Choang và công thức tên nôm các làng Việt Nam truyền thống (Kẻ + X) là mượn ở cách đặt tên đất của người Tày, Choang cổ. Địa danh Cổ Loa đã được các nhà ngôn ngữ - dân tộc học lịch sử phân tích nguồn gốc biến âm từ Kẻ Lũ; những địa danh có tên Kẻ… và những địa danh tương ứng với Cổ Loa ở Cao Bằng không thiếu, gần thành Bản Phủ bên kia sông Bằng có Kẻ Giẳng, Kế Nông, xa hơn một đoạn là Co Lỳ, Co Tó, Đông Vjảo, ngay kinh đô Nam Bình có Đống Lân…, tương ứng với Cà Lồ, Đống Dân, Cổ Loa, chợ Tó, Đông Tảo… rất nhiều địa danh xung quanh thành Cổ Loa và kinh đô Nam Bình, thành Bản Phủ có sợi dây liên hệ, đó là những chứng tích cho thấy rõ sự liên quan giữa hai kinh đô Nam Bình và kinh đô Cổ Loa của Thục Phán - An Dương Vương.

Dấu tích thành Bản Phủ, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Dấu tích thành Bản Phủ, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Không chỉ như vậy mà những năm 1960, ở Cao Bằng còn lưu truyền “Slửa nổc sloa” tức áo lông chim trĩ và “Slửa nổc cốt” tức áo lông chim bìm bịp và một loại sang hơn là “Slửa cáy nhùng” là áo lông gà công. Đó là những chiếc áo gần với chiếc “áo lông ngỗng” của Mỵ Châu - con gái của An Dương Vương. Hình tượng áo lông ngỗng mà công chúa Mỵ Châu mặc, được đề cập trong truyền thuyết là một hình tượng có cơ sở thực tế, đó là tấm áo lông chim trong văn học dân gian Tày - Nùng, áo lông ngỗng trong thư tịch cổ và truyền thuyết Tày - Choang, phong tục dùng lông ngỗng làm gối, chăn, áo khá phổ biến. Áo lông ngỗng có thể xem như một phong tục đặc biệt phổ biến ở người Tày - Choang cổ. Về chi tiết công chúa Mỵ Châu rắc áo lông ngỗng từ kinh thành Cổ Loa để “chỉ đường cho Trọng Thủy cũng gần gũi với hình ảnh “một người con gái Tày đánh dấu chỉ đường bằng cách rắc áo lông ngỗng bứt ra từ chiếc áo trên mình trong sinh hoạt nương rẫy”, được đề cập trong cuốn Văn hóa và Lịch sử người Thái ở Việt Nam.

Ngay cả Mỵ Châu cũng chính là biến âm của tiếng Tày từ “Mẻ chủa” hay ‘‘Mẻ Chẩu” mà thành. An Dương Vương có công chúa là Mỵ Châu. Theo kết quả nghiên cứu liên ngành cho thấy: Tên gọi Mỵ Châu là do cách đặt tên của người Tày - Choang cổ mà có, Châu là Ngọc, lấy tên Ngọc quý đặt cho con trai, con gái là phong tục phổ biến ở Lĩnh Nam.

Trong “Việc thờ cúng An Dương Vương ở Cổ Loa. Lễ tế An Dương Vương hằng năm và cả trong cúng tết của người dân Cổ Loa không thể thiếu món bánh chưng tròn dài, gọi là bánh chưng Tày”.

Chính vì vậy mà giữa kinh đô Nam Bình của Thục Chế, Thục Phán - An Dương Vương ở Cao Bằng và kinh đô Cổ Loa của Thục Phán - An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội đã có mối liên quan về nhiều mặt từ kỹ thuật xây dựng thành trì đến các phong tục, tập quán của cư dân, các địa danh và ngôn ngữ, đến cả các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng trong cư dân.

Qua những sự kiện và diễn biến của hai kinh đô, cho thấy sự liên quan với nhau khá chặt chẽ và nhiều nét tương đồng hầu như không có sự khác biệt, cho nên việc khẳng định quá trình lịch sử của hai vùng đất, con người giữa hai kinh đô có sự liên quan là hoàn toàn phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử.

Với những thông tin tư liệu đó, lược bỏ những yếu tố truyền thuyết là những hạt nhân lịch sử, nên có thể khẳng định: Sự phát triển từ nước Nam Cương của Thục Phán đến nước Âu Lạc của Thục Phán - An Dương Vương, đây là quá trình phát triển hợp lý cả không gian và thời gian, có tính liên tục, có tính kế thừa trong lịch sử. Điều đó góp phần làm sáng tỏ và khẳng định giả thuyết Thục Phán - An Dương Vương có nguồn gốc ở Cao Bằng đã đóng đô ở Cao Bình và có công lớn đối với việc thành lập nước Âu Lạc, sau đó đóng đô ở Cổ Loa, ông đã có đóng góp lớn vào quá trình dựng nước và giữ nước trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nước ta. Nước Âu Lạc ra đời đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-net-tuong-dong-giua-kinh-do-nam-binh-va-kinh-do-co-loa-3177192.html