Những ngân hàng 'bé hạt tiêu' kinh doanh ra sao năm 2024?
Nhóm các ngân hàng 'bé hạt tiêu' với vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản nhỏ khoảng 70.000 - 100.000 tỷ đồng như: BVBank, PGBank, VietABank vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 và cả năm 2024.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất do Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã chứng khoán: BVB) vừa công bố, lãi trước thuế năm 2024 của ngân hàng đạt 390,6 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm trước, vượt xa kế hoạch đề ra (200 tỷ đồng). Lãi sau thuế BVBank đạt 311,3 tỷ đồng, chỉ thấp hơn mức lãi kỷ lục được thiết lập năm 2022 (364 tỷ đồng); trong đó, tính riêng quý IV/2024, ngân hàng này lãi đột biến gấp 21 lần cùng kỳ.
Thu nhập ngoài lãi hẩm hiu, nhiều khoản lãi đột biến
Để tạo nên kết quả kinh doanh đầy bất ngờ này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho vay, với thu nhập lãi thuần từ tín dụng đóng góp 2.306 tỷ đồng, tăng 56% cùng kỳ. Trong khi đó, hầu hết các mảng trong hoạt động phi tín dụng đều sụt giảm, ngoại trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về gần 46 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 31%, còn 38 tỷ đồng do chi phí tăng 31% không đủ bù đắp khoản gia tăng thu nhập. Cùng với đó, thu từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm sâu 78% cùng kỳ; thu hoạt động dịch vụ khác cũng giảm 21%.
Tính chung tổng thu nhập hoạt động của BVBank cả năm 2024 đạt 2.477,6 tỷ đồng, tăng 41% cùng kỳ (1.755 tỷ đồng). BVBank vẫn trông chờ vào chủ yếu vào tín dụng do thu nhập lãi thuần chiếm áp đảo 93% thu nhập hoạt động, tỷ trọng này ở mức cao trong toàn ngành.
Đáng chú ý, tính riêng quý IV/2024, BVBank lãi đậm 166,7 tỷ đồng, gấp 21 lần cùng kỳ, cao hơn 7 lần quý liền kề. Theo đó, ngân hàng thu được gần 759 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 330,8 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh phi tín dụng đóng góp khiêm tốn chỉ 26,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,3% tổng thu nhập hoạt động.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận quý IV tăng cao so với quý trước đến từ việc tăng mạnh hoạt động cho vay, đóng góp gần 40% mức tăng cả năm, tốc độ thu nợ đẩy nhanh với mức thu gần 3 lần bình quân các quý trước, cải thiện mạnh thu lãi và giảm chi phí dự phòng.
Với Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank- mã chứng khoán: PGB), theo báo cáo tài chính mới công bố, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần năm 2024 đạt 1.659 tỷ đồng, tăng 27,5% cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế theo ngân hàng công bố đạt lần lượt 421 tỷ đồng và 336,7 tỷ đồng, đều tăng 20% cùng kỳ song còn cách xa "vạch đích" (kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 554 tỷ đồng). Nếu tính theo số liệu hậu soát xét bán niên, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của PGBank chỉ đạt 364,5 tỷ đồng và 291,4 tỷ đồng, mức tăng trưởng chỉ còn khoảng 4%.
Tỷ trọng thu nhập lãi thuần của BVBank, PGBank và VietABank chiếm khoảng 87-90% tổng thu nhập hoạt động. Các ngân hàng quy mô nhỏ chật vật gia tăng tỷ trọng nguồn thu nhập phi tín dụng.
Thu nhập ngoài lãi của PGBank vốn đã chiếm trọng số nhỏ, năm 2024 lại kinh doanh hẩm hiu, sụt giảm mạnh từ hoạt động dịch vụ khi chỉ ghi nhận 18 tỷ đồng (giảm 48%); kinh doanh ngoại hối gần như không đáng kể do khoản lỗ 11,6 tỷ đồng quý III/2024 thổi bay lãi thuần cả năm, sụt giảm 98% cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ đậm gần 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động khác lại tăng bất ngờ, gấp 5 lần cùng kỳ, ghi nhận mức lãi thuần 209 tỷ đồng. Tính riêng quý IV/2024, lãi thuần từ hoạt động khác tăng đột biến 15 lần cùng kỳ, đây cũng là một trong những nhân tố chính khiến quý cuối năm, ngân hàng này lãi gấp 13 lần cùng kỳ.
Với Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank- UPCoM: VAB), năm 2024 là năm kinh doanh không mấy sáng sủa khi tổng thu nhập hoạt động đạt 2.662 tỷ đồng, chỉ tăng 6%, đây là mức khá thấp so với toàn ngành. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 2.328 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87% thu nhập hoạt động và tăng 28,6% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động tăng 12%, cao hơn mức tăng thu nhập, lên 1.022 tỷ đồng. Dù thu nhập hoạt động không mấy cải thiện nhưng ngân hàng cắt giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 20%, do đó, kết quả lãi sau thuế vẫn tích cực, tăng 18% cùng kỳ, đạt 877 tỷ đồng.
Nợ nghi ngờ, rủi ro mất vốn tăng
Về quy mô tài sản, tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của BVBank đạt 103.536 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023. Hoạt động tín dụng ghi nhận kết quả tích cực với số dư nợ cho vay khách hàng hơn 68.063 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, dư nợ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 75% tổng quy mô dư nợ.
Tổng quy mô huy động của BVBank ghi nhận 95.400 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 67.389 tỷ đồng, tăng 18% với động lực chính đến từ các chương trình tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ. Tổng số lượng khách hàng tăng gần 30% so với đầu năm, đạt 2,3 triệu khách hàng.
BVBank cho biết, năm 2024 cũng là năm đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động chuyển đổi số với 92% khách hàng mới đến từ kênh số, tăng 40% so với 2023. BVBank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai giải pháp thanh toán xuyên biên giới.
Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của BVBank là 2.106 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2023, tăng 35% so với năm 2022, đây cũng số nợ xấu ở mức đỉnh lịch sử của ngân hàng này. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay cải thiện, giảm từ mức 3,31% xuống còn 3,09%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng 45,21%, cao hơn năm 2023 nhưng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây và rất mỏng so với toàn ngành.
Ngoài ra, BVBank còn số dư trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) tính đến cuối năm 2024 là 1.560 tỷ đồng. Đây là những khoản nợ khó đòi, được bán sang VAMC nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng và xử lý nợ thông qua VAMC. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng thoát khỏi gánh nặng nợ xấu, bởi các khoản nợ này vẫn có khả năng quay lại nếu sau 5 năm chưa được xử lý.
Với PGBank, tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 73.211 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm đầu năm, vượt gần 10.000 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra. Trong đó, cho vay khách hàng tăng mạnh từ 34.983 tỷ đồng lên 41.436,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 18,4%. Tiền gửi khách hàng tăng lên 43.326 tỷ đồng, tăng 21,3%. PGBank 40,5%
Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của PGBank là 1.061 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cuối năm 2023. Số dư trái phiếu VAMC tính đến cuối năm 2024 vẫn còn 771,2 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý IV/2024 của ngân hàng đạt 40,5%, cải thiện so với ba quý đầu năm.
Với VietABank, tổng tài sản của ngân hàng tăng 6,8% so với đầu năm lên 119.832 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 15,7% so với hồi đầu năm lên gần 79.916 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4% lên 90.289 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2024 là 1.046 tỷ đồng, giảm 5% so với mức 1.101 tỷ đồng đầu kỳ. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 1,59% xuống 1,3%. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của ngân hàng tăng gấp 23 lần, lên mức 513 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietABank ở mức tốt nhất trong các ngân hàng nêu trên, ở mức 72,5%./.
Bộ đệm rủi ro yếu so với toàn ngành
Trong ba ngân hàng có quy mô "bé hạt tiêu này", PGBank có tổng tài sản của ngân hàng tăng mạnh nhất 32% (lên 73.211 tỷ đồng), theo sau là BVBank tăng trưởng 18% (103.536 tỷ đồng), VietABank có mức tăng khiêm tốn hơn chỉ 6,8% (119.832 tỷ đồng). Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của BVBank cao nhất 3,09% (2.106 tỷ đồng); tiếp đến là PGBank 2,56% (1.061 tỷ đồng); VietABank 1,31% (1.046 tỷ đồng). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng VietABank cao nhất trong các ngân hàng so sánh, ở mức 72,5%; tiếp đó là BVBank 45,21%, PGBank 40,5%./.